Gieo mầm văn hóa đọc cho trẻ

Khi mà phương tiện nghe nhìn ngày càng phát triển thì việc tạo dựng văn hóa đọc cho trẻ dường như càng trở nên khó khăn hơn. Tại Hà Nội, đã có nhiều cá nhân và cộng đồng đang nỗ lực âm thầm, bền bỉ gieo mầm và lan tỏa văn hóa đọc tới các em…

thu-vien-yeu-thuong.jpg

Thư viện yêu thương tại phố Hoàng Liên (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) góp phần lan tỏa văn hóa đọc sách tới cộng đồng.

Từ nỗ lực của cá nhân

Nhen nhóm ý tưởng từ 5 năm trước nhưng phải đến tận tháng 2/2023, Thư viện yêu thương của chị Ngô Quỳnh Liên mới chính thức đi vào hoạt động tại phố Hoàng Liên (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm). Thời gian đầu, thư viện chỉ có chưa đầy 100 cuốn sách, chủ yếu là truyện thiếu nhi. Đến nay, thư viện có tới 1.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực: văn học, mỹ thuật, tâm lý, kỹ năng mềm, khoa học, hướng nghiệp…

Chị Liên chia sẻ, để có nguồn sách phong phú đó chị đã kêu gọi phụ huynh, học sinh, bạn bè cũng như người dân trong phố Hoàng Liên cùng quyên góp sách, người ít thì 2 đến 3 quyển, nhiều thì lên đến 200 quyển.

Đều đặn hằng ngày, thư viện mở cửa từ 9h -16h chiều, riêng cuối tuần tăng thêm thời gian mở cửa, phục vụ cả đọc tại chỗ và mang về. Để thu hút các em nhỏ, ngoài hoạt động đọc và mượn sách, thư viện còn tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: kể chuyện tập thể, vẽ tranh theo nội dung sách, hướng dẫn làm đồ chơi từ đồ tái chế, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề…

Cô bé Nguyễn Như Quỳnh (lớp 4, trường Tiểu học Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, từ khi có thư viện miễn phí ở gần nhà cứ thời gian rảnh là em và các bạn trong lớp lại rủ nhau đến đây. Thư viện giúp các em biết đến nhiều đầu sách phong phú, hấp dẫn, có thêm tri thức và kỹ năng trong cuộc sống.

“Dù mở thư viện sách miễn phí không còn mới mẻ nhưng đối với phố Hoàng Liên, xóm nhỏ của chúng tôi là điều hết sức ý nghĩa. Bởi đây là vùng ven ngoại thành, học sinh không có nhiều sân chơi, hoạt động trải nghiệm. Thay vì để mặc trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử, tôi muốn lan tỏa văn hóa đọc tới các em nhiều hơn và thư viện yêu thương là không gian để các em học tập, khám phá thế giới muôn màu qua trang sách…”, chị Quỳnh Liên chia sẻ.

Trước đó, thư viện Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội), thư viện Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội)… đã trở thành những điểm sáng trong việc lan tỏa văn hóa đọc ở các thư viện làng. Và Thư viện yêu thương ở phố Hoàng Liên đã nối dài thêm không gian đọc cho trẻ ở vùng ngoại ô thành phố.

Còn khu vực nội thành, nhiều năm nay mô hình câu lạc bộ đọc sách cũng đã trở thành sân chơi bổ ích góp phần lan tỏa văn hóa đọc tới các em nhỏ. Có thể kể tới CLB “Đọc sách cùng con” của Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, CLB “Ô xinh” của chị Lê Thị Thanh Thủy, CLB “Sách ơi mở ra” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh…

Điểm nhấn quan trọng của các CLB là mọi hoạt động đều xoay quanh những giá trị văn hóa mà sách mang đến cho tuổi thơ. Qua trang web của CLB, các thành viên sẽ thường xuyên nhận được thông tin về sách mới, từ đó phụ huynh có thể nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho các con, tham khảo để lựa chọn cho con những cuốn sách “sạch, hay và đẹp”. Ngoài ra, ở CLB còn có nhiều hoạt động tương tác được tổ chức như giới thiệu sách, giao lưu, các cuộc thi… nhằm tạo hiệu ứng tốt trong xã hội góp phần gắn kết việc đọc sách ở nhà với đọc sách ở trường, góp phần xây dựng thế giới tinh thần cho trẻ thơ.

Chủ nhân của CLB “Sách ơi mở ra” cho biết: sứ mệnh của dự án “Sách ơi mở ra” là lan tỏa những tinh hoa của sách và giá trị của việc đọc sách đến với trẻ em; Giúp trẻ em xây dựng thói quen đọc sách, yêu đọc sách, biết cách đọc sách hiệu quả đồng thời góp sức lan tỏa giá trị của việc đọc tới cộng đồng.

Đến sự chung sức của cộng đồng

Tạo nên một cộng đồng đọc sách bắt đầu từ những đứa trẻ, đó là cách mà những chủ nhân của thư viện làng, CLB đọc sách đã và đang cất công gây dựng. Và không thể không nhắc tới đó là sự chung sức của cộng đồng.

Tại Hà Nội, các hoạt động nhằm đẩy mạnh văn hóa đọc thường xuyên được tổ chức. Hằng năm, Thành phố Hà Nội duy trì Phố Sách Xuân tạo không gian văn hóa đọc ý nghĩa, phục vụ nhân dân Thủ đô; tổ chức Hội Sách Hà Nội, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đảm bảo thiết thực, phù hợp tình hình thực tế. Ngoài ra, Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Chung khảo Hội thi thiếu nhi Thủ đô tuyên truyền giới thiệu sách, Tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội” đã góp phần nâng cao văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân, nhất là với các em thiếu niên, nhi đồng.

Về phát triển văn hóa đọc, Thư viện Hà Nội đã duy trì và phát huy hiệu quả thư viện Dream Plus Library (Phòng phục vụ sách thiếu nhi); triển khai Dự án nâng cấp hệ thống phần mềm thư viện và số hóa báo, tạp chí tại thư viện; Bàn giao giai đoạn II Dự án Thư viện công cộng giai đoạn 2021-2022 do Hàn Quốc tài trợ bằng vốn ODA không hoàn lại.

Một điểm sáng trong phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi của Thành phố đó là Thư viện quận Tây Hồ. Hiện tại thư viện có 25.000 cuốn sách thuộc nhiều thể loại, trong đó có trên 5.000 sách dành cho thiếu nhi. Để khuyến đọc trên địa bàn, Thư viện quận Tây Hồ đã tổ chức góc đọc sách thiếu nhi trang trí đẹp mắt; tổ chức các hội sách, Ngày sách và Văn hóa đọc, thi xếp sách nghệ thuật, viết cảm nhận về sách, tuyên truyền giới thiệu sách…

Đáng chú ý, ở nhiều trường học như: Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông), Tiểu học Đức Giang (quận Long Biên), THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân)… mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện đã phát huy được giá trị góp phần lan tỏa văn hóa đọc tới học sinh.

Có thể nói, với sự nỗ lực của mỗi cá nhân và sự chung sức của cộng đồng, văn hóa đọc cho thiếu nhi đang dần được tạo dựng và lan tỏa. Và “quả ngọt” cho những người “gieo mầm” ấy là tình yêu sách đang nhen nhóm, lớn dần trong rất nhiều các cô cậu học trò, mở lối cho các em bước vào thế giới diệu kỳ của những trang sách./.

Khánh Thư

https://nguoihanoi.com.vn/gieo-mam-van-hoa-doc-cho-tre-73819.html