Giao cho Hà Nội quyết định biên chế tăng thêm để chủ động bố trí nguồn lực

Sáng 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, giao cho chính quyền thành phố Hà Nội được quyết định tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức như trong dự thảo Luật sẽ cho phép Hà Nội có thể chủ động bố trí nguồn lực đầy đủ, kịp thời.

Không tổ chức Hội đồng nhân dân phường

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ sự nhất trí với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Theo đại biểu, mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) phường) được thực hiện từ ngày 1/7/2021 đến nay tương đối ổn định và phát huy hiệu quả.

Mô hình này tương đối phù hợp với đặc điểm, tính chất tập trung thống nhất cao của đô thị về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian, kiến trúc đô thị, đòi hỏi sự thống nhất quản lý theo quy hoạch phát triển chung mà không bị giới hạn bởi ranh giới địa lý.

Bộ máy chính quyền Thủ đô thời gian qua hoạt động gọn nhẹ, thông suốt hơn, giảm tầng nấc, giảm thủ tục từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

Giao cho Hà Nội quyết định biên chế tăng thêm để chủ động bố trí nguồn lực
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) phát biểu

“Mặc dù, việc không tổ chức HĐND phường về mặt hình thức có thể làm giảm khả năng được đại diện của người dân địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau hơn 2 năm triển khai thí điểm mô hình chính đô thị ở Thủ đô, quyền được đại diện của người dân vẫn được đảm bảo. Vì vậy, tôi nhất trí với việc Luật hoá chính thức quy định không tổ chức HĐND phường ở thành phố Hà Nội như trong dự thảo”, đại biểu nói.

Giao chính quyền Thủ đô quyết định tăng thêm biên chế

Điểm b, khoản 1, Điều 9 Dự thảo Luật quy định “thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm”.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, đối với chính quyền Thủ đô, quy định nội dung này là phù hợp. Bởi vì hiện nay, không chỉ riêng Thủ đô, mà tại một số địa phương, việc giao biên chế của cơ quan có thẩm quyền cấp trên cũng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu cần thiết về biên chế, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức để làm việc.

Trong khi đó, Hà Nội là địa bàn tập trung đông dân cư, là trung tâm hành chính – kinh tế của cả nước, kéo theo đó là đòi hỏi về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tư pháp, tính theo số dân/biên chế công chức trung bình tại 63 tỉnh, thành phố là khoảng 686 dân/công chức; trong khi tại Hà Nôi là khoảng 1.016 dân/công chức, điều đó thể hiện phần nào áp lực, khối lượng công việc của công chức Thủ đô đang phải đảm nhận, trong khi số lượng công việc và yêu cầu chất lượng ngày càng tăng.

“Do đó, việc giao cho chính quyền thành phố Hà nội được quyết định tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức như trong dự thảo Luật sẽ cho phép Hà Nội có thể chủ động bố trí nguồn lực đầy đủ, kịp thời; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp lý hơn, biên chế được cân đối phù hợp với danh mục vị trí việc làm đã được phê duyệt, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, việc quyết định biên chế căn cứ vào khả năng ngân sách của thành phố nên sẽ không ảnh hưởng đến nguồn ngân sách Trung ương hay các địa phương khác. Việc bố trí đủ nguồn lực và phát huy được nguồn lực sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, khai thác tối đa hiệu suất làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô”, đại biểu phân tích.

Cũng với những lý do trên, đại biểu tán thành quy định tại khoản 2 Điều 16 dự thảo Luật, cho phép “Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm”.

Giao cho Hà Nội quyết định biên chế tăng thêm để chủ động bố trí nguồn lực
Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Điều này sẽ giúp cơ quan, đơn vị bổ sung kịp thời số lượng nhân lực còn thiếu. Việc ký hợp đồng cũng đã được dự thảo quy định nằm trong khuôn khổ đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu vị trí việc làm và trong khả năng cân đối ngân sách.

Với những quy định đặc thù này, theo đại biểu, sẽ giúp Thủ đô có đủ nguồn nhân lực, các công việc sẽ được triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả; cán bộ, công chức giảm áp lực công việc, tạo môi trường cạnh tranh năng động, giảm tâm lý và sức ý của công chức, viên chức, từ đó tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.

Tăng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội chuyên trách

Về việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội từ 95 đại biểu theo quy định hiện hành lên 125 đại biểu như khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật là phù hợp trong bối cảnh Thủ đô là một trong hai địa phương có quy mô dân số đông nhất cả nước với tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm ở mức 1,4%/năm.

Với số lượng 95 đại biểu HĐND thành phố như hiện nay thì theo báo cáo đánh giá tác động, bình quân khoảng 105.000 người dân/đại biểu, tỷ lệ quá thấp so với bình quân chung cả nước là 26.500 người dân/đại biểu. Tỷ lệ người dân trên đại biểu quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân thủ đô.

Mặt khác, nếu theo như dự thảo Luật sẽ không tổ chức HĐND phường ở thành phố Hà Nội, như vậy việc tăng số lượng đại biểu HĐND ở cấp cao hơn sẽ góp phần tăng cường việc kiểm soát, giám sát quyền lực đối với chính quyền cấp dưới. Tuy nhiên, tôi đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách lên cao hơn mức “ít nhất 25%” như trong dự thảo.

Điều này cũng thống nhất với tinh thần chung của Quốc hội, là nâng dần tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên qua từng nhiệm kỳ. Tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách là xu thế tích cực, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, khoa học, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử.

“Thực tiễn đã chứng minh, tỷ lệ đại biểu chuyên trách càng cao, thì chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân càng tăng. Do vậy, tôi để nghị nâng mức “ít nhất 25% số đại biểu hoạt động chuyên trách” của HĐND thành phố Hà Nội lên mức “ít nhất 30 hoặc 35%”, đại biểu nêu rõ.

Phương Thảo