“Giữ lửa” văn hóa đọc trên địa bàn Thủ đô

Nhằm phát triển văn hóa đọc, góp phần lan tỏa phong trào đọc sách đến cộng đồng, các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả tích cực trong việc khơi dậy niềm đam mê, hình thành thói quen đọc sách

Hiệu quả từ trong trường học

Có mặt tại lễ phát động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam vào cuối tháng 4/2021 của quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), sau khi xem xong tiết mục sân khấu hóa từ cuốn sách “Chị Võ Thị Sáu”, em Đỗ Đức Việt Hưng (lớp 4A4 trường Tiểu học Mỹ Đình 1) tỏ ra vô cùng xúc động. Hưng cho biết, trước đó, tại thư viện của trường, em đã được đọc cuốn sách viết về tấm gương của chị Võ Thị Sáu hi sinh hết mình vì Tổ quốc và cảm thấy vô cùng hữu ích. “Em thấy việc đọc sách vô cùng thú vị, qua những trang sách, em có thể noi gương và học theo nhiều tấm gương sáng trong cuộc sống”, Hưng chia sẻ.

“Giữ lửa” văn hóa đọc trên địa bàn Thủ đô
Nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy văn hóa đọc được triển khai tại trường Tiểu học Mỹ Đình 1. Ảnh: K.Tiến

Bùi Nguyễn Hà Linh (lớp 4A4, trường Tiểu học Mỹ Đình 1) cũng hào hứng cho biết: “Khi em đọc sách, em có thể mở rộng tâm trí của mình và biết được nhiều thứ như lịch sử, khoa học, đọc về cách lập trình… Mặc dù hiện nay có rất nhiều các thú vui khác như máy tính, điện thoại, ti vi nhưng em vẫn sẽ dành thời gian lớn hơn để đọc sách. Việc hình thành thói quen đọc sách vô cùng quan trọng, giúp cho kiến thức thấm sâu vào đầu mình và có những cách hành xử tốt hơn trong cuộc sống”.

Xác định khơi dậy và bồi đắp niềm ham thích đọc sách cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, trường Tiểu học Mỹ Đình 1 đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong hoạt động của thư viện trường. Hiện nay, trong thư viện có hàng nghìn đầu sách bao gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu dành cho giáo viên và học sinh, truyện thiếu nhi… Để nâng cao văn hóa đọc, nhà trường đã quan tâm đổi mới các hoạt động của thư viện, trang trí, bố trí sách khoa học, bắt mắt; phân công lịch đọc cho các lớp; giao giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm chính trong việc định hướng, hướng dẫn các em đọc sách nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn sách, truyện.

Cô giáo Đào Thị Thanh Huyền – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Mỹ Đình 1 cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo công tác thư viện sát sao, bổ sung tất cả các đầu sách cần thiết phục vụ giảng dạy, công tác giáo dục cũng như phát triển kĩ năng sống. Một trong những hoạt động lớn nhất hàng năm là tổ chức ngày hội đọc sách. Trong ngày hội đọc sách, học sinh được thể hiện hết khả năng của mình. Ví dụ, sân khấu hóa các tiết mục văn nghệ, các khối trưng bày gian sách. Bên cạnh thư viện chung, nhà trường còn xây dựng thư viện mở, tức là bất cứ lúc nào có nhu cầu, học sinh cũng có thể đọc sách ngay tại thời điểm đó.

“Để thể hiện vai trò và trách nhiệm của nhà trường trong việc nâng cao văn hóa đọc sách, trường luôn tổ chức nhiều hoạt động phong phú. Quan trọng hơn là chúng tôi có những việc làm cụ thể để các con không chỉ biết về cuốn sách mà còn có thể chạm tay vào cuốn sách, mở từng cuốn sách ra. Theo đó, trong thời khóa biểu, nhà trường đã đưa đọc sách vào như một hoạt động chính khóa. Ngoài các tiết học được phân phối theo chương trình, trường cũng đã dành riêng tiết đọc sách, có giáo viên phụ trách ở thư viện sẵn sàng hỗ trợ học sinh, để việc đọc sách cũng như việc đi học hằng ngày”, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Mỹ Đình 1 chia sẻ.

