Tôi biết và nghe kể về anh Nguyễn Thế Lâm, hiện đang là Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong tại huyện Mê Linh qua lời một đồng nghiệp. Qua câu chuyện, tôi mường tượng rằng anh tương đối “già”, vì những người trẻ sẽ ít có kinh nghiệm “trông trời, trông đất, trông mây” để dấn thân vào nông nghiệp.
Anh Nguyễn Thế Lâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. |
Thế nhưng, gặp và tiếp xúc với Nguyễn Thế Lâm tôi mới biết những suy nghĩ của mình dường như đã sai. Nguyễn Thế Lâm trẻ và đầy nhiệt huyết. Anh khiến tôi bất ngờ, không chỉ bởi anh thuộc thế hệ 8X mà còn bởi quyết tâm mang sức trẻ cống hiến và xây dựng quê hương.
Anh kể với tôi, nông nghiệp là lĩnh vực bản thân anh ưa thích từ nhỏ. Đôi lần, khi trông ra cánh đồng làng màu mỡ, nhưng lại bỏ hoang hóa, anh xót của và thấy đó là sự lãng phí. Nhưng khi ấy, anh cũng chưa nghĩ bản thân mình sẽ gắn với nông nghiệp.
Cuộc sống có nhiều ngã rẽ và sự đưa đẩy hữu duyên của số phận. Điều này dường như cũng “vận” vào anh. Nguyễn Thế Lâm học ngành cơ điện nhưng ra trường lại làm hướng dẫn viên du lịch. Và trong những lần đi tour, dẫn khách du lịch đi trải nghiệm, bản thân anh cũng thấy được nhiều mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp hay và thành công.
Nghĩ đến lượng lớn diện tích đất ở quê hương đang bị bỏ hoang hóa, rất lãng phí nên anh quyết tâm bỏ tất cả để về quê. Khi ấy, suy nghĩ trong Nguyễn Thế Lâm cứ lặp đi, lặp lại rằng, sẽ về quê, thuê lại nơi đất trũng để đầu tư vào nông nghiệp. Cứ thế, anh “rẽ ngang” và quyết tâm dấn thân vào lĩnh vực nhiều thách thức.
“Khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch khó khăn hơn các lĩnh vực khác. Quan trọng nhất là bản thân mình phải có định hướng cụ thể sẽ làm gì, đi theo phân khúc thị trường nào và hơn hết là phải có sự kiên trì. Kiên trì là yếu tố quyết định cao nhất trong khởi nghiệp từ sản xuất nông nghiệp” – anh Nguyễn Thế Lâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong. |
“Trước 2015 tôi có làm bên du lịch. Trong quá trình đi làm, bản thân tôi cũng được trải nhiệm một số mô hình. Về quê, tôi thấy diện tích đất ở quê hương bỏ hoang hóa nhiều, rất lãng phí nên quyết về thuê thầu lại và đầu tư vào nông nghiệp. Thời điểm đó, trong gia đình cũng nói và khuyên nhiều nhưng bản thân tôi vẫn quyết tâm bởi nông nghiệp là lĩnh vực tôi ưa thích từ nhỏ. Hơn nữa, suy nghĩ quay về để xây dựng và phát triển quê hương cứ mãi thôi thúc tôi”, anh Nguyễn Thế Lâm chia sẻ.
Ban đầu, khi bắt tay vào khởi nghiệp, Nguyễn Thế Lâm phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Anh kể, thời điểm đó vợ anh mới sinh con, bản thân lại nghỉ việc để tập trung cho những ý tưởng của mình, nên kinh tế gia đình khá eo hẹp. Thứ nữa, do vùng sản xuất hiện tại là khu vực chiêm trũng, canh tác hoa màu hạn chế… nên phải sau 2 năm đầu tư, cải tạo lại thì sự ngập úng, chất đất để trồng cây cối mới dần trở nên phù hợp.
Càng khó khăn thì càng nỗ lực, có sức người sỏi đá cũng thành cơm, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, chàng trai trẻ Nguyễn Thế Lâm đã dần mở rộng diện tích sản xuất. Nếu như khởi điểm diện tích nuôi trồng của anh chỉ có 1ha, thì nay diện tích phát triển đã lên 15ha. Sản phẩm hữu cơ chủ lực là ổi, táo, đu đủ, bưởi và kết hợp chăn nuôi. Sự “quay vòng” này giúp đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt đoạn.
