Năm 1976, nhạc sĩ Trần Chung có chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam. Ông chứng kiến những đôi trai gái hân hoan đón mùa xuân đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, không khí đoàn tụ hạnh phúc của nhiều gia đình, đặc biệt là sự nhiệt huyết, hăng hái của các bạn trẻ thanh niên xung phong trên các vùng kinh tế mới… Nhạc sĩ xúc động, cảm nhận một sức sống mới của đất nước đang trỗi dậy, vươn lên mạnh mẽ giữa mùa xuân khiến ông bật ra những thanh âm và lời ca tươi vui, rộn rã: “Nghe em mùa xuân nói gì đó/ Xúc động lòng ta trước cuộc đời… Nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương đến với muôn người/ Đến với muôn đời/ Xuân ước vọng ngàn năm lại tới/ Nghe lòng vui phơi phới/ Kìa em, nắng đã lên rồi/ Mừng xuân hát lên thôi”.
Bài hát khơi dậy tình yêu quê hương, yêu cuộc đời, thúc giục mọi người hăng hái cống hiến để dựng xây cuộc sống, cho những mùa xuân tươi đẹp hơn: “Qua bao nhiêu đau thương/ Thấy mùa vui theo chim én lướt bay về/ Ríu rít ngang trời/ Chim hót chào bàn tay dựng xây/ Trên tầng cao có thấy/ Mùa xuân náo nức công trường/ Đồng lúa mới dâng hương”.
Nhạc sĩ Trần Chung (1927 – 2002), quê ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Thuở nhỏ, ông tự học âm nhạc và với sự hướng dẫn của nhạc sĩ Hoàng Quý. Năm 1945 ông tham gia quân đội, từng bị địch bắt giam ở Hải Phòng. Năm 1956 ông là ca sĩ Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) ông chuyển sang làm công tác biên tập âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ông nổi tiếng với các ca khúc như “Hát lên em cô gái xã viên”, “Khi chúng tôi vào lò”, “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (thơ Nguyễn Trung Thu), “Bài ca Trường Sơn” (thơ Gia Dũng), “Chiều biên giới” (thơ Lò Ngân Sủn), “Hát mừng non nước hôm nay”, “Tiếng gọi sông Đà”, “Về thăm mẹ”, “Mùa xuân trên thành phố dệt”…
Với những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc cách mạng, nhạc sĩ Trần Chung đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2001 với cụm tác phẩm: “Bài ca Trường Sơn”, “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, “Mùa xuân đến rồi đó”, “Chiều biên giới”, “Tiếng gọi sông Đà”.
Hà Phong