Đừng bỏ quên quản lý thiết bị thể dục công cộng!

Với mục tiêu nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời góp phần làm cho bộ mặt đô thị văn minh hơn, thành phố Hà Nội đã, đang đầu tư vào các thiết chế văn hóa, trong đó có việc đầu tư lắp đặt các thiết bị tập thể dục, thể thao ngoài trời tại các khu công cộng, công viên…

Bỏ trắng khâu hậu kiểm

Theo số liệu của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, từ đầu năm 2014 đến nay, Hà Nội đã thí điểm đầu tư lắp đặt các thiết bị tập luyện thể dục thể thao ngoài trời tại 7 quận nội thành, mỗi điểm có từ 20-24 thiết bị. Nhờ những hiệu quả thiết thực ban đầu, mô hình đã được nhân rộng triển khai.

Đến nay, trên địa bàn toàn thành phố đã có hơn 1.000 điểm với 10.508 thiết bị thể thao được lắp đặt. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng nhưng thực tế quản lý, vận hành các điểm tập luyện thể dục thể thao ngoài trời đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Đừng bỏ quên quản lý thiết bị thể dục công cộng!
Nhiều thiết bị tập luyện thể thao, dụng cụ vui chơi bị hỏng hóc chưa được sửa chữa gây lãng phí, làm mất mỹ quan đô thị.

Khảo sát thực tế của phóng viên, không ít thiết bị, dụng cụ hỗ trợ luyện tập thể thao ngoài trời hiện đã hư hỏng nhưng không được quan tâm sửa chữa. Ví dụ, tại khu vực sân chơi trước cổng Trường Tiểu học Trung Tự, quận Đống Đa, có khoảng chục thiết bị, dụng cụ hỗ trợ tập luyện thể thao thì gần một nửa bong tróc, xô lệch. Thậm chí, có những thiết bị không thể sử dụng được.

Chị Nguyễn Thị Ngân, người dân phường Trung Tự, cho biết: “Đã nhiều ngày nay, thiết bị chạy ở khu vực gần nhà tôi bị long mất ốc, không tập được. Mỗi lần có thiết bị hỏng hóc, phải mất rất nhiều thời gian để báo lên chính quyền sở tại và nhà cung cấp đến sửa chữa, bảo hành”…

Người dân rất phấn khởi và tự hào vì Hà Nội là một trong những địa phương đã và đang tiên phong trong việc phủ kín hệ thống trang thiết bị, dụng cụ tập thể dục, thể thao cho người dân tại hệ thống công viên, nơi sinh hoạt cộng đồng.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm của hiện tại, khi đã đầu tư phải đi liền với chính sách bảo dưỡng, hậu kiểm để các trang thiết bị không bị xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí tiền bạc ngân sách Nhà nước và ở góc độ nào đó còn gây ra sự phản cảm…

Tương tự, ghi nhận tại vườn hoa Paster, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, hàng loạt ghế ngồi của các thiết bị thể thao ngoài trời đã bị hư hỏng. Để tiện sử dụng, người dân đành chế, bọc băng dính màu vàng chằng chịt xung quanh, việc làm này không ảnh hưởng đến công năng của thiết bị nhưng bằng mắt thường cũng thấy phản cảm, mất mỹ quan đô thị.

Theo một số người dân, ở giai đoạn đầu, các thiết bị đều hoạt động rất trơn tru, thu hút đông đảo người dân trong khu vực đến rèn luyện, sử dụng. Sau này, trải qua một thời gian sử dụng, cộng với tác động của mưa nắng, nhiều thiết bị hư hỏng, việc tập luyện gặp nhiều trở ngại, khó khăn hơn.

Đáng nói là tình trạng này diễn ra trong thời gian dài mà không có đơn vị nào thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa. “Từ ngày có những điểm tập thể dục thể thao ngoài trời, chúng tôi rất vui mừng nhưng đáng buồn là qua một thời gian, các thiết bị trên đều xuất hiện hư hỏng, chờ mãi không được sửa chữa”, bà Trần Thị Hương, người dân phường Bạch Đằng nói với phóng viên.

