Đưa huyện Thường Tín trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội

Thường Tín là huyện ngoại thành phía Nam Thủ đô Hà Nội, vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Địa phương này đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong thực hiện các nhiệm vụ, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, làm cơ sở, nền tảng phấn đấu đưa huyện trở thành một quận của Thủ đô trong giai đoạn 2025 – 2030.

Diện mạo nông thôn mới khang trang, sạch đẹp

Mặc dù xuất phát điểm có nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của nhân dân, huyện Thường Tín đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 28/28 xã được thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Thường Tín được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Đưa huyện Thường Tín trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội
Diện mạo huyện Thường Tín ngày càng khang trang, hiện đại

Ông Tạ Hữu Thọ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện Thường Tín chia sẻ, khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Thường Tín luôn xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, trên cơ sở đó đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại.

Bên cạnh đó, 100% thôn, cụm dân cư, tổ dân phố được đầu tư xây dựng nhà văn hóa; 26 xã có sân thể thao; 3 xã xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao xã; 100% các cơ sở đều có khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân. Các nhà trường được đầu tư xây dựng phòng học và các phòng chức năng, 79/88 trường của huyện Thường Tín đạt chuẩn Quốc gia. Trạm y tế xã, thị trấn được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở.

Theo ông Thọ, trong những năm qua, nhiều công trình quan trọng trên địa bàn huyện Thường Tín đã được đầu tư xây dựng; các trục đường chính của huyện, đường liên xã, liên thôn được bê tông hóa, trải nhựa asphalt, khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã giúp diện mạo của địa phương thêm khang trang, sạch đẹp, hiện đại.

Đưa huyện Thường Tín trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội
Văn Từ Thượng Phúc nơi thờ tự các nhà khoa bảng của huyện Thường Tín

Huyện Thường Tín còn biết đến là “vùng đất trăm nghề”, với 82 làng có nghề, trong đó 49 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Các làng nghề làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, cung cấp cho thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế, như: Sơn mài Hạ Thái, Thêu ren Quất Động, Mây tre đan Ninh Sở, Nghề điêu khắc Nhân Hiền, Nghề làm lược sừng Thụy Ứng, Bánh dầy Quán Gánh…

Đáng chú ý, nhiều làng nghề ở huyện Thường Tín có hướng đi mới, gắn với phát triển du lịch và bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình tại xã Hồng Vân, ông Nguyễn Hải Đăng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, địa phương hiện đang đẩy mạnh phát triển du lịch dựa trên các mô hình “du lịch – sinh thái – làng nghề”.

“Xã có truyền thống nghề sản xuất hoa màu và cây cảnh, tuy nhiên, trước năm 2000, các mô hình còn nhỏ lẻ, làm thủ công, chưa được ứng dụng công nghệ nên năng suất, chất lượng chưa cao. Các sản phẩm sản xuất chưa có đầu ra vì chưa tạo được chuỗi liên kết trong vùng du lịch từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Sau khi được công nhận xã Nông thôn mới nâng cao năm 2019, để tạo đột phá mới, xã Hồng Vân đã tập trung phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái và đã được thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh” ông Nguyễn Hải Đăng cho biết.

Ông Đỗ Duy Lợi (thôn Cơ Giáo, xã Hồng Vân) cho biết, khi gia đình quyết định chuyển đổi trồng lúa sang trồng hoa hồng, phát triển du lịch cũng có nhiều băn khoăn, nhất là vốn và đầu ra sản phẩm. Nhưng được sự động viên của chính quyền, gia đình ông đã trồng khoảng 5 sào hoa hồng (360 m2/sào), bình thường chỉ cần một người làm. Vào vụ thì thuê thêm khoảng 2-3 lao động. Cây giống sau 1 năm trồng bán được từ 40.000-50.000 đồng/cây, với diện tích 1m2 trồng được khoảng 4 cây, tương đương thu nhập khoảng 360 triệu đồng/năm.

