Đây cũng là các quyết sách cần thiết, kịp thời của Quốc hội để phục hồi kinh tế sau đại dịch và hiện thực hóa rõ ràng hơn về những giải pháp và hành động để có thể đạt được những mục tiêu rất quyết tâm vào năm 2030 và năm 2045 của đất nước.
“Về sự cần thiết và cấp bách của hai dự án đã quá rõ. Đây là hai dự án nằm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, nhưng do khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008 và điều kiện nguồn lực mà ta chưa thể triển khai. Cử tri và nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng và mong đợi các dự án quan trọng quốc gia này được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thông qua và sớm được triển khai thực hiện”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, đường Vành đai 4 gần như là một cứu cánh, một lối thoát cho ùn tắc giao thông của thành phố Hà Nội. (ảnh: QH) |
Về kinh tế, theo đại biểu, có thể thấy Vành đai 4 của Vùng Thủ đô gần như là trục xương sống để kết nối 4 hành lang kinh tế lớn. Ở đây chúng ta thêm đoạn 9,7km đường nối giữa điểm cuối cao tốc Nội Bài – Hạ Long với điểm đầu là cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Đây là trục cực kỳ quan trọng liên quan đến hành lang kinh tế Côn Minh – Hải Phòng, liên quan đến Vĩnh Phúc – Hà Nội – Hải Phòng thông ra cảng biển Lạch Huyện, kết nối quốc tế. Khép kín để phát huy tốt nhất đồng bộ, tổng thể dự án Vành đai 4 nhưng cũng là giúp thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế.
Về quy hoạch và hình thái đô thị Vùng Thủ đô và vùng Thành phố Hồ Chí Minh đều chưa phát huy được hiệu quả với hạt nhân, 2 siêu đô thị đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, hụt hơi với những điểm nghẽn.
Hai siêu đô thị trên 10 triệu dân với hệ thống giao thông hướng tâm, với cấu trúc đô thị hút đầu tư, hút nguồn lực, hút dân di cư vào khu vực lõi. Dân số cơ học mỗi thành phố mỗi năm đều tăng khoảng 200.000 người, từ đây thì quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Các đô thị vệ tinh được quy hoạch đều chưa thể hình thành, bởi thiếu giao thông kết nối.
Chính vì thế, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của Vùng Thủ đô với 10 tỉnh, thành. Đây không phải là bài toán riêng của Vùng Thủ đô hay vùng Thành phố Hồ Chí Minh gặp phải, mà của rất nhiều siêu đô thị trên thế giới. Họ đều phải hình thành nên Vùng Thủ đô phát triển ra đô thị vệ tinh, đưa sản xuất, tạo việc làm, hút dân cư ra ngoài.
Đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng, cơ hội lớn là Thủ đô vừa có Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và đang điều chỉnh quy hoạch chung với 2 thành phố trực thuộc và các đô thị vệ tinh, với nguồn lực lớn hơn 6.500 hecta ở phía Tây của Vành đai 4, kỳ vọng sắp tới ta sẽ dễ dàng hình dung Vùng Thủ đô, thành phố phát triển như thế nào với trục xương sống là cao tốc Vành đai 4.
“Hai dự án này như những tiền đề quan trọng giúp 2 thành phố có thể tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị trong việc cạnh tranh và thu hút tài nguyên và không gian tắc nghẽn để trở thành những đô thị hiện đại, có chức năng dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển cả nước”, đại biểu phân tích.
Liên quan đến phát triển không gian mới, xung quanh các vành đai cao tốc cần tính toán quy hoạch không chỉ đô thị mà còn công nghiệp và đặc biệt là logistics, các cảng cạn ICD để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.
Về giao thông, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhìn nhận, Vành đai 4 ra đời không chỉ là vành đai liên tỉnh mà còn là vành đai đô thị, đặc biệt là trục xương sống để tách giao thông liên tỉnh khỏi giao thông nội đô, giảm áp lực cho giao thông nội đô. Toàn bộ những chuyến quá cảnh, những chuyến trung chuyển sẽ qua Vành đai 4 để kết hợp với 6 cao tốc, 8 đường quốc lộ và 9 đường trục chính của Vùng Thủ đô. Theo đại biểu, Vành đai 4 rất quan trọng, gần như là một cứu cánh, một lối thoát cho ùn tắc giao thông của thành phố Hà Nội.
