Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ những nét riêng có của văn hóa Thủ đô

Góp ý về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật đã quy định tương đối đầy đủ 9 nhóm chính sách với nhiều nội dung mang tính đột phá đặc thù có kế thừa bổ sung và phát triển so với luật hiện hành. Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần làm rõ những nét riêng có của văn hóa Thủ đô.

Nhiều nội dung mang tính đột phá đặc thù có kế thừa bổ sung

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) thống nhất với quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô; Dự thảo Luật đã quy định tương đối đầy đủ 9 nhóm chính sách với nhiều nội dung mang tính đột phá đặc thù có kế thừa bổ sung và phát triển so với luật hiện hành.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ những nét riêng có của văn hóa Thủ đô
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) phát biểu.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Dự thảo Luật chưa thể hiện rõ nét riêng có của văn hóa Thủ đô, chưa làm rõ nội hàm văn hiến, văn minh hiện đại, thành phố di sản sáng tạo và là nguồn lực phát triển của Thủ đô.

Về phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô quy định tại Điều 24, đại biểu cho biết, Dự thảo Luật chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất để giáo dục toàn diện cả trí lực, thể lực, tâm lý, tinh thần cho trẻ em, nhất là ở các khu vực đô thị lõi, đô thị mới tập trung đông dân cư hiện nay; chưa khắc phục được sự chênh lệch trong đầu tư phát triển chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành nông thôn; chưa có sự gắn kết cho quy hoạch giáo dục với quy hoạch tổng thể của Thủ đô.

Về quy định liên kết phát triển vùng Thủ đô quy định tại Chương 5, theo đại biểu vấn đề liên kết phát triển vùng nói chung là một nội dung khó chưa được pháp lý hóa một cách rõ ràng cụ thể đồng bộ trong hệ thống pháp luật nước ta. Việc điều phối hoạt động đầu tư phát triển của các vùng kinh tế – xã hội nói chung và vùng Thủ đô nói riêng cần rõ ràng về cơ chế đầu tư cơ chế tài chính cơ chế quản lý điều hành xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương trong vùng.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ những nét riêng có của văn hóa Thủ đô
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận sáng 27/11.

Để xây dựng các quy định về liên kết phát triển vùng Thủ đô trong luật hiệu quả, khả thi, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu quy định đầy đủ, cụ thể hơn một số nội dung: Tại khoản 1 Điều 46 quy định cùng Thủ đô là vùng phát triển kinh tế – xã hội tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia. Quy định này chưa đầy đủ bởi khi được đề cập đến hạ tầng kỹ thuật phải song song với hạ tầng xã hội và quy định này hẹp hơn, chưa đồng bộ với Kết luận số 45 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và về định hướng quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh cả những hoạt động kinh tế – xã hội của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng trong đó có quy định giao Thủ đô có vai trò chủ trì điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy cần nghiên cứu bổ sung làm rõ nét hơn, cụ thể hơn các quy định đặc thù khác liên quan đến vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng trong Dự thảo như thẩm quyền về đầu tư các dự án có tính chất vùng được đầu tư sang địa bàn tỉnh khác của các địa phương, các ưu đãi đầu tư, cơ chế đặc thù về liên kết vùng, quản lý dân cư… đảm bảo hiệu quả và thực chất.

Cần cơ chế khai thác các tiềm năng, lợi thế, tạo sức hút cho Thủ đô

Góp ý Dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho rằng, xây dựng Luật Thủ đô phải đặt ra những yêu cầu phát triển cao hơn, phải có cơ chế khai thác các tiềm năng, lợi thế nội tại và tạo ra sức hút mạnh mẽ hơn từ bên ngoài; phải quy định được vai trò, trách nhiệm quyền hạn của chính quyền và nhân dân Thủ đô cao hơn so với các địa phương khác của nước. Đại biểu cho rằng, yêu cầu trên phải được xác lập một cách đồng bộ, tổng thể mang tính bao trùm để tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội cho Thủ đô phát triển.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ những nét riêng có của văn hóa Thủ đô
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) phát biểu.

Với tinh thần đó, đại biểu cho rằng, xây dựng phát triển quản lý bảo vệ Thủ đô phải quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch phát triển Thủ đô phải hướng đến các tiêu chí Thủ đô văn hiến, văn minh hiện đại và yêu cầu cao hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của cả nước. Các công trình kiến trúc xây dựng Thủ đô phải mang ý nghĩa về giá trị văn hóa, lịch sử; phải tạo những không gian để quy tụ những đặc trưng của các vùng miền hiện diện tại Thủ đô; việc quản lý phát triển toàn diện toàn bộ không gian lãnh thổ Thủ đô theo tiêu chuẩn quản lý của đô thị đặc biệt, gồm có đô thị trung tâm và các vùng nông thôn các vùng đô thị bên ngoài theo mô hình là thành phố thuộc Thủ đô.

Với mô hình thành phố thuộc Thủ đô, toàn bộ những không gian này, kể cả như vùng nông nghiệp phát triển nông nghiệp đô thị nông nghiệp trải nghiệm cũng cần phải được cho phép xây dựng các công trình dịch vụ du lịch; không gian phát triển công nghiệp làng nghề cần phải được xây dựng các công trình thương mại dịch vụ. Để đáp ứng các yêu cầu nêu trên, Luật nên phân cấp, trao quyền cụ thể cho cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố. Việc trao thẩm quyền rõ ràng sẽ không sợ bị lạm quyền hay làm phá vỡ quy hoạch; đồng thời luật cũng không nên quy định quá chi tiết sẽ vướng trong quá trình thực hiện.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ những nét riêng có của văn hóa Thủ đô
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ phát biểu.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ nhất trí việc cần thiết ban hành luật này nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Đại biểu cho rằng, quy định tại Dự thảo Luật lần này phải giải quyết được 3 nhóm vấn đề lớn về xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội; về xây dựng và phát triển một địa phương đặc thù, đô thị đặc biệt; xây dựng và phát triển Thủ đô là hạt nhân liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tuy nhiên, theo đại biểu, Dự thảo Luật mới tập trung cho nhóm vấn đề về xây dựng và phát triển một địa phương đặc thù, đô thị đặc biệt; một số vấn đề khác chưa tập trung đúng mức và chưa rõ nét về biện pháp thực hiện, do đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo hài hòa các mục tiêu được đề ra.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, việc quy hoạch và lộ trình quy hoạch Thủ đô phải được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ, theo đó, cần quy hoạch Thủ đô với tầm nhìn chiến lược và lộ trình thực hiện phải do trung ương chỉ đạo việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện.

N.Hoa