Đưa huyện Thường Tín trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội
Xã Hồng Vân định hướng phát triển du lịch dựa trên nền tảng các mô hình “du lịch – sinh thái – làng nghề”

Từ khi áp dụng mô hình du lịch sinh thái, xã Hồng Vân đã có nhiều thay đổi tích cực trên các mặt kinh tế và đời sống xã hội. Diện mạo nông thôn ngày càng tươi đẹp, môi trường sống cũng văn minh, sạch sẽ hơn, thu nhập và mức sống của người dân không ngừng được nâng cao. Theo ông Nguyễn Hải Đăng, hàng năm, lượng du khách về với xã Hồng Vân bình quân từ 1,5 đến 2 vạn lượt người đã giúp duy trì và tạo việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động có việc làm thường xuyên với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Với những lợi ích mang lại từ mô hình Nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Thường Tín đang phấn đấu đến năm 2025, đưa xã Hồng Vân trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách trong và ngoài thành phố Hà Nội; Đưa kinh tế thương mại- du lịch – dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sang tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ.

Phát huy thế mạnh “vùng đất trăm nghề”

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín nhiệm kỳ 2020-2025, đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, phấn đấu cơ bản các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, gắn với bảo vệ môi trường; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Đến năm 2030, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế bền vững; phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí quận của Thủ đô Hà Nội.

Đưa huyện Thường Tín trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội
Cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Tín giới thiệu các điểm du lịch văn hóa, lịch sử

Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín Tạ Hữu Thọ chia sẻ, huyện đang nỗ lực đầu tư hạ tầng, phát triển văn hóa – xã hội quyết tâm đưa 8 xã về đích nông thôn mới nâng cao và 2 xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022. Trong đó, luôn xác định rõ thế mạnh của Thường Tín là kinh tế làng nghề, do đó cấp ủy, chính quyền huyện đã nỗ lực rất lớn để đôn đốc tiến độ và khởi công dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp: Thắng Lợi, Tiền Phong giai đoạn 2, Ninh Sở giai đoạn 2.

“Huyện đang triển khai các bước xin chủ trương Thành phố đầu tư công trình cầu vượt Dương Trực Nguyên, bắc qua Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam, nối liền tỉnh lộ 427 theo hướng tuyến mới. Công trình Chỉnh trang cửa ngõ phía Tây tỉnh lộ 427 huyện Thường Tín đang được tập trung đâu tư xây dựng, tạo nên diện mạo mới cho các xã phía Tây… Các dự án, công trình đang góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thực hiện mục tiêu sớm đạt tiêu chí quận của Thủ đô Hà Nội”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thường Tín cho biết.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, quán triệt sâu sắc quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội”, huyện Thường Tín đã hoàn thiện các bước trong dự án xây dựng khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Tiếp tục hoàn thiện các hạng mục tại Văn từ Thượng Phúc. Đây là cơ sở để Thường Tín bảo tồn, phát huy truyền thống; Đồng thời từng bước phát triển du lịch, xây dựng các tour, tuyến kết nối trong toàn huyện.

Đưa huyện Thường Tín trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội
Hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, là cơ sở, nền tảng để huyện Thường Tín trở thành một quận của Thủ đô trong tương lai

Song bên cạnh những kết quả đạt được huyện Thường Tín cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị, do giá cả thị trường tăng cao, áp lực từ quá trình đô thị hóa ngày càng tăng, thực tiễn đòi hỏi sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị, trong khi nguồn lực có nhiều hạn chế.

“Vì thế, thời gian tới, huyện Thường Tín sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, huy động tối đa nguồn lực ưu tiên cho phát triển kinh tế, hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, trường chuẩn quốc gia, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh; Tiếp tục dành sự quan tâm đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, nhất là dự án khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới; Triển khai có hiệu quả công tác an sinh xã hội, quốc phòng – an ninh…”, ông Tạ Hữu Thọ cho biết.

Hoàng Phúc