Ghé thăm làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội: Làng gốm Bát Tràng

Nhiều làng nghề đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn cho những du khách say mê tìm hiểu bản sắc văn hóa địa phương.

Nằm ở ngoại ô Hà Nội, các làng nghề truyền thống không chỉ góp phần làm giàu cuộc sống đất kinh kỳ xưa mà còn luôn là một nét văn hóa hấp dẫn. Mỗi làng nghề mang một đặc trưng, một vẻ đẹp riêng có để mỗi du khách tự cảm nhận và trải nghiệm.

Những phát hiện về khảo cổ học và những cứ liệu lịch sử đã chứng minh được các làng nghề Việt Nam ra đời từ hàng ngàn năm trước đây. Làng nghề là một đơn vị hành chính cổ xưa, mang hàm ý là những người cùng nghề sống hợp quần thể để vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc và các cá biệt của địa phương. Các làng nghề truyền thống hầu hết tập trung ở vùng châu thổ sông Hồng như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định… Một số ít rải rác ở các vùng cao và châu thổ miền Trung và miền Nam

Hà Nội vốn là vùng đất kinh kỳ, chốn giao thương náo nhiệt nên bao quanh thành phố tập trung rất đông đúc những làng nghề thủ công truyền thống. Chính những làng nghề nhỏ bé ấy đã góp phần tạo nên một tổng thể văn hóa đậm nét dân gian cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung và ngoại vi kinh thành cũ nói riêng. Ngày nay, nhiều làng nghề cũ vẫn còn tồn tại và trở thành điểm tham quan hấp dẫn cho những du khách say mê tìm hiểu bản sắc văn hóa địa phương.

Lò Bầu ở Bát Tràng được ra đời từ cuối thế kỷ XIX, là lò nung gốm sử dụng củi để đun đốt

Chắc chắn khi nhắc đến các làng nghề truyền thống ở Hà Nội thì làng gốm sứ Bát Tràng sẽ là điểm đến được nhắc đến đầu tiên. Bởi làng gốm này đã trải qua lịch sử hàng trăm năm tạo dựng nên những sản phẩm gốm sứ mang tính nghệ thuật cao.

Bát Tràng là một làng cổ nằm bên sông Hồng, từ xưa, người dân ở đây đã sinh sống và phát triển bằng nghề gốm sứ. Nhờ kỹ thuật tạo lớp men và kỹ thuật lò nung chuẩn xác cùng với việc thổi “linh hồn” vào tác phầm, các nghệ nhân ở đây đã khéo léo tạo nên một loại sản phẩm gốm đặc biệt hài hòa về bố cục, màu sắc thanh nhã thể hiện cho sự tinh tế của con người.

Xã Bát Tràng hiện có gần 1.000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt trên 50 triệu đồng/người/năm… Nhờ nắm bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng, làng nghề Bát Tràng đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm, trở thành một trong những làng nghề tiêu biểu của Thủ đô.

Nhà cổ Vạn Vân

Dành thời gian ghé qua làng cổ Bát Tràng, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc lâu đời và trải nghiệm một đời sống bình yên nơi làng quê. Với vẻ đẹp mộc mạc, bình dị và thấm đẫm màu thời gian, Bát Tràng chính là một trong những ngôi làng cổ hiếm hoi còn lưu dấu tại Hà Nội với những di tích thời xưa như: nhà cổ Vạn Vân, đình làng Bát Tràng.

Trong những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 10%, học sinh, sinh viên và thanh niên chiếm khoảng 40%. Đặc biệt, vào mùa cao điểm có ngày Bát Tràng đón gần 10.000 lượt khách đến tham quan… Qua đó cho thấy, Bát Tràng là điểm đến tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Hầu hết khách du lịch khi đến với làng gốm Bát Tràng đều mong muốn được một lần tự mình làm ra những sản phẩm gốm sứ độc đáo. Chỉ với một chút “học phí” nho nhỏ, du khách sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn các thao tác cơ bản để tạo nên một tác phẩm gốm của riêng mình. Từ cách điều khiển bàn xoay, nhào nặn đất sét cho đến khi sản phẩm được cho vào lò nung và giao lại cho bạn để mang về nhà, tất cả sẽ cho bạn một cơ hội trải nghiệm vô cùng đặc biệt.

Năm 2019, Bát Tràng được UBND TP. Hà Nội là điểm du lịch, góp phần đưa làng gốm trên 500 năm tuổi này trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề tiêu biểu ở Hà Nội mang tầm quốc tế.

Tố My (t/h)/MASK

ảnh: Tâm Tình Nguyễn