Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong 6 tháng qua, Hà Nội ước đón 2,9 triệu lượt khách, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế, số người nước ngoài đến Hà Nội trong thời gian này không nhiều và chủ yếu là chuyên gia, người lao động lưu lại làm việc tại các địa phương của Việt Nam.
Về tình hình kinh doanh khách sạn, trong tháng 6/2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt 25,7%, giảm 0,7% so với tháng 5/2021 và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tính tổng 6 tháng, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt 24%, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù gặp không ít khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp, song trong 6 tháng năm 2021, ngành Du lịch Thủ đô cũng thực hiện được một số nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, nổi bật là việc cơ cấu lại các sản phẩm du lịch mới, tập trung thu hút khách nội địa, như: Tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long; sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học; sản phẩm tour du lịch trải nghiệm “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò… Song song với việc thu hút khách bằng các sản phẩm đặc trưng, ngành Du lịch Hà Nội sẽ đổi mới cách quảng bá tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, liên kết xúc tiến để lan tỏa hình ảnh du lịch đặc trưng Thủ đô đến với du khách cả nước, trong đó có chính những người đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội.
Làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến ngành du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề. Đứng trước khó khăn, du lịch Hà Nội đã nỗ lực khắc phục để giảm thiểu thiệt hại, chuẩn bị các kịch bản phục hồi, qua đó hoàn thành “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch các phương án mà nhiều doanh nghiệp lữ hành đang thực hiện chỉ là giải pháp tạm thời. Để vực dậy ngành Du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến mới, toàn ngành cần có kế hoạch, hướng đi dài hơi hơn thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Sở Du lịch Hà Nội đã tham mưu trình UBND thành phố về việc phê duyệt hồ sơ thiết kế ý tưởng, thiết kế sản xuất hệ thống biển chỉ dẫn du lịch, bộ nhận diện thương hiệu logo du lịch làng nghề và quà tặng lưu niệm du lịch Hà Nội; tổ chức thành công hội nghị xây dựng sản phẩm kích cầu du lịch nội địa với sự tham gia của hàng trăm đơn vị vận chuyển, lữ hành, khách sạn, khu/điểm du lịch trên địa bàn thành phố; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức Lễ hội kích cầu du lịch năm 2021 và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội; tổ chức các chương trình khảo sát du lịch cho các đơn vị lữ hành tại huyện Quốc Oai, Thường Tín…
Hiện tại, Thành phố cũng đang thiết kế ý tưởng, thiết kế sản xuất hệ thống biển chỉ dẫn du lịch, bộ nhận diện thương hiệu logo du lịch làng nghề và quà tặng lưu niệm du lịch Hà Nội. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; có kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Ngành du lịch Hà Nội xây dựng 3 kịch bản phát triển du lịch Thủ đô trong năm 2021 với chỉ tiêu, kế hoạch đón lượng khách nội địa đạt từ 50-70% so với năm 2019, tương ứng đạt từ 11-15 triệu lượt khách. Trong đó, ngành du lịch đặt ra mục tiêu phấn đấu cao nhất, thu hút trên 15 triệu lượt khách du lịch nội địa, bằng 70% so với năm 2019 và tăng 2 lần so với năm 2020.
Thu Hà / nguoihanoi.com.vn