Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): “Bệ phóng” giúp giao thông Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định mang tính đột phá về giao thông góp phần tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển Vùng Thủ đô.

Áp lực gia tăng

Theo thông tin Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông khung của Thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi giúp kết nối các khu vực, góp phần nâng cao năng lực giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đáng chú ý, tính đến tháng 10/2023, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tiếp tục được quan tâm, đến nay tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng được 19,05% nhu cầu đi lại của người dân. Từ năm 2020 đến nay, Hà Nội đã xử lý được 36 điểm ùn tắc giao thông.

Dù cố gắng, song về lĩnh vực giao thông cũng cho thấy, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập. Chẳng hạn, hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội đang triển khai đầu tư 96 dự án bãi đỗ xe, nhưng mới có 18 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, còn lại đang triển khai hoặc chuẩn bị có quyết định chấm dứt đầu tư. Tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị chậm so với kế hoạch do nguồn lực còn hạn chế.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): “Bệ phóng” giúp giao thông Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại
Đường sắt đô thị đã chứng minh được tính ưu việt, giúp giao thông Thủ đô văn minh và hiện đại hơn.

Trong khi đó, hạ tầng của Thủ đô đang “gánh” tới khoảng 7,9 triệu phương tiện; ngoài ra còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác. Nhưng, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị của Hà Nội đạt khoảng 12,13% (yêu cầu của quy hoạch là từ 20% đến 26%), quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%.

Việc triển khai các quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đã được Thành phố quy hoạch song vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi kinh phí đầu tư ban đầu cho các dự án đầu tư bến xe, bãi đỗ xe công cộng là khá lớn, thời gian thu hồi vốn và khả năng thu hồi vốn khó khả thi dẫn đến nhà đầu tư chưa quan tâm tham gia đầu tư. Một số vị trí, địa điểm kêu gọi đầu tư dự án bến, bãi đỗ xe công cộng chưa thực sự thu hút nhà đầu tư.

Ông Vũ Hồng Trường – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), cho biết, ngày 6/11/2021 là cột mốc ghi dấu tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như của cả nước. Đến nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã vận hành được 2 năm và bước đầu được đánh giá là thành công, được đông đảo người dân ghi nhận là phương tiện đi lại nhanh chóng, an toàn, xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen đi lại theo hướng chuyển dịch từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng đồng thời tạo dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, lịch sự.

Hà Nội không chỉ là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, “trái tim” của cả nước mà còn là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ và hội nhập quốc tế. Với vai trò về kinh tế của mình, chỉ khi “mạch máu” giao thông phát triển mới có thể tạo nên nền tảng thúc đẩy sự phát triển của Hà Nội; tạo ra sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Việt Nam cho rằng, để giải quyết những bất cập về giao thông, trước mắt cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản pháp quy; có các cơ chế để phát triển giao thông đi trước một bước, sau đó là kịp thời ban hành văn bản dưới Luật.

“Thủ đô Hà Nội đang sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 tầm nhìn 2065, lập quy hoạch Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050 là thời điểm thích hợp để tập trung nguồn lực, trí tuệ, xác định các định hướng cơ chế tạo đột phá cho giao thông”, ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng

Theo các chuyên gia giao thông, trước những bất cập của giao thông Thủ đô, một trong những giải pháp không thể thay thế chính là phát triển giao thông công cộng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển đường sắt đô thị.

Theo tìm hiểu, hiện trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng quy định cho phép Thành phố huy động nguồn lực từ đất để phát triển đường sắt đô thị. Trong đó, việc quy hoạch vùng phụ cận và thu hồi, đấu giá đất trong vùng phụ cận là biện pháp để thu lại giá trị gia tăng từ đất để tạo nguồn lực cho phát triển đường sắt đô thị. Quy định này đã cơ bản thể hiện được về biện pháp, cách thức triển khai thực hiện và giải pháp kết hợp giữa dự án đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị.

Đây là biện pháp quan trọng để giúp Thành phố đẩy nhanh tiến độ phát triển đường sắt đô thị; từ đó, giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông, giúp giảm phương tiện giao thông cá nhân từ đó giảm ùn tắc giao thông ở đô thị trung tâm; giảm ô nhiễm không khí; giúp đẩy nhanh quá trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị trung tâm, phát triển các đô thị, thành phố vệ tinh, từ đó thực hiện hiệu quả mục tiêu di dời các cơ sở, trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, giãn dân ở khu vực đô thị trung tâm.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): “Bệ phóng” giúp giao thông Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại

Đặc biệt quan tâm đến vai trò của đường sắt đô thị đối với giao thông vận tải nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội nói chung, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, việc phân cấp để Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư với các dự án theo mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) là một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi.

Theo đó, một TOD mang bản sắc của Thủ đô đó là một giải pháp tổng thể về phát triển đô thị làm cơ sở cho quy hoạch, tái thiết và phát triển đô thị; lấy đầu mối giao thông đường sắt đô thị làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện giao thông công cộng. Từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, sức khoẻ cộng đồng, giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa…

Có thể thấy, nếu xác định TOD là một giải pháp quy hoạch cho Hà Nội trong việc hướng tới người dân sử dụng giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường thì các quy định về TOD nên được nhấn mạnh hơn, trở thành một trong những trọng tâm cần được lưu ý trong chính sách phát triển đô thị của Thủ đô.

Với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tin tưởng rằng đây là cơ hội tốt để các thành phố cải tạo cảnh quan đô thị, tái cấu trúc đô thị, từ đó đưa giao thông Thủ đô ngày một xanh, thông minh, hiện đại.

Đinh Luyện