Gia tăng giá trị du lịch nông thôn

Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của Thành phố cũng như tại các địa phương, góp phần tạo thành một hệ sinh thái OCOP, để từ đó khai thác, phát triển hoạt động du lịch nông thôn.

Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. Từ đó hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp đa giá trị, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. Thông qua Chương trình, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng miền.
Gia tăng giá trị du lịch nông thôn
Việc quảng bá các sản phẩm OCOP là cơ hội để phát triển du lịch ở mỗi địa phương.

Tại Hà Nội, thời gian qua, đã có nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP như: Chương trình Festival sản phẩm nông sản, OCOP gắn kết du lịch năm 2022; khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội… Những hoạt động này không chỉ là cơ hội quảng bá sản phẩm OCOP mà còn giúp các địa phương gắn kết du lịch.

Điển hình như tại huyện Thường Tín, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP mới đây được khai trương tại Hợp tác xã hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân) với gần 100 sản phẩm OCOP của 13 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Các sản phẩm nổi bật là: Rau củ quả, thịt lợn, sản phẩm qua sơ chế và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc… nhằm giới thiệu quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng, du khách đến với du lịch xã Hồng Vân.

Tại lễ khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin, Thường Tín là một trong những địa phương đi đầu Thành phố về số lượng sản phẩm, với 152 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP. Trong đó, 140 sản phẩm đạt 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao; bao gồm các ngành hàng thực phẩm 64 sản phẩm, là những mặt hàng chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, ngành thủ công mỹ nghệ, ngành vải và may mặc 88 sản phẩm là những sản phẩm đặc trưng chất lượng.

“Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại xã Hồng Vân là dịp để quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc sắc của các địa phương trong huyện. Giúp các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm, tăng cường mở rộng thị trường, từ đó đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, huyện Thường Tín sẽ tiếp tục kết nối, đưa nhiều sản phẩm OCOP về Điểm giới thiệu và bán sản phẩm phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Đồng thời, sẽ phát triển thêm các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện qua đó tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, thu hút khách du lịch”, ông Bùi Công Thản chia sẻ.

Đề cập đến vấn đề phát triển sản phẩm OCOP để phát triển du lịch nông thôn, ông Đỗ Tiến Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Long Phú (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho rằng, việc đẩy mạnh và quảng bá các sản phẩm OCOP đã tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn và nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả và thực chất hơn. “Đặc biệt, việc tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, hình thành sản phẩm gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, nhất là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống… sẽ góp phần tạo cơ hội cho du lịch nông thôn phát triển, nâng cao đời sống người dân”, ông Hùng nhấn mạnh…

Được biết, bên cạnh việc giới thiệu các sản phẩm OCOP, để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 73/2022/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Theo đó, Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp triển khai ít nhất từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Thành phố phấn đấu mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể là nông dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh và doanh nghiệp; Hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% người dân, cán bộ quản lý du lịch nông nghiệp tại địa phương. Những chính sách này kỳ vọng thời gian tới, Chương trình OCOP cũng như du lịch nông nghiệp Hà Nội sẽ bứt phá, giúp người dân phát triển kinh tế.

Kim Tiến