Tham dự có Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở Văn hoá và Thể thao; cán bộ các thư viện quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố; các Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật, Kim đồng, Tân Việt, Nhã Nam, Quảng Văn; các trường học, các em học sinh, sinh viên và đông đảo bạn đọc Thủ đô.
Thực hiện Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam; Kế hoạch số 339/KH-BTT ngày 01 tháng 2 năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam trên toàn quốc; Công văn số 736/BVHTTDL-TV ngày 03 tháng 02 năm 2023 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ II năm 2023; Kế hoạch số 197/KH-SVHTT ngày 16 tháng 3 năm 2023 của Sở Văn hoá và Thể thao về việc tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ II năm 2023; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội triển khai tổ chức Tuần Lễ sách và Văn hóa đọc diễn ra từ ngày 17/04/2023 đến 22/04/2023.
Tuần Lễ sách và Văn hóa đọc gồm các hoạt động: Trưng bày, triển lãm sách (từ 500 tên sách) về thành tựu đổi mới, thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống xã hội; quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; giới thiệu những tác phẩm nổi bật trong thời kỳ mới. Xếp sách nghệ thuật: Mô hình số 21-4; Con tàu tri thức; Quyển sách mở; Khuê Văn Các. Giao lưu tác giả – tác phẩm với chủ đề “Sách và Văn hoá đọc”…
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhắc tới câu nói lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Siêng xem sách và xem được nhiều sách là một việc đáng quý”. Nếu như trong học tập Chủ tịch Hồ Chủ tịch luôn nhấn mạnh đến chữ “hành” thì trong đọc sách Người luôn quan tâm đến vấn đề áp dụng. Và phải biết áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn.
Cùng đó, bà Trần Thị Vân Anh khẳng định thêm một lần nữa về sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với sách và việc đọc sách, phong trào đọc sách của mọi tầng lớp nhân dân. Điều đó được thể hiện cụ thể thông qua những quyết định quan trọng nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cũng là dịp để tôn vinh giá trị của sách; đồng thời cũng là dịp để tôn vinh những người sáng tạo sách, công tác phát hành sách, người làm công tác thư viện và bạn đọc yêu thích sách và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Thông qua các nội dung hoạt động góp phần tạo nên chuỗi sự kiện văn hóa có ý nghĩa, tạo một sân chơi lành mạnh nhằm thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia, qua đó tuyên truyền, giáo dục về việc đọc sách cũng như trân trọng, giữ gìn và bảo vệ sách, khơi dậy niềm ham mê đọc sách của mỗi người trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.
Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”; UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 268/KH-UBND ngày 29/11/2021 về “Phát triển mô hình đọc sách trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025” trong đó có các chỉ tiêu cụ thể về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Tại Thủ đô Hà Nội, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022 đã được tổ chức thành công tại 30 quận, huyện, thị xã với nhiều các chuỗi hoạt động hưởng ứng như tuyên truyền cổ động trực quan, nói chuyện chuyên đề, giao lưu tác giả và bạn đọc, thi viết cảm nhận về cuốn sách em yêu thích, xếp sách nghệ thuật theo chủ đề… đã thu hút trên 120.000 lượt bạn đọc tham gia.
Chia sẻ với báo chí, Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội Vương Thị Lý cho biết, thời gian qua Thư viện Hà Nội xây dựng chính sách bổ sung tài liệu phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, phù hợp với nhu cầu của bạn đọc Thủ đô nói riêng và xu hướng chung của xã hội. Bên cạnh đó, Thư viện Hà Nội còn tổ chức những kho sách “luân chuyển”, xe “thư viện lưu động” về các thư viện quận, huyện, đặc biệt là các quận, huyện xã trung tâm như: Ba Vì, Sóc Sơn…; các tủ sách cơ sở; phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục Thủ đô trong việc truyền bá tài liệu của Thư viện Hà Nội đến với các đối tượng bạn đọc. Với những hoạt động thiết thực đó, Thư viện Hà Nội đã có những đóng tích cực vào chủ trương phát triển văn hoá đọc của Thành phố.
“Thư viện Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc phát triển văn hoá đọc, nhất là đến các đối tượng là học sinh và thanh thiếu nhi. Vì đây là đối tượng có tính chất nền tảng trong phát triển văn hoá đọc. Phấn đấu xây dựng Thư viện Hà Nội không chỉ là địa chỉ tin cậy thu hút bạn đọc và còn là một địa chỉ văn hoá có giá trị của Thủ đô Hà Nội để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước”, bà Vương Thị Lý nhấn mạnh.
Hoà chung không khí Lễ khai mạc “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ II năm 2023, em Nguyễn Văn Nghị, sinh viên K63 trường Đại học Văn hoá Hà Nội cho biết, em rất háo hức khi tham gia sự kiện này. Theo em, đây là một hoạt động rất bổ ích để sinh viên có cơ hội tiếp cận nhiều loại sách mà trong trường học không có. Đọc sách không chỉ giúp em học hỏi, tích luỹ thêm nhiều kiến thức mà còn giúp em rèn luyện sự kiên trì, tập trung. Em mong muốn Thành phố, Sở Văn hoá và các cấp, ngành sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa những hoạt động ý nghĩa như thế này”.
Với một độc giả nhỏ tuổi, em Phạm Gia Khánh học sinh lớp 7 trường THCS Trưng Vương thì suy nghĩ đơn giản hơn, việc đọc sách giúp các em thư giản đầu óc, giải trí sau mỗi giờ học căng thẳng, từ đó giúp các em có tinh thần học tập thoải mái, dễ tiếp thu bài tốt hơn.
Trong khuôn khổ chương trình, các độc giả được lắng nghe những chia sẻ bổ ích của ông Lê Doãn Hợp, Nguyên uỷ viên Bộ chính trị, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông về chuyên đề Văn hoá đọc trong thời đại 4.0.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức vào ngày 21/4 hàng năm nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách của mọi người, phát triển văn hóa đọc. Đây là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, đồng thời cũng là dịp để tôn vinh những người sáng tạo sách, công tác phát hành sách, người làm công tác thư viện và bạn đọc yêu thích sách và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam./.
Ly Ly
https://nguoihanoi.com.vn/dua-phong-trao-doc-sach-tro-thanh-thoi-quen-net-dep-van-hoa-trong-moi-tang-lop-nhan-dan-thu-do-70284.html