Với bất cứ loại thiết bị, máy móc nào sau khi sử dụng một thời gian đều cần được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, đặc biệt là các thiết bị phải nằm phơi mưa nắng 24/24 giờ như ở trên. Đáng buồn là tình trạng này diễn ra ở hầu hết các điểm tập luyện thể thao ngoài trời được lắp đặt, tùy theo mức độ hư hỏng khác nhau, nhẹ nhất thì cũng là bong tróc phần sơn phủ gây mất mỹ quan đô thị.

Trên chỉ là những ví dụ điển hình về việc thiếu hậu kiểm dẫn đến các dụng cụ thể thao lắp đặt tại các công viên, khu công cộng bị xuống cấp.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Được biết, nhằm nhân rộng phong trào thể thao quần chúng phục vụ nhân dân, ngày 17/2/2022, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND với mục đích là nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân về tầm quan trọng của thể dục thể thao đối với sức khỏe con người; nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc và chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân; giữ vững Hà Nội là đơn vị đứng đầu cả nước về thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng.

Đừng bỏ quên quản lý thiết bị thể dục công cộng!

Để đáp ứng yêu cầu này, phố Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có khoảng 3.500 điểm lắp đặt thiết bị luyện tập thể dục thể thao ngoài trời. Thành phố cũng đầu tư lắp đặt điểm mỗi quận 1 điểm, mỗi huyện thị xã từ 2-3 điểm, mỗi điểm từ 20 thiết bị trở lên. Phấn đấu đến năm 2030, mỗi tổ dân phố, khu chung cư, khu công nghiệp trên toàn Thành phố có 1 điểm tập luyện thể thao ngoài trời.

UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương cần lựa chọn địa điểm lắp đặt thiết bị luyện tập thể dục, thể thao ở nơi tập trung đông người, có không gian thoáng mát, rộng rãi, có bóng cây xanh, thuận tiện đi lại như vườn hoa, công viên, đường đi ven hồ, nhà văn hóa, sân chơi chung cư, khu công nghiệp… Các thiết bị lắp đặt được yêu cầu phù hợp cho từng nhóm tuổi như: Thiết bị đi bộ trên không, đạp chân, đạp xe, lắc tay… cho nhóm trung niên, người cao tuổi. Một số khác được sử dụng với mục đích tăng cường thể lực, rèn cơ bắp, phát triển chiều cao, như xà đơn, xà kép, đẩy tay, kéo tay… được dành cho lứa thanh niên, trung niên.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng, hiện Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cũng tham mưu với UBND Thành phố ban hành văn bản về các giải pháp quản lý điểm tập luyện thể dục thể thao ngoài trời để phát huy hiệu quả, sử dụng thiết bị được lâu dài, bảo đảm mỹ quan đô thị. Trong đó, sẽ tạo hành lang pháp lý cho các địa phương chủ động vận dụng các nguồn kinh phí đầu tư xây dựng thiết chế thể dục thể thao. Sở cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc duy tu, bảo dưỡng các thiết chế thể thao ngoài trời; tích cực phối hợp với các địa phương nhân rộng mô hình lắp đặt thiết chế thể dục thể thao ngoài trời, góp phần thu hút người dân tham gia tập luyện nâng cao sức khỏe và làm phong phú đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần phải quy định rõ cơ quan nào (ngành Văn hóa – Thể thao, quận, huyện, hay xã, phường) phải chịu trách nhiệm về quản lý (hậu kiểm), bảo dưỡng đối với các thiết bị thể dục – thể thao khi đã được đầu tư để tránh gây ra sự lãng phí ngân sách của Nhà nước…

Trong khi chờ đợi sự vào cuộc từ phía các cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức sử dụng, giữ gìn để cộng đồng cùng hưởng lợi. Điều này sẽ giúp việc triển khai đạt hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất trên địa bàn toàn thành phố./.

Tuấn Dũng