Giữ mãi ngọn lửa nghề

Định hướng phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 – 2030 được Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài”. Ở Thủ đô Hà Nội, mỗi nhà giáo, bằng những cách khác nhau, đã và đang tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục bằng sự tận tâm, tận lực và trách nhiệm.

Với kinh nghiệm 25 năm đứng lớp, cô giáo Phan Thị Thục Hạnh – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở (THCS) Phương Mai, quận Đống Đa hiểu rằng, tạo nên một nền tảng kiến thức đã khó, để các em yêu mến, gắn bó và “mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc” còn khó hơn rất nhiều. Vì thế, những năm gần đây, cô đã cùng các đồng nghiệp bắt tay vào hành trình xây dựng Trường THCS Phương Mai trở thành “Ngôi trường hạnh phúc”…

Ngay từ khi còn trực tiếp đứng trên bục giảng, làm công tác giảng dạy, cô Phan Thị Thục Hạnh luôn quan niệm: “Trước khi chạm đến trí óc hãy chạm đến trái tim”. Có lẽ, do xuất phát điểm từng giảng dạy môn ngữ văn mà ngoài công tác chuyên môn, cô còn rất quan tâm và trăn trở đến suy nghĩ, tình cảm của học trò, đặc biệt đối với các em ở lứa tuổi mới lớn.

Giữ mãi ngọn lửa nghề
Cô giáo Phan Thị Thục Hạnh tại lễ khai giảng năm học 2023 – 2024.

Chia sẻ về hành trình xây dựng Trường THCS Phương Mai trở thành “Ngôi trường hạnh phúc” – nơi ươm mầm những tài năng, cô Hạnh kể: Được thành lập từ năm 1988, Trường THCS Phương Mai là ngôi trường lâu năm, có truyền thống của ngành giáo dục và đào tạo quận Đống Đa và thành phố Hà Nội. Trải qua nhiều năm trưởng thành và phát triển, các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã kế tiếp nhau xây dựng nhà trường…

Câu chuyện tưởng chừng đơn giản, song, để có diện mạo “Ngôi trường hạnh phúc” như ngày hôm nay lại là chặng đường dài, nhiều khó khăn, trở ngại và thậm chí nhiều thử thách, nhất là đoạn đường nước rút trong 2 năm trở lại đây. Mặc dù không còn trực tiếp làm công tác chuyên môn nhưng với kinh nghiệm 25 năm đứng lớp, cô hiểu rằng, tạo nên một nền tảng kiến thức đã khó, để các em yêu mến, gắn bó và “mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc” còn khó hơn rất nhiều.

Theo cô Hạnh, khác với cấp Tiểu học, cấp THCS ở độ tuổi các em chập chững trưởng thành. Tiếp cận với các em trong giai đoạn này thực sự không hề dễ hàng. Vì vậy mà ngoài góc học tập, thì một không gian “riêng” là điều cần thiết đối với các em. “Phòng tư vấn tâm lý học đường” của nhà trường ra đời từ lý do đó.

Cô Hạnh cho biết, một nguyên tắc được nhà trường đặt ra với căn phòng “đặc biệt” này là “Lắng nghe – Tôn trọng – Thấu hiểu – Tin tưởng”. Các giáo viên phụ trách công tác này được nhà trường cử đi tập huấn, học tập để trang bị đủ kiến thức giúp học sinh vượt qua những vấn đề tâm lý học đường.

Không chỉ chú trọng đến tâm lý học đường, với cương vị là người đứng đầu nhà trường, cô Hạnh còn rất quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Giữ mãi ngọn lửa nghề
Cô giáo Phan Thị Thục Hạnh và các em học sinh tại Ngày sách và văn hóa đọc do nhà trường tổ chức.

“Ngôi trường hạnh phúc” THCS Phương Mai vẫn đang trên con đường hoàn thiện, song, đối với cô Phan Thị Thục Hạnh để ngôi trường ấy tiếp tục phát triển thì không thể không nhắc đến một tập thể cán bộ, giáo viên đoàn kết, luôn chung sức, đồng lòng chở các thế hệ học trò đến bến bờ tri thức. Theo cô Hạnh: “Giáo viên hạnh phúc tạo nên những học sinh hạnh phúc”. Cô luôn tạo điều kiện với tấm lòng của người chị trong gia đình để giáo viên của mình phát huy hết năng lực, dồn tâm, dồn sức với các em học sinh.

Hay chính cô Hạnh, mặc dù ở cương vị Hiệu trưởng nhưng vẫn tham gia công tác đào tạo đội tuyển học sinh giỏi. Chính tình yêu nghề, yêu trò mà cô cố gắng song hành 2 nhiệm vụ quản lý và giảng dạy. Cô Hạnh quan điểm: Nếu có cơ hội, cô sẵn sàng tham gia trên mọi hành trình của học sinh dù đó là xây dựng kiến thức hay xây dựng niềm tin. Đó là điều kiện để làm nên thương hiệu một “Ngôi trường hạnh phúc” THCS Phương Mai trong suốt thời gian qua.