Nguyễn Thế Lâm nói với tôi rằng, anh may mắn. May mắn bởi bản thân được đi, gặp và tiếp xúc với nhiều mô hình kinh tế nổi bật. Nhờ vậy anh có sự định hướng và tầm nhìn khác với những mô hình phát triển kinh tế địa phương. Cũng nhờ vậy mà anh có những định hướng ngay từ đầu là sẽ sản xuất ra những sản phẩm trực tiếp, hướng tới sự an toàn cho người tiêu dùng. Sự định hướng này đã định ra nền tảng để anh vượt qua mọi khó khăn để bước đến thành công.
Nói là vậy, nhưng nhìn những việc làm của Nguyễn Thế Lâm, tôi thấy rằng, đó không đơn thuần là may mắn. Vì sao ư? Bởi khi bản thân không cố gắng, tự tìm tòi những hướng đi, cách làm mới để vượt qua khó khăn thì người ta sẽ không thể nào đi đến thành công. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” câu này hẳn đúng với Nguyễn Thế Lâm.
Sự kiên trì sẽ làm nên thành công
Khi sản xuất đi vào ổn định, năm 2017, anh Nguyễn Thế Lâm kêu gọi người dân xung quanh thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, đồng thời gắn kết chuỗi cung ứng sản xuất.
Ngay từ khi thành lập, anh Lâm đã định hướng cho các xã viên canh tác bằng phương pháp hữu cơ thay vì sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, chất tồn dư trong sản phẩm là hoàn toàn không có, đầu ra luôn được đảm bảo.
Với những cách làm sáng tạo, đổi mới, phù hợp với xu hướng của thị trường, mỗi năm, Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong mang lại doanh thu từ 600 tới 700 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương. Với mô hình này, từ 7 xã viên tham gia vào sản xuất ban đầu, tính đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong đã có 17 thành viên tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất. Diện tích trồng cây ăn quả của Hợp tác xã ngày càng được mở rộng.
Các sản phẩm từ Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong được canh tác bằng phương pháp hữu cơ thay vì sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, chất tồn dư trong sản phẩm là hoàn toàn không có, đầu ra luôn được đảm bảo. |
Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, anh Lâm cũng đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Việc tạo mã truy xuất nguồn gốc đã tạo thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng. Thông qua mã truy xuất nguồn gốc, khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và tin tưởng sử dụng.
Để hướng tới thị trường tiêu thụ rộng hơn, anh Lâm đã tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP). Trong năm 2020, Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong đã có nhiều sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao của huyện Mê Linh và được Phòng Kinh tế huyện Mê Linh đánh giá cao về chất lượng.
Cùng với việc tiêu thụ cây ăn quả tại các kênh thương mại truyền thống, Hợp tác xã cũng chú trọng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến (online), trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… đưa nông sản lên “Chợ thương mại điện tử” của Thành phố. Đến nay, các sản phẩm của Hợp tác xã đã có mặt tại nhiều hệ thống cửa hàng thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố.
Nhắc chuyện này, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong Nguyễn Thế Lâm kể với tôi, ban đầu sản phẩm Hợp tác xã làm ra nhiều nhưng chưa có đầu ra. Bản thân anh Lâm cũng mất một khoảng thời gian rất vất vả, từ khâu thu hái đến bảo quản sản phẩm. Mỗi sáng, anh phải dậy từ mờ sương để đi chợ đầu mối… nhờ cách tiếp cận thị trường linh hoạt, sản phẩm đã thu hút được khách hàng tìm đến tận nơi sản xuất để thu mua.
“Sau một thời gian, tôi đã tìm được cơ hội tại các chương trình như hội chợ, xúc tiến thương mại… Qua đó tiếp cận được với những khách hàng tiềm năng hơn, duy trì đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện việc tham gia chương trình xúc tiến thương mại, tiếp cận các siêu thị, điểm bán sản phẩm an toàn, vẫn được tôi duy trì. Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, tôi thấy rằng phải có sự nỗ lực từ sản xuất đến phát triển thị trường. Nếu làm ra sản phẩm thực sự tốt thì hoàn toàn có thể được người tiêu dùng chấp nhận” – anh Nguyễn Thế Lâm chia sẻ. /.