Không ngừng đổi mới, vươn xa
Tuy không phải cái nôi sơn mài Việt Nam nhưng nhắc đến Hạ Thái, nhiều người biết ngay đây là làng nghề sơn mài lâu đời nhất Thủ đô cũng như cả nước. Qua hai bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng bằng sơn mài được thờ trong đình làng Hạ Thái, nghề sơn mài được xác định có ở đây từ thế kỷ XVII.
Thời kỳ đầu, các sản phẩm sơn mài của người dân Hạ Thái chủ yếu là hoành phi câu đối và các vật dụng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của gia đình quyền quý như tráp, khay, đĩa… Đến thế kỷ XX, các nghệ nhân đã nghiên cứu, cải tiến chất liệu từ quang dầu thành sơn mài, rồi sơn mài phát triển trên tre, gỗ, giấy bồi (sơn mài vẽ), tiếp đến là sơn mài khảm, đồ nét, khắc, sơn mài đắp trên vỏ trứng, nhựa. Đời sống ngày một phát triển, làng nghề đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào việc pha chế, thay đổi công đoạn phủ sơn. Mỗi sản phẩm có khi đến 15 – 16 lớp sơn để bảo chất lượng bóng, bền, đẹp.
Trong các sản phẩm sơn mài làng nghề Hạ Thái toát lên nét đẹp con người Việt Nam, đó là sự tỉ mỉ, cần cù, sáng tạo. Để làm ra một sản phẩm, các nghệ nhân phải thực hiện 20 công đoạn (bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng là công đoạn chính), kỳ công, nâng lên đặt xuống rất nhiều lần, có khi phải mất cả tháng. Các công đoạn đều làm bằng tay, nghệ nhân phải rất chăm chút và phải phối hợp từ chi tiết nhỏ nhất. Ngoài trình độ kỹ thuật, nghệ nhân tại Hạ Thái còn phải có cả kiến thức về hội họa mới có thể tạo ra một sản phẩm sơn mài đạt “chuẩn”.
Đến làng nghề sơn mài Hạ Thái lúc này, không khó để nhận ra “lửa nghề” vẫn rực cháy ở mảnh đất này. Chủ tịch Hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái – nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi với 50 năm trong nghề, chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội: Địa phương hiện có 300 hộ với khoảng 1.000 lao động đang làm nghề sơn mài. Nghệ nhân lâu năm hầu hết ở tuổi xưa nay hiếm và chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, tuy nhiên Hạ Thái có lớp người kế cận đông đảo trong độ tuổi từ 30 – 50. Thu nhập của một lao động làm nghề sơn mài tại địa phương khoảng 5 triệu đồng/tháng, hoặc sẽ cao hơn nếu có nhiều đơn đặt hàng.
Trải qua trăm năm suy thịnh nhưng “chất” trong các sản phẩm sơn mài Hạ Thái vẫn được bảo tồn, lưu giữ và người làm nghề cũng không ngừng sáng tạo để làm ra những sản phẩm mới. Cùng các sản phẩm truyền thống, người dân trong làng tạo ra những bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm, lục bình; đồ sơn son, thếp vàng, đồ thờ cúng phục vụ nhu cầu tâm linh. Điều làm nên thương hiệu của làng nghề sơn mài Hạ Thái là sản phẩm đều lấy cảm hứng từ thiên nhiên, nguyên liệu mộc mạc như gỗ, tre, nứa, sau này có thêm composite, gốm sứ.
Đặt chân đến làng nghề Hạ Thái, vào tham quan các hộ gia đình, cơ sở làm sản xuất kinh doanh sản phẩm sơn mài ở Hạ Thái, dễ dàng nhận thấy sản phẩm tại đây rất đa dạng. Đáng nói hơn, bản sắc văn hóa Việt được thể hiện trên mỗi sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái, đó có thể là hình ảnh cây đa bến nước, Chùa Một Cột, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cầu Thê Húc, Vịnh Hạ Long, hoa sen, phiên chợ quê xưa, cậu bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo, con đò lá trúc…
Chiêm ngưỡng các sản phẩm trưng bày tại tư gia nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi, có thể nhận thấy nét nghệ thuật độc đáo, sự tinh xảo, chi tiết, mang đậm dấu ấn cá nhân qua bức tranh mẹ địu con, bộ bình phong sơn mài hoa sen, lọ ly cốt gốm, đĩa lục giác trang trí hoa đào, tranh hoa sen gắn trứng, lọ hoa sơn mài cốt gốm giọt nước, tranh sơn mài Tùng Hạc. Tất cả gây ấn tượng với người xem bởi nét vẽ điêu luyện và màu sắc hài hòa trên từng sản phẩm.
Nét độc đáo trong các sản phẩm của làng nghề Hạ Thái là bóng, bền, đẹp. Theo đơn đặt hàng, sản phẩm sơn mài làng nghề những năm qua đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Anh, Nga, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Italia, Hàn Quốc… Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi cho biết thêm, các sản phẩm sơn mài của làng nghề khi đến thị trường quốc tế luôn được khách hàng ưa chuộng, đánh giá cao cả về tính thẩm mỹ, độ bền.
Điểm đến du lịch cần được “đánh thức”
Ngoài việc người dân đang giữ nghề và sống được bằng nghề truyền thống, Hạ Thái được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm – cộng đồng. Vì thế cuối năm 2020, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định công nhận làng nghề sơn mài Hạ Thái là điểm du lịch của Thủ đô. Đây được xem là cơ hội để làng nghề sơn mài Hạ Thái quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, mở ra cơ hội để làng nghề phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Trước khi được công nhận điểm du lịch của Thành phố Hà Nội, làng nghề sơn mài Hạ Thái thu hút nhiều du khách, trong đó có nhiều khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm làm sản phẩm ngay tại các hộ gia đình. Nhưng 2 năm do dịch Covid-19 và sau đó, lượng khách tới làng nghề giảm dần.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay vẫn có nhiều đoàn khách tới trải nghiệm du lịch tại làng nghề. Song nhìn chung, hoạt động du lịch tại đây chưa phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế vì nhiều lý do. Hiện làng nghề chưa có phòng trưng bày sản phẩm tập trung, các dịch vụ đi kèm, khu vực vệ sinh công cộng. Các gia đình làm nghề có tủ trưng bày sản phẩm song diện tích rất nhỏ, vì thế số lượng sản phẩm trưng bày không nhiều, thiếu đa dạng. Điều này cũng là tác nhân làm du khách đến làng nghề sơn mài Hạ Thái tham quan “lướt qua” rồi ra về chứ không ở lại lâu.
“Giá mà có bãi đỗ xe rộng rãi, khu vệ sinh công cộng, nhà trưng bày sản phẩm, các ki ốt bán sản phẩm đặc trưng, khu vực cho khách du lịch ăn uống, mua sắm và tìm hiểu về văn hóa của làng nghề thì du lịch trải nghiệm – cộng đồng làng nghề Hạ Thái sẽ hấp dẫn, thu hút được du khách nhiều hơn. Có nhiều khách du lịch thì người lao động, người dân tại làng nghề thêm việc làm, tăng thêm thu nhập”- nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi, chia sẻ./.
Hải Kiên
https://nguoihanoi.com.vn/giu-lua-nang-tam-nghe-son-mai-truyen-thong-73946.html