Những năm qua, giáo dục Thủ đô đã có những thành tựu đáng ghi nhận cả về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. |
Việc quy định cơ sở giáo dục có nhiều cấp học là nội dung đặc thù khác với quy định của Luật Giáo dục (theo quy định hiện hành thì chỉ có mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học (từ cấp tiểu học đến cấp THPT). Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định riêng về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học nên việc quản lý tài chính đối với các cơ sở giáo dục này trên địa bàn Thủ đô tương đối khó khăn. Do đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định về vấn đề này.
Cơ sở giáo dục chất lượng cao là nội dung đã được quy định tại Luật Thủ đô 2012, trên địa bàn Thủ đô đã có quy định cụ thể về trường chất lượng cao áp dụng ổn định từ năm 2013 đến nay. Quy định này cũng nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy định cơ sở giáo dục có nhiều cấp học nhằm tiếp cận với xu thế trên quốc tế hiện nay là khép kín mô hình cơ sở giáo dục có nhiều cấp học (từ cấp mầm non đến cấp THPT). Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định về chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học còn cho phép thành phố Hà Nội được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đặc thù của Thủ đô sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu nâng cao hiểu biết và lưu truyền những kiến thức, giá trị, nét đẹp văn hóa Thăng Long – Hà Nội, văn hóa xứ Đoài đặc trưng riêng có của Thủ đô; góp phần đưa chương trình giáo dục của Thủ đô tiệm cận gần hơn với nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới; giữ vị trí đứng đầu cả nước về khoa học, giáo dục, về tỷ lệ đạt giải trong các kì thi quốc gia, quốc tế; tăng tính chủ động, tư duy sáng tạo của học sinh; đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.
Tại Điều 24 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định về “Mức hỗ trợ và lộ trình thực hiện việc hỗ trợ học phí không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục”.
Hiện, theo pháp luật hiện hành (Khoản 3 Điều 99 Luật Giáo dục quy định học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định). Do đó, cơ chế đặc thù quy định tại Khoản 4 Điều 24 dự thảo Luật Thủ đô góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, trẻ em được tiếp cận với giáo dục chất lượng cao, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư mở rộng hệ thống các trường tư thục, từng bước giảm tải cho hệ thống trường công.
Bàn về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tháo gỡ vướng mắc này bằng quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm ban hành quy định cụ thể. Mặc dù đã có nhiều cơ chế “mở”, song, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ hơn việc Hà Nội được phép xây dựng hệ thống trường học quy chuẩn theo thông lệ quốc tế và có cơ chế đầu tư phù hợp; đồng thời, cũng cần được phép tạo sự liên thông, liên kết với hệ thống giáo dục khu vực và quốc tế và được phép điều chỉnh chương trình phù hợp theo thông lệ quốc tế ở mức độ cơ bản…
Đánh giá cao dự thảo Luật Thủ đô lần này có rất nhiều điểm mới so với Luật Thủ đô năm 2012, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Tây Ninh cho rằng, các quy định liên kết giáo dục công lập nước ngoài hay mô hình các cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học tại Điều 24 rõ ràng vượt trội vì cả nước không được áp dụng cơ chế này. Mặc dù đây là quy định có thể áp dụng được phát huy hiệu quả ở hầu hết các địa phương và vẫn hoàn toàn áp dụng được ở các địa phương khác có điều kiện, chứ không phải là quy định mang tính khai phóng những nguồn lực mang tính riêng có của Hà Nội. Vậy, cần phải nghiên cứu thêm các quy định mang tính đột phá gắn với đặc thù của Hà Nội.
Trong lĩnh vực giáo dục, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, dự thảo Luật chỉ quy định chung “đầu tư, xây dựng hệ thống trường công lập… phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô” mà không lượng hóa các yêu cầu về chỉ tiêu, tỷ lệ đáp ứng học sinh học tập trong hệ thống trường công lập là bao nhiêu phần trăm để góp phần giải quyết nhiều vấn đề bất cập, bức xúc tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn.
Cùng với đó, dự thảo Luật đưa ra một số khái niệm chưa được sử dụng trong Luật Giáo dục như “cơ sở giáo dục chất lượng cao” nhưng chưa làm rõ tiêu chí để được công nhận “chất lượng cao” làm cơ sở cho việc xác định dự án được ưu đãi đầu tư theo quy định tại dự thảo Luật, hoặc quy định về “cơ sở giáo dục nước ngoài” nhưng chưa làm rõ hình thức liên kết, các loại hình cơ sở giáo dục nước ngoài được liên kết và việc công nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại đối với cơ sở giáo dục nước ngoài thực hiện liên kết.
Để tạo động lực xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế… theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển giáo dục dục và đào tạo Thủ đô, trong đó đề xuất: 1. Đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô; ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi. 2. Ưu đãi đối với các dự án đầu tư thành lập mới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao, cơ sở giáo dục tiên tiến, hiện đại có nhiều cấp học; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tại các vùng khó khăn về kinh tế – xã hội trên địa bàn Thủ đô; cơ sở đào tạo người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể: – Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; – Được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập của doanh nghiệp được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư. 3. Xây dựng và phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao; cơ sở giáo dục có nhiều cấp học trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, dịch vụ giáo dục và cơ chế quản lý phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô. 4. Cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài để thực hiện chương trình giáo dục tích hợp. 5. Hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn Thủ đô không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục. 6. Phân quyền cho Thành phố quy định: – Mức hỗ trợ và lộ trình thực hiện việc hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn Thủ đô không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục; – Cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học; – Các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; – Việc điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế. |