Giữ “hồn” xuân giữa lòng Hà Nội

Trong những ngày Tết Nguyên đán rộn rã niềm vui chào đón năm mới, nhiều người Hà Nội đã chọn cho mình trang phục áo dài truyền thống để đi lễ chùa, chúc Tết hoặc xuống phố du xuân, chụp ảnh lưu niệm. Áo dài Tết thể hiện sự thuần khiết, gần gũi, tưởng như đơn giản nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa.

Diện áo dài đón Tết

Thói quen “mặc đẹp đón Tết” cũng dần trở thành một trong những nét đẹp truyền thống của người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng. Bởi người ta cho rằng, một cái Tết no đủ, ấm áp và đẹp đẽ trong những bộ quần áo mới sẽ mang đến cho mỗi người sự may mắn và sung túc hơn. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thời trang đắt tiền và sành điệu, tuy nhiên nhiều chị em phụ nữ vẫn chọn mặc áo dài đón Tết.

Giữ “hồn” xuân giữa lòng Hà Nội
Những ngày cuối năm, cửa hiệu may áo dài Vinh Trạch lại đông khách hơn ngày thường.

Áo dài vẫn khẳng định được vị trí của mình trong dòng chảy lịch sử: Đánh thức và tôn vinh giá trị văn hóa Việt. Bên cạnh đó, mặc áo dài Tết còn là sự thể hiện niềm tự hào dành cho văn hóa và thẩm mỹ của người Việt. Từ truyền thống đến cách tân, chiếc áo dài xuất hiện khắp mọi nơi, trở thành một phần không thể thiếu của ngày Tết hiện đại, góp phần làm nên cái không khí trọn vẹn ngày đầu năm mới.

Không khó để nhận ra, những năm trở lại đây, ngay từ sáng mùng 1 Tết, các chị em đã nô nức, xúng xính diện áo dài du xuân. Dù xu hướng mỗi năm mỗi khác, song tà áo dài duyên dáng thướt tha vẫn là hình ảnh dễ thấy trong những ngày đầu năm. Bà Hồ Thị Minh Tâm (Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bà vẫn thường mặc áo dài trong các hoạt động biểu diễn văn nghệ hay các dịp lễ quan trọng của quận, của Thành phố. Đặc biệt, vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, bà cũng đều mặc áo dài để đi chúc Tết, chụp ảnh lưu niệm. Năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thế nhưng bà Tâm vẫn chuẩn bị cho mình 1 bộ áo dài đón Tết. Bà chọn áo dài màu sáng với mong muốn năm mới nhiều niềm vui, may mắn, cũng như ước nguyện cho quê hương sẽ vượt qua những khó khăn, chiến thắng đại dịch Covid-19 và đón chào một năm mới an lành, hạnh phúc.

Qua thời gian, tuy đã có nhiều thay đổi về chất liệu vải, một vài chi tiết trong mốt áo nhưng chiếc áo dài truyền thống với hình thức cơ bản nhất vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Trong các dịp lễ cưới, nhiều gia đình người Hà Nội nói riêng và các nơi nói chung vẫn giữ được nét đẹp mặc áo dài truyền thống để làm lễ trước bàn thờ ông bà, ra mắt hai họ. Đặc biệt, những ngày Tết, hình ảnh những người phụ nữ diện áo dài đi chúc Tết, đi lễ chùa là một hình ảnh không thể thiếu của Hà Nội.

Cũng như bà Tâm, chị Nguyễn Thị Huệ (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) rất thích mặc áo dài. Chị Huệ cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán, chị thường chọn mặc những chiếc áo dài, có năm là áo dài truyền thống, có năm là áo dài cách tân trẻ trung, tươi tắn để chào đón một năm mới với nhiều điều may mắn, vui tươi. “Sở dĩ chiếc áo dài là trang phục được nhiều người lựa chọn mặc vào những dịp Tết vì đây là quốc phục mang nét truyền thống văn hóa, tôn vinh vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Trong những ngày xuân, hình ảnh những chiếc áo dài thướt tha, nhiều màu sắc đã tạo nên nét đẹp văn hóa cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc, đẹp mãi với thời gian”, chị Huệ bày tỏ.

