Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội

Theo phương án đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương, 54 điều, giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội.

Nội dung không tiếp thu sẽ được giải trình đầy đủ, thuyết phục, có cơ sở

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định vừa làm việc với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và thành phố Hà Nội về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ngay sau kỳ họp, thực hiện nhiệm vụ theo phân công, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp – cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan hữu quan đã có nhiều buổi làm việc để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, theo phương án đề xuất của UBND thành phố Hà Nội, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương, 54 điều, giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nhấn mạnh nguyên tắc nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan thẩm tra. Những nội dung không tiếp thu sẽ được giải trình đầy đủ, thuyết phục, có cơ sở; bảo đảm mọi ý kiến của các đại biểu đều được nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và thành phố Hà Nội. Ảnh: Quốc hội

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, các cơ quan sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu đối với một số nội dung: tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường khi không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND); đổi mới phương thức hoạt động, cách thức làm việc của HĐND Thành phố; doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, khởi nguồn của các trường đại học; phát triển nhà ở; phát triển nông nghiệp…

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để bổ sung làm rõ hơn về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; mô hình khu phát triển thương mại văn hóa; quản lý, khai thác không gian ngầm phù hợp với Luật Đất đai; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); liên kết, phát triển vùng Thủ đô.

Tạo sự đồng thuận trong xã hội

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của Quốc hội nhiệm kỳ này.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Luật Thủ đô là đạo luật có tính chất đặc biệt, đặc thù, đa ngành, đa lĩnh vực, phân cấp, phân quyền, trao quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, quy định cơ chế chính sách đặc thù để giải phóng và phát huy nguồn lực, huy động nguồn lực để xây dựng và phát triển Thủ đô; vừa tạo thuận lợi hơn về cơ chế, chính sách cho Thủ đô vừa giao trách nhiệm nặng nề hơn, đặt ra yêu cầu cao hơn về phát triển.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Quốc hội

Do đó, nguyên tắc của việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phải bảo đảm nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan thẩm tra. Đối với những nội dung không tiếp thu thì giải trình đầy đủ, thuyết phục, có cơ sở, bảo đảm mọi ý kiến của đại biểu Quốc hội đều được nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ.

Việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật phải bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất không chỉ trong nội tại của dự thảo Luật mà trong cả hệ thống pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan phải rà soát thật kỹ toàn bộ dự thảo Luật, đặc biệt là những điều khoản có liên quan trực tiếp với nhau để có cách thể hiện thống nhất.

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, nếu phát hiện những nội dung, vấn đề mới, chưa được đại biểu Quốc hội hoặc cơ quan thẩm tra nêu trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến nhưng thấy rằng cần được bổ sung vào dự thảo Luật để bảo đảm tốt hơn về chất lượng, khả thi hơn thì các cơ quan mạnh dạn đề xuất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trong trường hợp này, cơ quan đề xuất bổ sung nội dung cần có đánh giá tác động bổ sung, làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, rõ số liệu, phân tích chính sách kỹ và đề xuất cụ thể nội dung đưa vào dự thảo Luật.

Trường hợp nội dung tiếp thu, chỉnh lý khác với nội dung Chính phủ đã trình Quốc hội thì đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động báo cáo, xin ý kiến của Chính phủ để bảo đảm tính đồng thuận, thống nhất khi trình Quốc hội xem xét, thông qua…

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, cầu thị của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và thành phố Hà Nội trong việc tổ chức nghiên cứu, đề xuất nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiến hành rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành về phương án tiếp thu, chỉnh lý đối với từng nhóm chính sách; phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo, tọa đàm về những nội dung, chính sách mới, đặc thù, đột phá trong dự thảo Luật để tạo sự đồng thuận trong xã hội…

 

Phương Thảo