Trong bối cảnh ấy, đặt ra những thách thức, nguy cơ không nhỏ, trước hết là trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng công nhân – giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Việc củng cố, bồi đắp nền tảng tư tưởng trong giai cấp công nhân đang là một yêu cầu cấp thiết, nhiệm vụ trọng tâm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ sự tồn vong của chế độ.
Kỳ 1: Nguy cơ “bủa vây” công nhân
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu nâng cao đời sống văn hoá tinh thần càng trở nên cần thiết để tái tạo sức lao động, tăng cường khả năng sáng tạo của mỗi công nhân. Thế nhưng, thực tế đời sống văn hóa tinh thần của người lao động còn nghèo nàn khiến cho họ không có điều kiện để trau dồi kiến thức, không đủ nhận thức để tự bảo vệ mình; thậm chí sự khó khăn đôi khi khiến họ nảy sinh tư tưởng bất mãn, tiêu cực, nhận thức sai lệch về lý tưởng sống, lý tưởng cách mạng…
Khoảng trống trong đời sống công nhân
Bắt đầu vào ca từ lúc 7h sáng, nhưng mỗi ngày, chị Đỗ Thị Bình, công nhân Công ty TNHH Fujikin (Khu công nghiệp Thăng Long, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) đều phải dậy từ lúc 5h để lo bữa ăn sáng cho cả nhà. Dù gắn bó với Công ty đã được 14 năm, công việc gần như đã được “lập trình”, thế nhưng, mỗi ngày cuộc sống của chị Bình cũng chỉ quanh quẩn từ nhà trọ đến Công ty, rồi cơm nước, chăm sóc con cái… Thời gian rảnh để giải trí, hay tiếp cận với các hoạt động xã hội cộng đồng gần như không có. Thậm chí, theo chị Bình, chị còn không có cả thời gian để xem các chương trình giải trí trên tivi, chứ chưa nói đến việc chủ động tìm hiểu các kiến thức và chính sách pháp luật, hay lắng nghe công tác tuyên truyền trên các loa phát thanh công cộng.
Với nhiều công nhân lao động, đặc biệt là lao động nữ, ngoài thời gian làm việc tại Công ty, họ dành phần lớn thời gian để chăm lo cho gia đình, con cái nên không có điều kiện để giải trí, hay tiếp cận với các hoạt động xã hội cộng đồng. |
“Mỗi năm Công ty sẽ tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục về chính sách pháp luật cho người lao động một lần. Thế nhưng, không phải công nhân nào cũng được tham dự các buổi tuyên truyền chính sách này, vì mọi người phải đảm bảo công việc sản xuất. Do đó, khi các cơ quan chức năng đến Công ty để tổ chức tuyên truyền, mỗi bộ phận sẽ cử một vài người để tham dự. Như chị thì ít quan tâm đến các chính sách pháp luật về lao động, bởi Công ty ở đây thực hiện rất tốt các chính sách đối với người lao động”, chị Bình bộc bạch.
Không được “may mắn” như chị Đỗ Thị Bình, khi mỗi năm Công ty còn phối hợp tổ chức tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động cho người lao động một lần, dù số lượng công nhân lao động được tham gia rất ít; chị Nguyễn Thị Thanh (xin được giấu tên Công ty – pv), công nhân tại một Công ty cũng thuộc Khu công nghiệp Thăng Long cho biết, Công ty gần như không có hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật nào cho người lao động, và người lao động cũng không được tham gia các buổi tuyên truyền của Công đoàn cấp trên, hay của chính quyền địa phương.
“Khi công nhân lao động có những vướng mắc về chế độ, chính sách thì sẽ tìm trực tiếp doanh nghiệp để hỏi và lúc đó doanh nghiệp sẽ trả lời, nhưng nhiều người thậm chí bị vướng mắc về chế độ cũng không dám hỏi, đây là điều thiệt thòi với công nhân lao động”, chị Thanh tâm sự.
Có thể thấy, với khối lượng công việc nhiều, sau giờ tan ca, người công nhân lao động dù mệt nhoài nhưng vẫn phải cố gắng đảm nhiệm thiên chức làm vợ, làm mẹ để chăm lo cho gia đình. Vì vậy, nhiều công nhân chỉ biết ẩn mình trong 4 bức tường của phòng trọ và thời gian còn lại đa phần họ dành cho việc ngủ. Bởi thế, họ có ít cơ hội gặp gỡ, giao lưu, giải trí; ít có cơ hội tiếp cận tìm hiểu về các chính sách pháp luật về lao động. Do đó, nhiều trường hợp bị hổng kiến thức về pháp luật đã nảy sinh tư tưởng bất mãn, tiêu cực và có nhận thức sai lệch về các chính sách pháp luật của Nhà nước.
Và những luồng “gió độc”
Dạo qua một số khu công nghiệp tại Thủ đô Hà Nội như: Thăng Long, Nội Bài, Quang Minh, Sài Đồng hay Thạch Thất – Quốc Oai… điều dễ nhận thấy nhất, đó là ở những khu tập trung đông đúc công nhân sinh sống thường có rất ít các điểm vui chơi, giải trí lành mạnh. Những nơi này, hàng quán ăn nhậu chiếm số đông, tiếp đến là quán nét, bi-a, karaoke… Đây là những tụ điểm mà công nhân thường xuyên tranh thủ lui tới sau những giờ làm việc căng thẳng.
