Giá trị trường tồn của bản Tuyên ngôn Độc lập

Bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày 2/9/1945 không chỉ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á mà còn có giá trị trường tồn cho muôn đời sau.

Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và của nhân dân Việt Nam đã tuyên bố với thế giới, đặc biệt là các nước Đồng minh vừa chiến thắng Phát xít Đức – Ý – Nhật về cuộc đấu tranh cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân (Việt Nam giành chính quyền từ tay Phát xít Nhật và tiếp nhận sự thoái vị của Vua Bảo Đại, Triều Vua cuối cùng của nền phong kiến quân chủ Việt Nam). Tuyên ngôn Độc lập Bác Hồ đọc trong ngày Lễ Độc lập đã khẳng định quyền tự quyết và thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành Độc lập cho nước nhà.
Giá trị trường tồn của bản Tuyên ngôn Độc lập
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc Lập. Ảnh Tư liệu

Đồng thời, Tuyên ngôn Độc lập 1945 cũng khẳng định một Việt Nam mới xây dựng nền Dân chủ Cộng hòa. Đó là Nhà nước do dân (nhân dân trong Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng lên giành chính quyền); Nhà nước vì dân (khẳng định các quyền cơ bản của mọi người dân: Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do); Nhà nước của dân (toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy).

Chính Bác Hồ đã thể hiện tình cảm và sự gắn bó với nhân dân ngay trong khi đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử ấy bằng nhiều lần ngừng đọc để hỏi nhân dân: “Tôi nói đồng bào nghe có rõ không” và tiếng đáp lại: “Thưa rõ ạ”. Thật tự nhiên, đó là biểu hiện của sự gần gũi, thân mật giữa một vị lãnh đạo tối cao của chính quyền với người dân – một sự báo hiệu về một Nhà nước do dân, của dân, vì dân…

Qua những hồi ức của các nhà lãnh đạo những người chứng kiến buổi Lễ Độc lập 2/9/1945, rõ ràng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đánh dấu một thời đại mới của dân tộc Việt Nam của đất nước Việt Nam. Cờ đỏ sao vàng, là cờ thiêng liêng tự hào của nhân dân chính thức gắn liền với Tổ quốc Việt Nam cùng bản nhạc Tiến quân ca sau này được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I chính thức thông qua là Quốc kỳ và Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 của Việt Nam mở ra thời kỳ các nước thuộc địa giành độc lập, chấm dứt chế độ thực dân.

Có thể nói rằng cách mạng tháng Tám và tuyên bố Độc lập của Việt Nam vào ngày 2/9/1945 chính là tiếng kèn xung trận cho các dân tộc thuộc địa khác giành chính quyền từ chế độ thực dân của các nước phương Tây. Việt Nam là một trong hai nước giành độc lập vào tháng 8/1945 (Việt Nam và Indonesia) mở đầu kỷ nguyên giành độc lập của các nước bị thực dân đô hộ là tấm gương cho các nước noi theo; Algeria là nước coi Việt Nam là tấm gương đấu tranh giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được tôn vinh ở Angiêri.

Đọc lại những tư liệu lịch sử, qua những hồi ký của các nhân sĩ tri thức, những cán bộ cách mạng – học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta như thấy không khí của cách mạng tháng Tám và Lễ Độc lập 2/9/1945, càng thấy rõ hơn giá trị lớn lao và trường tồn của Bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ soạn thảo và đọc trước quốc dân đồng bào trong ngày Lễ Độc lập 78 mùa thu trước.

Nhà văn Trần Bá Giao

https://laodongthudo.vn/gia-tri-truong-ton-cua-ban-tuyen-ngon-doc-lap-159833.html