Gia Lâm tập trung phát triển sản phẩm OCOP

Từ năm 2019 đến nay, huyện Gia Lâm có 119 sản phẩm trong Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), trong đó có 5 sản phẩm đạt 5 sao, còn lại là 4 sao và 3 sao, tập trung vào những sản phẩm lợi thế tại các làng nghề truyền thống như: Gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan; dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; dược liệu Ninh Hiệp và những sản phẩm nông nghiệp chủ lực (rau, quả an toàn)… Tiếp nối thành công, Gia Lâm đặt mục tiêu tập trung phát triển từ 30 sản phẩm OCOP trở lên trong năm 2023.

Các sản phẩm OCOP của huyện Gia Lâm được trưng bày tại điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP xã Dương Xá (huyện Gia Lâm).

Chia sẻ về kết quả đạt được trong những năm qua, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) Phạm Thị Thúy phấn khởi cho biết, xã đang có 11 sản phẩm đạt OCOP 4 sao là tinh bột nghệ vàng, tinh dầu chanh sả bà Bé, tinh dầu củ gừng, tinh bột nghệ đen…; 7 sản phẩm đạt OCOP 3 sao như: Hành phi, hành sấy, tỏi chiên, giò trâu Kiến Minh, thịt trâu gác bếp… Các sản phẩm này góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Bà Dương Thị Phương, chủ cơ sở chế biến hành chiên Phương Quân (xã Dương Xá) cho biết, gia đình có nghề làm hành phi, hành sấy gia truyền. Được sự động viên, khích lệ của chính quyền địa phương, lại được cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và huyện Gia Lâm giúp đỡ, tư vấn, hướng dẫn nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP, hỗ trợ thiết kế bao gói, tem nhãn, truy suất QRCode nguồn gốc sản phẩm, năm 2021, bà Phương mạnh dạn đăng ký xây dựng 4 sản phẩm OCOP là hành phi, hành sấy, tỏi chiên, khoai tây chiên.

“Cả 4 sản phẩm của chúng tôi đều đạt OCOP 3 sao. Cũng từ đó, khách hàng biết đến nhiều hơn, sản lượng bán ra tăng hơn 30%, doanh thu đạt 3 tỷ đồng/năm. Hiện, cơ sở sản xuất tạo việc làm ổn định cho 7 lao động thường xuyên, 6 lao động thời vụ, thu nhập 7-10 triệu đồng/người/tháng. Riêng lực lượng lao động “vệ tinh” – bóc vỏ hành, có hơn 30 người, được trả công 5.000 đồng/kg, mỗi người bóc được khoảng 20kg/ngày”, bà Dương Thị Phương cho biết thêm.

Tương tự, với quyết tâm đưa sản phẩm tốt tới người tiêu dùng, ông Mai Văn Suất ở xã Dương Quang đã thuê mặt bằng gần 3.000m2 ở xã Phú Thị để làm xưởng sản xuất đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, nấm sò, đồng thời đăng ký tham gia chương trình OCOP. Được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, cơ quan chức năng thành phố, năm 2020, ông Suất có 2 sản phẩm đông trùng hạ thảo khô, đông trùng hạ thảo khô ngâm mật ong đạt OCOP 4 sao, sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi đạt OCOP 3 sao. Ông Suất cho biết: “Từ khi có các sản phẩm OCOP, doanh thu tăng lên gần 30%/năm. Do đó năm 2023, tôi tiếp tục đăng ký xây dựng thêm sản phẩm OCOP là nấm linh chi và bột nấm linh chi”.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng, năm 2022, huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng 30 sản phẩm OCOP. Tiếp nối thành công, năm 2023, huyện phấn đấu xây dựng thêm từ 30 sản phẩm trở lên đạt OCOP 3 sao, 4 sao, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trao đổi về việc xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, thời gian qua, huyện tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tích cực rà soát, thống kê, tuyên truyền và hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm đăng ký Chương trình OCOP với mục tiêu: Mỗi năm có từ 30 sản phẩm trở lên được thành phố đánh giá phân hạng từ 3 đến 4 sao, tập trung ở các nhóm thực phẩm, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương, đã có thương hiệu và đang tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, cùng với đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, huyện cũng xây dựng được 2 điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn tại các xã Dương Xá, Bát Tràng. Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, huyện đang tập trung chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương triển khai đẩy mạnh việc bán hàng online lên các trang mạng xã hội, đưa sản phẩm OCOP của huyện lên sàn thương mại điện tử; xây dựng thêm các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại các xã, thị trấn… để quảng bá sản phẩm của địa phương tới khách hàng các tỉnh, thành phố trong cả nước và hướng tới xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên địa bàn.

Ánh Dương

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/ngoai-thanh/828828/gia-lam-tap-trung-phat-trien-san-pham-ocop