Tại Trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy trong những năm qua cũng đã ghi nhận rất nhiều thành tích của cô giáo Chu Thị Thanh Hiền. Ngày 15/11 vừa qua, Lễ tuyên dương Điển hình tiên tiến, Nhà giáo tiêu biểu ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội năm 2023 đã được tổ chức long trọng tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Tại buổi lễ, Trường THCS Cầu Giấy vinh dự khi có ba cô giáo được vinh danh.

Trong đó, cô giáo Chu Thị Thanh Hiền – Tổ trưởng Tổ Văn được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Đây chính là phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước cho những đóng góp thầm lặng, ý nghĩa của các cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục.

Giữ mãi ngọn lửa nghề
Cô giáo Chu Thị Thanh Hiền vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Cô giáo Chu Thị Thanh Hiền đã đại diện cho hơn 123 nghìn giáo viên, nhân viên và người lao động Thủ đô phát biểu tại buổi lễ. Cô bày tỏ niềm tự hào, biết ơn và hạnh phúc khi được đón nhận giải thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Nhì do Đảng và Nhà nước trao tặng, đồng thời khẳng định sẽ luôn tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho sự phát triển của nền giáo dục Thủ đô.

Đối với cô giáo Chu Thị Thanh Hiền, sự nghiệp trồng người chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Những yêu cầu của xã hội, sự đòi hỏi của phụ huynh và mong muốn của học sinh luôn thử thách bản lĩnh và tâm huyết của người thầy. Khi đã chọn nghề dạy học, các thầy, cô cần sự tự trọng và danh dự nghề nghiệp để giữ tâm sáng, chí bền; để vượt lên những vất vả, lo toan, những áp lực, khó khăn, thử thách; để yêu nghề, say nghề và hạnh phúc với nghề.

“Chúng tôi tìm niềm vui trong ánh mắt học trò, chắt chiu từng niềm hạnh phúc nhỏ bé trong mỗi ngày tới trường, niềm hạnh phúc khi thấy học trò ngày hôm nay tiến bộ hơn so với ngày hôm qua, niềm hạnh phúc khi thấy những thế hệ học sinh trưởng thành, trở thành những con người tử tế, có những cống hiến và tỏa sáng trong cuộc đời theo cách riêng của mỗi em”, cô Chu Thị Thanh Hiền tâm sự.

Giữ mãi ngọn lửa nghề
Cô giáo Nguyễn Thu Hà tham gia hoạt động cùng các em học sinh trong Ngày hội STEM năm học 2023 – 2024.

Còn theo cô giáo Nguyễn Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), hầu hết thầy, cô giáo đến với nghề bởi đam mê và khát vọng cống hiến. Chọn đến với nghề đã khó, để gắn bó thủy chung và giữ được lửa nghề lại còn khó hơn.

“Là cán bộ quản lý, chúng tôi rất trân trọng và biết ơn những thầy, cô giáo không quản vất vả, khó khăn, thậm chí sẵn sàng hy sinh để sống và cống hiến cho giáo dục, vì sự đam mê, tâm huyết, vì ý thức được sứ mệnh cao cả và đáng tự hào của nhà giáo”, cô Nguyễn Thu Hà bộc bạch.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học, nhận thức được ý nghĩa và sứ mệnh của nghề nghiệp, bằng một tình yêu lớn với nghề, với trò, cô Nguyễn Thu Hà luôn tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng từng ngày, đem trí tuệ và yêu thương, tâm huyết và sáng tạo của mình gửi vào từng việc nhỏ để mang lại những giá trị tích cực nhất cho học sinh, để vững vàng bước tiếp trên hành trình đầy khó khăn nhưng cũng đầy hạnh phúc và tự hào mà cô đã chọn.

Điều cô luôn tâm niệm để sống và cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” là: “Không phải ta đã làm bao nhiêu, mà bao nhiêu yêu thương và tâm huyết ta đã thể hiện trong hành động ấy; không phải ta đã trao đi bao nhiêu, mà bao nhiêu yêu thương ta đã gửi vào việc trao đi ấy”.

Cô Nguyễn Thu Hà cũng chia sẻ: “Với vai trò đặc biệt của mình, ngành giáo dục luôn đứng trước những kỳ vọng của toàn xã hội. Những kỳ vọng ấy xuất phát từ những mục đích và mong ước về một nền giáo dục phát triển, tiến bộ. Song trong cuộc sống, đôi lúc xảy ra những việc không như mong muốn. Những lúc đó, không phải chỉ những người thầy, những cán bộ quản lý hay ngành giáo dục, mà cả xã hội cần cùng nhìn lại để chung tay tháo gỡ. Như thế, niềm tin sẽ được củng cố và những nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm sẽ không tắt lửa nghề. Từ đó, những bài học quý, những việc làm hay, những hình ảnh tích cực, những tấm gương điển hình sẽ có cơ hội được nhân rộng và lan tỏa”.

Hà Phong – Công Phương