Theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Ủy viên Thường vụ Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn, trong quá trình phát triển, bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên bị chiếm dụng, thì nhiều kiến trúc, cảnh quan, di sản văn hóa làng quê đã bị mai một.
Quá trình đô thị hóa đang làm mai một đi nhiều di sản, bản sắc kiến trúc, cảnh quan hiện có. |
Nhiều làng, xã trở thành “phố làng”, nhiều khu đô thị thu nhỏ trong lòng nông thôn khiến nhiều nơi bị đô thị hóa một cách khiên cưỡng. Cùng đó, ô nhiễm môi trường, không gian cảnh quan tự nhiên bị xâm lấn, nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ thất truyền, nhiều di sản du lịch bị bỏ quên… Do đó, cần dự báo trước sự phát triển để đưa ra các giải pháp quy hoạch và định hướng cho việc tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, tránh làm mất đi giá trị di sản, bản sắc kiến trúc, cảnh quan hiện có, kế thừa và phát huy hiệu quả giá trị bản sắc đó.
Chia sẻ một số tồn tại, thách thức trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại huyện ven đô Hà Nội, Thạc sĩ kiến trúc Triệu Đình Hiệp, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì, cho biết, công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Quy hoạch chi tiết còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển và quản lý đô thị. Công tác quản lý xây dựng đô thị vẫn chưa làm chủ được tình hình phát triển đô thị; còn tình trạng xây dựng lộn xộn, phá vỡ văn hóa làng xã nông thôn do đô thị hóa…
Về góc độ quy hoạch, KTS Lã Hồng Sơn – Phó trưởng Phòng kiến trúc II (Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội), cho rằng, thực tiễn 10 năm thực hiện cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và thực hiện Chương trình số 02-Ctr/TU, Thành ủy và Ủy ban nhân dan Thành phố đã quan tâm chỉ đạo các huyện tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng huyện, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và triển khai quy hoạch chi tiết trung tâm xã và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ 1/500 với 727 đồ án.
Các quy hoạch xây dựng này đều đã xác định cụ thể về tổ chức không gian khu chức năng để phục vụ yêu cầu quản lý, song trên thực tiễn vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập. Cụ thể, công tác quy hoạch xây dựng tại 17 huyện của thành phố còn dàn trải. Đối với địa phương nằm trong khu vực dự kiến phát triển đô thị và có tốc độ đô thị hóa cao là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức chưa có các giải pháp hợp lý về xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa. Tổ chức bộ máy quản lý quy hoạch xây dựng tại các huyện chưa được quan tâm đúng mức.
Về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nhất là mạng lưới đường trong các khu dân cư làng xóm trong quá trình đô thị hóa nhanh được xây dựng một cách tùy tiện, thiếu tính khoa học và thực tiễn. Nơi cần đường tại các làng xóm đô thị hóa thì thiếu, nơi cần tiết kiệm đất xây dựng như tại khu vực phát triển mới phía Đông vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng thì mật độ đường lại quá cao và hiệu quả sử dụng đất thấp.
Cũng đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn nêu ý kiến, khu vực ngoại thành Hà Nội tuy chiếm tới 70% diện tích Thủ đô song không phải là một thể thống nhất mà có nhiều phân khu khác nhau với những đặc tính, điều kiện tự nhiên khác nhau: Đồng bằng, trung du, miền núi. Do đó, cần xem xét các tiêu chí, giải pháp áp dụng chi tiết cho từng khu vực. Trong đó, có thể phân thành 2 khu vực lớn là khu vực ngoại thành quá độ trong 10-15 năm nữa thành đô thị và khu vực ngoại thành ổn định theo quy hoạch chung. Từ đó, chú trọng các giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan đối với từng vùng…
Từ giải pháp đến thực tế
Theo các chuyên gia, việc đánh giá đúng thực trạng và đưa ra những dự báo trước sẽ góp phần đưa ra các giải pháp và định hướng đúng. Việc này nhằm để tránh mất đi những giá trị di sản, bản sắc kiến trúc cảnh quan hiện có, kế thừa và phát huy giá trị bản sắc đó trong cả quá trình phát triển khi xã nông thôn mới trở thành đô thị sau này. Bên cạnh đó còn đề xuất nội dung mới, tham mưu cho các cấp chính quyền Thành phố nghiên cứu hoàn thiện quy định về công tác quản lý quy hoạch và quản lý kiến trúc cảnh quan vùng nông thôn.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn nêu ý kiến, khu vực ngoại thành Hà Nội tuy chiếm tới 70% diện tích Thủ đô song không phải là một thể thống nhất mà có nhiều phân khu khác nhau với những đặc tính, điều kiện tự nhiên khác nhau: Đồng bằng, trung du, miền núi. Do đó, cần xem xét các tiêu chí, giải pháp áp dụng chi tiết cho từng khu vực. Trong đó, có thể phân thành 2 khu vực lớn là khu vực ngoại thành quá độ trong 10-15 năm nữa thành đô thị và khu vực ngoại thành ổn định theo quy hoạch chung. Từ đó, chú trọng các giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan đối với từng vùng… |
Từ cơ sở này, đóng góp về giải pháp quản lý các xã nông thôn mới ven đô, TS. KTS Lê Thị Bích Thuận đã đưa ra khuyến nghị, các làng, xã theo quy hoạch sẽ trở thành quận, phường đang diễn ra quá trình đô thị hoá mạnh mẽ đang quản lý thuần tuý như nông thôn cần có định hướng thay đổi cách quản lý sao cho đáp ứng nhu cầu đô thị hoá trong thời gian gần. Các làng, xã theo quy hoạch không trở thành quận, phường nhưng là vùng hậu phương cung cấp những dịch vụ hậu cần nhất định cho đô thị, những khu vực này chưa biến thành đô thị trong thời gian gần, nhưng cũng không phải là nông thôn thuần tuý mà là một vùng nông thôn nhưng đan xen nhiều dịch vụ cho khu đô thị cần phải có hình thức quản lý đặc thù. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới ở các xã ven đô cần được định hướng rõ ngay từ quá trình quy hoạch, định hướng rõ xã thuần nông nào sẽ trở thành xã ven đô. Hay xã ven đô nào sẽ trở thành phường nhằm tránh bị lúng túng khi phát triển đô thị nóng không kịp với phát triển kinh tế.
Còn theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cần đưa ra các giải pháp đồng bộ. Trước mắt là, cần khai thác tính bản địa, giá trị đặc trưng gắn với yếu tố địa hình, hệ thống thủy văn. Hai là bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan văn hóa, bổ sung những yếu tố cảnh quan mới nhằm đáp ứng nhu cầu và lối sống hiện đại của cư dân. Ba là nâng cao giá trị khu vực sản xuất nông nghiệp thông qua việc khai thác không gian này theo hướng đa chức năng, biến các không gian sản xuất thành những không gian cảnh quan hấp dẫn, từ đó tạo ra những vùng sản xuất kết hợp với phát triển dịch vụ, du lịch mang bản sắc của địa phương.
Rõ ràng, so với các quận hiện nay, các huyện “thuận” hơn khi nhiều nơi vẫn giữ được bản sắc không gian kiến trúc, không gian văn hóa lâu đời vốn có. Do đó, nhiệm vụ hiện nay là cần phải tập trung giữ gìn, phát huy các giá trị bản sắc, tránh bị làm mai một trong quá trình đô thị hóa./.