Không chỉ tại trường Tiểu học Mỹ Đình 1, những năm gần đây, các trường học trên địa bàn Hà Nội cũng đã quan tâm nhiều hơn đến việc hình thành thói quen đọc sách cho học sinh. Trong đó, nhiều trường đã đầu tư không gian tại thư viện trường, xây dựng các câu lạc bộ về sách, tổ chức các cuộc thi, chương trình về sách mang lại hiệu quả tích cực trong việc giúp học sinh khơi dậy niềm đam mê, hình thành thói quen đọc sách. Các trường chú trọng đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống thư viện phù hợp với hoạt động của học sinh. Các chủng loại như sách truyện, sách tham khảo và sách bổ trợ các kỹ năng cho học sinh cũng được nhiều nhà trường quan tâm đầu tư.

Việc phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với học sinh. Tuy nhiên, để phát triển, nâng cao văn hóa đọc hơn nữa, ngoài sự quan tâm đầu tư của các trường học rất cần có sự chung tay đóng góp của cộng đồng và phụ huynh. Từ đó, đưa các thư viện, câu lạc bộ sách vào hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều học sinh đến đọc sách, báo, phát huy hiệu quả công tác dạy và học trong các nhà trường.

Lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng

Ngay tại các khu dân cư trên địa bàn Hà Nội, việc đẩy mạnh văn hóa đọc cũng đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Minh chứng rõ nét là tại Tổ dân phố 17, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) gần 20 năm nay đã xây dựng được mô hình “Cầu thang văn hóa”. Nhiều người có cảm giác như bước vào một thư viện thu nhỏ với đủ loại sách, báo được bày biện ngăn nắp cùng bảng thông tin, bàn ghế được treo, đặt gọn gàng. Những năm qua, nơi đây là điểm sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, không chỉ thu hút người cao tuổi, mà cả những người trẻ cũng tìm đến vui chơi sau giờ học, giờ làm, góp phần nâng cao, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Hay tại số 66 phố Chùa Láng (Hà Nội) có một thư viện sách vô cùng đặc biệt. Ở đây, người đến không chỉ được đọc sách miễn phí mà ngay cả đồ uống, quạt mát và bánh kẹo cũng không phải trả tiền. Được thiết kế và mở cửa phục vụ từ tháng 9/2019, thư viện có diện tích gần 40m2 và hoạt động trong khung giờ từ 9h sáng đến 21h tối. Thư viện thu hút hàng chục bạn đọc ghé thăm mỗi ngày. Tại đây có rất nhiều đầu sách khác nhau thuộc đủ thể loại: ngoại ngữ, kinh doanh, y học, công nghệ, du lịch, văn hóa… Mỗi đầu sách được xếp ngăn nắp theo khu vực riêng để bạn đọc có thể dễ dàng tìm kiếm. Thư viện miễn phí được thành lập với mục đích lan tỏa tinh thần đọc sách đến mọi người, nhất là các bạn sinh viên và những người có hoàn cảnh khó khăn.

Có thể thấy, những năm qua, triển khai Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm và hiệu quả các kế hoạch triển khai. Trong hơn 3 năm qua, công tác tuyên truyền phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được đẩy mạnh. Các đơn vị truyền thông trên địa bàn tích cực tuyên truyền, giới thiệu về vai trò của văn hóa đọc trong cộng đồng, tác động tích cực đến người dân.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội vẫn duy trì, phát triển mạng lưới thư viện, tăng cường hoạt động luân chuyển sách, báo đến cơ sở, phục vụ sách lưu động tại các điểm trường, chú trọng tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tích cực cực tổ chức các hoạt động hiệu quả, như: Hội sách Hà Nội, Phố sách xuân dịp Tết Nguyên đán, Hội sách thiếu nhi, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô” và nhiều hoạt động ý nghĩa tại Phố sách Hà Nội, thu hút người dân tham gia tiếp cận tri thức. Nhiều hoạt động xã hội hóa, hợp tác quốc tế thực hiện hiệu quả, góp phần phát triển nguồn tài liệu, không gian đọc cho người dân, đa dạng và hiện đại các loại hình dịch vụ dành cho bạn đọc. /.

Kim Tiến/laodongthudo.vn