Giữ hồn văn hóa khi “phố tiến về làng”

Khi “phố tiến về làng”, nhiều diện tích đất sản xuất trở thành khu công nghiệp, nhiều làng trở thành khu phố, đó cũng là tiếp biến của công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tuy nhiên, những gì còn lại của nông thôn vùng ven khi “phố tiến về làng” là những tinh hoa mà dù có “bê tông hóa” đến đâu cũng khó có thể xóa mờ. Đó chính là văn hóa bản sắc của mỗi vùng đất, mỗi con người, chứa đựng trong đó giá trị tinh thần to lớn.

Về Thạch Thất những ngày này, hẳn nhiều người còn ngỡ ngàng khi nghe tiếng cồng chiêng đồng vọng khắp núi rừng. Dẫu rằng Thạch Thất đang trên đà phát triển nông thôn mới, mang đậm màu sắc hiện đại, đô thị, nhưng bản sắc văn hóa tinh thần của người dân tộc Mường nơi đây vẫn còn vẹn nguyên. Văn hóa cồng chiêng chính là giá trị tinh thần của nhiều người dân tộc Mường sống trên mảnh đất Thạch Thất giàu bản sắc này, dẫu “phố có về làng” hơn một thập kỷ qua.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất cho biết, văn hóa dân tộc Mường có truyền thống lâu đời, phong phú với những giá trị bản sắc độc đáo về vật thể và phi vật thể, tạo nên sức sống bền bỉ, được lưu truyền, bồi đắp phát triển qua bao đời nay, thấm sâu vào trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

Người dân tộc Mường sinh sống định canh định cư tập trung thành từng làng, xóm ở chân núi và sườn các quả đồi, nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn. Người Mường có truyền thống làm ruộng, trong đó trồng lúa nước là cây lương thực chủ yếu và khai thác lâm thổ sản như mật ong, gỗ, tre, nứa, mây, song… Trước đây, nghề thủ công tiêu biểu của người Mường là ươm tơ, dệt vải, đan lát.

Bài 2: Giữ hồn văn hóa khi “phố tiến về làng”
Văn hóa cồng chiêng chính là giá trị tinh thần của nhiều người dân tộc Mường

sống trên mảnh đất Thạch Thất giàu bản sắc

Các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống rất phong phú, đa dạng và đã có từ lâu đời của dân tộc Mường, luôn gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển. Về văn hóa vật thể như nhà sàn, trang phục, ẩm thực và các vật dụng trong sản xuất, sinh hoạt; về văn hóa phi vật thể như ngôn ngữ, mo Mường, cồng chiêng và các làn điệu hát, múa, các môn thể thao, trò chơi dân gian dân tộc Mường…

Trong quá trình vận động và phát triển, văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn đã được giao thoa, có sự tiếp thu tinh hoa văn hóa rất phong phú, đa dạng của các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhất là văn hóa dân tộc Kinh.

Với mục tiêu trong quá trình tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa các dân tộc khác, cần bảo tồn và phát huy được các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mường. Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất đã xây dựng và thực hiện Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thất, giai đoạn 2016-2020” góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển toàn diện và bền vững kinh tế xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Không chỉ gìn giữ và bảo tồn văn hóa cồng chiêng của người Mường mà huyện Thạch Thất trong nhiều năm qua đã nỗ lực bảo tồn văn hóa chèo cổ, múa rối nước… là những nét văn hóa tinh thần đặc sắc của người dân, nhằm nâng cao giá trị tinh thần, dẫu nông thôn có từng ngày đổi mới.

Bài 2: Giữ hồn văn hóa khi “phố tiến về làng”
Thạch Thất bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp

Đến với huyện Thanh Trì, một “vùng quê” nằm ngay sát quận Hoàng Mai, quận Hà Đông của thành phố Hà Nội, nơi có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, chuẩn bị lên quận, chắc hẳn nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy ở xã Tứ Hiệp vẫn còn có một điệu múa cổ truyền được nhân dân yêu thích, đó là điệu múa sênh. Ông Nguyễn Đức Huân, Trưởng thôn Đồng Trì cho biết, chưa bao giờ đời sống vật chất, tinh thần của người dân quê ông lại đủ đầy, tươi vui như hiện nay. Người dân vui mừng vì tiết mục múa sênh tiền được mời biểu diễn ở nhiều lễ hội, liên hoan văn nghệ của thôn, xã, huyện và được nhân dân yêu thích. Điệu múa dân gian này đã trở thành “đặc sản” của thôn Đồng Trì.

Cùng với múa sênh là múa rồng truyền thống ở huyện Thanh Trì. Tại nhiều xã đã duy trì đội múa rồng suốt nhiều năm qua để gìn giữ điệu múa truyền thống của cha ông. Việc tập luyện được tổ chức thường xuyên song song với việc tổ chức một đội múa rồng “nhí” nhằm truyền dạy nghệ thuật múa rồng truyền thống cho các thế hệ kế tiếp.

Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Thanh Trì đã diễn ra sôi nổi với nhiều điểm sáng rất đáng ghi nhận. Không chỉ giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, việc đầu tư cho hệ thống thiết chế cơ sở, khơi dậy phong trào văn hóa, thể thao, xây dựng gia đình, thôn làng văn hóa đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống tinh thần, phát huy sức mạnh đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư nơi đây.

Bài 2: Giữ hồn văn hóa khi “phố tiến về làng”
Đội múa rồng huyện Thanh Trì

Đi khắp các vùng nông thôn mới của Thủ đô hôm nay, có thể tìm thấy nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống còn được gìn giữ, phát huy và được coi là giá trị tinh thần của mỗi người dân nông thôn. Trong quá trình nông thôn đổi mới, văn hóa truyền thống chính là bản sắc vùng miền được giữ gìn, phát huy trên nền tảng nông thôn mới. Ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương thì cách mà mỗi người dân ứng xử với văn hóa chính là nền tảng vững chắc để nền văn hóa bản sắc ấy được gìn giữ, trường tồn.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh, từ những vùng quê nghèo khó, nhờ sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân đã góp phần tạo dựng nên những miền quê giàu đẹp, đáng sống. Sự đổi thay, tiến bộ không chỉ ở những thứ hiện hữu của vùng quê mà xuất phát từ trong nếp nghĩ đến cách làm của mỗi người.

Tuy rằng ở đâu cũng sẽ có mặt trái, có sự suy thoái đạo đức, ảnh hưởng từ kinh tế thị trường, văn hóa du nhập… nhưng cách mà mỗi con người ứng xử với văn hóa, với môi trường và ứng xử với nhau không đến mức “suy thoái” như nhiều người nhấn mạnh. Có lẽ bởi vì những việc làm tốt đẹp lại không “đánh tiếng” xa gần, nhưng nó vẫn cứ âm thầm phát triển, tồn tại trong ý thức của mỗi cộng đồng, mỗi người dân.

Bài 2: Giữ hồn văn hóa khi “phố tiến về làng”

Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh: “Chúng ta nên tự hào vì Hà Nội hôm nay tuy “bê tông hóa” nhưng vẫn không “xóa sổ” cây đa, giếng nước, sân đình; không “xóa sổ” sự quan tâm, tương trợ lẫn nhau; không làm ngơ trước những khó khăn, nỗi đau của cộng đồng. Sự mai một là không tránh khỏi, nhưng trên nền tảng nông thôn mới, bản sắc văn hóa vẫn đang từng ngày được bảo tồn, xây dựng vững chắc”.

Bảo Thoa / laodongthudo.vn