Dự án đường Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ gó phần quan trọng giải tỏa ùn tắc giao thông cho Thủ đô (ảnh minh họa) |
Đáng quan tâm, theo đại biểu, những bài học liên quan đến cầu Thanh Trì, Vành đai 3 đã được rút kinh nghiệm, tính toán và áp dụng trong thiết kế, trong báo cáo tiền khả thi Vành đai 4 Vùng Thủ đô.
Một là, về tính toán lưu lượng giao thông và thiết kế năng lực thông qua Vành đai 3 hiện nay đã đạt lưu lượng 5.000 đến 6.000 xe/giờ, tức là gấp khoảng 2,5 lần công suất thiết kế. Cầu Thanh Trì là 120.000 lượt xe/ngày, gấp 8 lần công suất thiết kế. Ùn tắc giao thông hết sức trầm trọng, phải cho cả xe thô sơ chạy lên cầu, tốc độ lưu thông không đảm bảo, gần như là đường trục chính đô thị.
Trước đây hai bên Vành đai 3 là các huyện và khu vực ngoại thành, còn bây giờ xung quanh toàn là đô thị và dân cư. Tới đây, dự án Vành đai 4 chọn đi trên cao là chủ yếu, 65% đi trên cao cho nên suất đầu tư dự án thành phần này cao hơn 1,2 lần so với dự án Vành đai 3 vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai là, chỉ giới đường đỏ trước đây khi thiết kế Vành đai 3 để chỉ giới có 68m, chính bó buộc này làm cho phía trên tắc, phía dưới tắc và liên thông với nhau thì cả 2 cùng tắc. Ngoài ra, dự án cầu Thanh Trì trước đây với các nút giao được nghiên cứu đầu tư không hoàn chỉnh, khi đưa vào hoạt động thì ùn tắc giao thông rất nhiều ở các đầu mối, sau này ta phải điều chỉnh, phải thiết kế lại nút, phải đầu tư thêm, đầu tư bổ sung. Ở dự án Vành đai 4 tất cả những nút giao liên thông với trắc dọc trên cao đều được đầu tư ở quy mô hoàn chỉnh.
Ba là, giải phóng mặt bằng một lần cả 30m dự trữ cho 2 nhánh đường sắt vành đai tuyến là phía Đông và phía Tây. Đại biểu cho rằng đây là một quyết định quan trọng từ kinh nghiệm của Hà Nội.
Toàn cảnh phiên họp. (ảnh: QH) |
“Quỹ đất dự trữ này là rất quan trọng và không thể thiếu cho đường sắt vành đai đã được quy hoạch để liên kết các chùm đô thị vệ tinh, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và cả những trung tâm logistics, cảng cạn ICD liên quan đến các hành lang kinh tế.
Đồng thời cũng tạo lối thoát để quy hoạch sử dụng ga Hà Nội vào mục đích đường sắt đô thị, không để tàu hàng liên tỉnh chạy vào nội đô. Giải phóng mặt bằng một lần thì đỡ tốn kém và phức tạp hơn rất nhiều so với chia giai đoạn”, đại biểu phân tích.
Bốn là, Vành đai 4 là dự án duy nhất trong 5 dự án được trình lần này có sử dụng vốn PPP, hình thức BOT với tổng mức đầu tư 29.400 tỷ đồng, hoàn vốn 21 năm với một số cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư mà Chính phủ trình. “Tôi cho rằng cơ chế là rất cần thiết để dự án Vành đai 4 kích hoạt lại hình thức PPP vì ta không thể phát triển hạ tầng của đất nước chỉ dựa vào đầu tư công”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, có 2 điểm Quốc hội cần cân nhắc thêm. Đó là về chỉ định thầu để đảm bảo tiến độ thì cho chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Riêng gói xây lắp vẫn đấu thầu.
Hai là, cơ chế về khai thác vật liệu xây dựng. Ở đây quan điểm của Chính phủ là đối với các gói được chỉ định thầu, vấn đề khai thác vật liệu xây dựng cho dự án thì cho áp dụng trong toàn thời gian dự án. Nhưng Ủy ban Kinh tế khuyến nghị là chỉ 2022, 2023 hoặc 2 năm kể từ ngày có nghị quyết.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong tổ chức thực hiện dự án, đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng theo phương án như Chính phủ trình, áp dụng trong toàn thời gian thực hiện dự án.
Phương Thảo
https://laodongthudo.vn/duong-vanh-dai-4-mang-tam-chien-luoc-tai-cau-truc-do-thi-ha-noi-va-dinh-hinh-su-phat-trien-cua-vung-thu-do-141405.html