Hàng quán ăn nhậu gần khu công nghiệp là nơi mà nhiều công nhân thường xuyên tranh thủ lui tới sau những giờ làm việc căng thẳng. |
Tuy nhiên, việc lang thang ở những tụ điểm “ăn chơi”, không phải người lao động nào cũng có điều kiện để lui tới. Bởi thế, sau thời gian lao động mệt mỏi, với họ, chiếc điện thoại có lẽ là “người bạn tri kỷ” nhất. Do không có nhiều thời gian để tìm hiểu, tiếp cận với các thông tin chính sách pháp luật, cùng với việc có những “lỗ hổng” về kiến thức pháp luật, sự hạn chế trong nhận thức trước những thông tin “fake news” (tin giả), không ít người lao động “lang thang” trên các trang mạng xã hội vô tình đã bị các đối tượng phản động xúi giục, kích động về tư tưởng; thậm chí không ít người bị mua chuộc bằng vật chất để chống phá, xuyên tạc giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn, chống phá Đảng, Nhà nước… gây bất ổn xã hội.
Còn nhớ, vào năm 2020, trong khi tình hình dịch Covid-19 đang có những chiều hướng diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu. Trong đó, Công ty Chí Hùng (công ty vốn FDI, trụ sở tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), có quy mô lao động lên đến 9.500 người. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 7 – 8/2020, Công ty Chí Hùng không có đơn hàng nên dự định sẽ tạm hoãn hợp đồng lao động với một số công nhân. Dù vậy, Công ty chưa thông có báo cụ thể về tình hình và chế độ hỗ trợ công nhân. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng phản động đã đăng thông tin lên trang mạng xã hội Facebook để xúi giục, kích động công nhân tụ tập, gây rối.
Theo đó, chiều 26/5/2020, có một nhóm công nhân đến trước trụ sở Công ty Chí Hùng để phản đối việc doanh nghiệp sẽ cho họ tạm nghỉ việc trong 2 tháng (7 và 8). Lúc đầu chỉ có vài chục người đình công, tuy nhiên, đến ngày 29/5/2020 số lượng người đình công đã lên đến 8.000 người. Trong đó, nhiều người lao động bị kích động đã tụ tập chặn đường huyết mạch giao thông để gây rối, đập phá…
Trước đó, năm 2018, 21.000 công nhân lao động tại Công ty TNHH Pou Hung và Công ty TNHH Cansports (100% vốn FDI) tại Khu công nghiệp Chà Là (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) đã tổ chức ngừng việc tập thể để phản đối dự án Luật Đơn vị hành chính – Kinh tế đặc biệt và phản ứng với cách tính lương của Công ty. Qua tiến hành các biện pháp điều tra, Công an tỉnh Tây Ninh và Công an huyện Dương Minh Châu đã phát hiện 10 đối tượng kích động công nhân nghỉ việc, mua cờ, biểu ngữ phát cho công nhân ra đường tuần hành, hòng gây bạo động…
Mới đây nhất, vào đầu tháng 10/2023, khoảng 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory (đóng tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đã kéo nhau rời Công ty trước giờ làm việc buổi chiều. Công nhân cho rằng, Công ty ép sản lượng cao, đồng thời có kiến nghị tăng lương, tăng tiền trợ cấp xăng xe, độc hại… Ngay sau đó, Cơ quan Công an huyện Diễn Châu đã điều tra, tiến hành triệu tập một số đối tượng để làm rõ hành vi tung tin, kích động, lôi kéo công nhân ngừng việc tập thể. Được biết, vụ việc đang trong quá trình điều tra, những đối tượng liên quan sẽ được làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nhiều cuộc gây rối, đình công xảy ra do người lao động trẻ, còn hạn chế về nhận thức xã hội, nhận thức chính trị, chưa am hiểu pháp luật. Ảnh minh họa |
Từ các cuộc gây rối, đình công nói trên có thể thấy, phần lớn các sự việc xảy ra đều là người lao động trẻ, còn hạn chế về nhận thức xã hội, nhận thức chính trị, chưa ý thức rõ về tự hào dân tộc, lòng yêu nước, chưa am hiểu pháp luật; mặt khác là thiếu kỹ năng sử dụng mạng xã hội, không phân biệt được thông tin tốt – xấu. Một số đối tượng bị dẫn dắt truy cập vào các trang web phản động như: Ủy ban nhân quyền Việt Nam, Liên minh dân chủ nhân quyền Việt Nam, Liên đoàn Lao động Việt Tự Do, Việt Tân, VOA, Đàn Chim Việt… với nhan nhản những bài viết, thông tin xuyên tạc, truyền bá luận điểm sai trái, phủ nhận bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận vai trò của tổ chức Công đoàn, đòi thành lập cái gọi là “tổ chức công đoàn độc lập” nhằm tập hợp, hình thành lực lượng chính trị đối lập, gây bất ổn xã hội. Đây chính là những luồng “gió độc” len lỏi trong lực lượng công nhân, kích động, tấn công tư tưởng làm thay đổi nhận thức, hành vi cũng như có những cách hiểu sai trái về các chính sách pháp luật, dẫn đến việc người lao động vi phạm pháp luật.
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an): “Nhiều người dân tiếp cận thông tin không chính thống trên mạng xã hội và bị dẫn dụ bởi những thông tin sai sự thật đó dẫn đến những hành vi: Một là tham gia thực hiện những hành vi nguy hiểm, chống đối lại cơ quan chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ; thứ hai là quyên góp về tài chính, nhằm xúi giục, kích động gây rối… Tôi cho là kỹ năng sử dụng mạng xã hội của bộ phận người dân còn yếu kém, thiếu sự nhận thức đầy đủ pháp luật. Thậm chí người ta có thể hiểu nhưng coi thường pháp luật. Do đó cần xử lý để làm gương với những đối tượng có tham gia việc vận động, tài trợ, hô hào, kích động, gây rối. Thông qua việc xử lý đó chúng ta nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc sử dụng mạng xã hội của người dân”. |
Kỳ 2: Nhận diện thách thức trong tình hình mới