Lưu giữ qua thời gian

Trên thực tế, nét đẹp mặc áo dài ngày Tết đã có từ rất lâu đời ở Hà Nội. Ông Nguyễn Thái An (số 72 Hàng Đào, Hoàn Kiếm) từng chia sẻ, ngay từ khi còn bé, ông đã thấy mẹ (chị em ông thường gọi là mợ), các dì mặc áo dài. Ông cho biết: “Dạo đó, người phụ nữ Hà Nội là vậy, đi phố, hay đi chợ, hễ ra đường là phải mặc áo dài, vấn khăn, hoặc búi tóc. Tuy nhiên, những dịp lễ, Tết thì phụ nữ Hà Nội thường diện những bộ áo dài đẹp nhất, tinh xảo nhất”.

Trong ký ức của nhiều người Hà Nội, nhắc đến áo dài đón Tết thì không thể không nhắc tới những chiếc áo dài được cắt may từ cửa hiệu may Vinh Trạch (số 23 Lương Văn Can, Hoàn Kiếm) đã gắn với những kỷ niệm đặc biệt trong đời như đám cưới, đám hỏi và các dịp lễ, Tết quan trọng khác. Bà Lê Thị Quyến (chủ cửa hiệu Vinh Trạch) cho biết, trước đây phụ nữ hay mặc áo dài hơn bây giờ. Kể cả người đi bán trứng, bán hoa, bán rau cũng mặc áo dài. Tuy nhiên những người này thường mặc tông màu nâu và được buộc vạt phía trước. Phần sau áo được chia thành 4 phần rõ nét nhưng tông màu chỉ có phần hơi khác biệt về độ đậm nhạt mà không màu sắc như bây giờ. Còn những người đi làm và giới tiểu thư khuê các thì thường mặc áo dài cổ cao, liền vai. Qua thời gian, kiểu dáng của áo dài cũng có sự thay đổi.

Giữ “hồn” xuân giữa lòng Hà Nội
Áo dài là một nét đẹp không thể thiếu của người Hà Nội.

Bây giờ tuy đã có tuổi, nhưng ngày nào bà Quyến cũng một mình đứng cắt may cho khách. Thậm chí, chỉ cần nhìn dáng người, bà cũng biết nên may áo theo kiểu gì, ước chừng được số đo bao nhiêu, dài rộng ra sao. Vào những ngày cận Tết Nguyên đán, cửa hiệu của bà thường đông khách hơn rất nhiều. Họ chủ yếu là những khách quen đã may ở đây nhiều năm, mặc dù may ở nhiều dịp nhưng năm nào cũng đặt một bộ riêng để diện đúng dịp Tết Nguyên đán. Những bộ áo dài được đặt may để diện cho Tết thường được khách chọn với kiểu dáng tinh xảo hơn, màu sắc tươi sáng hơn. Bà tâm sự: “Đối với tôi may áo dài không chỉ đơn giản là cái nghề mưu sinh, mà còn là đam mê, là cái nghiệp trời ban từ thế hệ này qua thế hệ khác của gia đình”.

Tương tự, ông Lê Văn Hào (tiệm may Mỹ Hào, số 82 Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm) cũng đã gắn bó cả đời với nghề may áo dài. Ông Hào không thể nhớ nổi trong cuộc đời làm thợ từng cắt may bao nhiêu chiếc áo dài, áo kép, áo cánh, áo bông cho người Hà Nội. Và không chỉ người Hà Nội, mà nhiều người ở xa cũng tìm đến. Ông có bí quyết nhìn người mà áng cỡ dáng áo. Người vai xuôi may khác kiểu người vai ngang, người béo mập may khác kiểu người gầy mảnh. Bởi vậy, phần nách áo – nơi khó nhất, vẫn thường vừa sát thân hình người khách, không mấy khi bị lệch, rúm ró.

Đến nay, các con trai gái, dâu rể gia đình ông Hào cũng đang tiếp nối sự nghiệp gia đình bằng những bí quyết cắt may do ông truyền lại, với những cửa hiệu như: Hiệu may Mỹ Sơn ở nhà số 92 phố Cầu Gỗ do người con trai út gây dựng, hiệu Mỹ Nga ở phố Nghĩa Dũng là của người con gái. Những cửa hiệu này đều rất đắt khách mỗi dịp Tết Nguyên đán. Các cháu nội ngoại hoặc họ hàng xa, dễ cũng hàng chục người nữa, đều được ông truyền nghề đi lập nghiệp đó đây. /.

Kim Tiến
https://laodongthudo.vn/giu-hon-xuan-giua-long-ha-noi-135019.html