Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sản xuất và giúp đỡ người lao động hết hạn hợp đồng trở về từ Hàn Quốc, Nhật Bản, vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Phiên GDVL chuyên đề dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước; kết nối trực tuyến với Sàn GDVL các tỉnh: Quảng Nam, Đồng Tháp.
Người lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp tại phiên GDVL. |
Phiên GDVL thu hút 53 doanh nghiệp tham gia. Trong đó, có 27 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chiếm tỷ lệ cao nhất 50,9%. Còn lại thuộc lĩnh vực khác: Thương mại – dịch vụ, công nghệ thông tin, may mặc…
Tại sàn GDVL Hà Nội có sự tham gia của 37 doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như: Nhân viên kỹ thuật, phiên dịch, thợ vận hành máy, nhân viên sản xuất… Trong số 1.056 chỉ tiêu tuyển dụng tại Sàn GDVL Hà Nội, có 473/1.056 vị trí chiếm 44,7% tổng số vị trí tuyển dụng yêu cầu nằm trong nhóm tuổi 26-35.
Phiên GDVL đã thu hút đông đảo người lao động trở về từ Hàn Quốc và Nhật Bản tới tham gia phỏng vấn, tìm kiếm cơ hội việc làm. Tham gia phiên GDVL, anh Phan Văn Lợi, huyện Ba Vì, Hà Nội mong muốn sẽ tìm được công việc phù hợp với mức thu nhập khoảng từ 13 – 14 triệu đồng/tháng với vị trí là nhân viên kỹ thuật. Anh Lợi cho biết, anh đã tham gia xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc 2 đợt (một đợt 5 năm và gần nhất là 2 năm) với công việc hàn cơ khí.
Công ty anh làm hoạt động trong lĩnh vực thiết bị năng lượng mặt trời và thiết bị xây dựng nên không quá yêu cầu tính thẩm mỹ, chỉ yêu cầu các sản phẩm làm ra phải chắc chắn, đảm bảo chất lượng. Trong quá trình làm việc tại Hàn Quốc, anh cũng đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như tự tin giao tiếp trong xưởng và giao tiếp thông thường bằng tiếng Hàn.
Được biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên anh Lợi trở về nhà với gia đình vào tháng 11/2021. Thời gian đầu, anh rất khó khăn trong tìm việc làm vì với lao động phổ thông đã trên 30 tuổi như anh thì khó có công ty nào nhận. Thời điểm đó ảnh hưởng bởi dịch nên nhiều công ty thu hẹp sản xuất, việc tìm kiếm việc làm càng khó khăn hơn. Cũng chính bởi vậy nên anh đành xin vào làm tại một công ty cơ khí. Tuy nhiên công việc khá vất vả và độc hại nên anh muốn tìm một công việc giống với công việc anh đã từng làm bên Hàn Quốc là kỹ thuật hàn.
Cũng tới tham dự phiên giao dịch việc làm, anh Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1996 cũng mong muốn tìm cho mình một công việc phù hợp sau thời gian làm việc tại Nhật Bản. Theo đó, Cường đi xuất khẩu lao động từ năm 2017 và về nước vào tháng 3/2022. Công việc của Cường là gia công kim loại trong xưởng, thu nhập mỗi tháng dao động khoảng từ 25 – 30 triệu đồng.
Trở về Việt Nam, Cường mong muốn tìm được công việc đúng ngành nghề bên Nhật, cụ thể là vị trí nhân viên kỹ thuật mức lương dao động từ 10 – 20 triệu đồng. “Với 5 năm học hỏi cách làm việc, văn hóa của người Nhật Bản, về Việt Nam tôi tự tin làm được công việc với mức thu nhập từ 10 – 20 triệu đồng.”, Cường khẳng định.
Nhà tuyển dụng đánh giá cao chất lượng lao động
Tại phiên GDVL, các doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng nguồn lao động trở về từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Chia sẻ với phóng viên, bà Lê Thị Huế, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH AG TECH cho biết, công ty có kế hoạch tuyển dụng nhân viên phiên dịch và nhân viên quản lý. Do đó tại phiên giao dịch việc làm công ty mong muốn sẽ tìm được lao động gắn bó với công ty và đáp ứng được những yêu cầu đề ra của công ty.
Qua trao đổi, phỏng vấn trực tiếp, chị Huế đánh giá rất cao năng lực của các lao động tham gia phỏng vấn. “Tôi đánh giá rất cao các ứng viên đã tham gia phỏng vấn, hầu hết ứng viên đều có thể giao tiếp bằng tiếng Hàn. Cùng đó, các bạn đều làm các ngành liên quan tới chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành của công ty.”, bà Huế cho hay.
Nhà tuyển dụng đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực trở về từ Hàn Quốc và Nhật Bản. |
Mong muốn tuyển dụng thêm 20 cộng tác viên để phát triển sản phẩm của công ty, bà Trần Huyền Linh, Đối tác phát triển sản phẩm thị trường Công ty TNHH Coway Vina cho rằng, đội ngũ người lao động trở về từ Hàn Quốc có ưu thế rất lớn khi tham gia phát triển sản phẩm của công ty cũng như tiếp cận với khách hàng là người Hàn Quốc.
“Công ty phát triển Coway tại Việt Nam là chính, do đó khi các bạn có trình độ tiếng Hàn sẽ thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về sản phẩm vì thông tin và chương trình đào tạo của công ty mẹ bằng tiếng Hàn Quốc rất nhiều. Cùng đó, các bạn hiểu được thương hiệu, chất lượng của sản phẩm Hàn Quốc nên cách tiếp cận, truyền tải tới khách hàng tại Việt Nam sẽ có lợi hơn so với các bạn đang làm tại Việt Nam.”, bà Linh cho hay.
Có thể khẳng định, việc tổ chức Phiên GDVL chuyên đề dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước, kết nối trực tuyến giữa 3 tỉnh: Hà Nội, Đồng Tháp, Quảng Nam là hoạt động thiết thực trong bối cảnh nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp cũng như người lao động đang bức thiết. Chương trình đã mở ra các cơ hội việc làm cho người lao động sau khi về nước và giúp các doanh nghiệp có được nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của công ty.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động GDVL, phỏng vấn kết nối trực tuyến online giữa các Điểm/Sàn vệ tinh trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như các Sàn GDVL các tỉnh thành trên khắp cả nước. Đây là cơ hội cho người lao động nói chung cũng như lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh IM Japan về nước có được cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với kinh nghiệm và trình độ tay nghề, ổn định cuộc sống. |