Giữ nét độc đáo làng nghề tò he ở Xuân La

Làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề truyền thống nặn tò he. Không chỉ là một nghề mưu sinh, nặn tò he ở làng Xuân La từ lâu đã trở thành một nét văn hóa dân gian hiếm có của người Hà Nội.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, nghề nặn tò he của làng Xuân La đến nay đã xấp xỉ 300 năm tuổi.

Qua các thế hệ, nghề tò he được lưu giữ lại theo hình thức cha truyền con nối. Có thể nói, làng Xuân La là ngôi làng duy nhất ở Hà Nội cho đến nay vẫn giữ được nghề tò he truyền thống.

Tò he vốn là một loại đồ chơi dân gian làm bằng bột gạo nếp pha lẫn với đường, có thể ăn được. Thủa đầu, tò he là sản phẩm dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá… vì vậy, người ta gọi sản phầm này là “đồ chơi chim cò”.

Làng Xuân La đến nay vẫn giữ được nghề làm tò he truyền thống. (Ảnh: K.Tiến)

Một số vùng quê ở Việt Nam, người ta còn gọi là “con bánh” vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi… tạo thành mâm cỗ để đi lễ chùa.

Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te” thế nên người ta gọi là “tò te”, sau này nói chệch thành “tò he”.

Hiện tại tại Xuân La số lượng người biết làm tò he chiếm hơn một nửa, nhưng những người coi tò he là nguồn thu nhập chính thì chỉ chiếm một phần nhỏ.

Có những giai đoạn mà cả làng Xuân La, từ lớn đến bé, ai ai cũng biết nặn tò he. Họ tạo ra những con giống với niềm yêu thương hồn nhiên, bình dị, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau tiến tới bắt kịp những thay đổi của thời đại mới.

Để làm ra những con tò he xinh xắn, những nghệ nhân đã phải trải qua rất nhiều công đoạn. Bột phải được làm từ gạo nếp dẻo, trắng, tròn, thơm và mịn đến độ không dính tay.

Sau đó, bột được cho vào nồi nước đang sôi sùng sục để luộc chín. Công việc này đòi hỏi sự cẩn thận và kinh nghiệm của người thực hiện.

Khi luộc bột, phải chú ý đến thời gian, độ nóng của lửa để bột vừa chín tới. Nếu bột nhão quá sẽ khó nặn nhưng nếu sống quá thì khi nặn, tò he dễ bị nứt.

Tiếp đến, công đoạn trộn bột với phẩm màu cũng được cho là khâu quan trọng, mang đậm tính thẩm mỹ và nhân sinh quan sâu sắc của người làng Xuân La. Bởi những phẩm màu đều có nguồn gốc thực vật tự nhiên để trẻ em không bị ngộ độc khi ăn tò he.

Đó là màu vàng tươi từ củ nghệ, màu vàng đậm của quả dành dành, màu xanh từ lá cây cơm nếp, màu đỏ từ ruột quả gấc chín, màu đỏ nâu của hoa dâm bụt giấm, màu tím từ củ nghệ đen.
giu net doc dao lang nghe to he o xuan la

Những người con của làng Xuân La vẫn tỏa đi khắp đất nước, miệt mài bên những khối bột đủ màu sắc. (Ảnh: K.Tiến)

Sau các công đoạn chuẩn bị, khâu quan trọng nhất là nặn tò he. Dưới bàn tay khéo léo, những viên bột bỗng hóa thành chú gà trống vươn cánh gọi bình minh, chú nai vàng ngơ ngác, chàng hiệp sĩ uy phong, nàng công chúa xinh đẹp, chàng Thạch Sanh dũng cảm hay Ngộ Không thiên biến vạn hóa, hay mâm xôi, mâm ngũ quả, phẩm oản, nải chuối, buồng cau, thủ lợn rất sống động.

Ngày nay, bên cạnh phong cách truyền thống, tò he còn rất phong phú với Pikachu, Đôrêmon và những nhân vật hoạt hình được trẻ em yêu thích.

Không chỉ là một món đồ chơi dân gian truyền thống, ẩn giấu bên trong là những giá trị về cuộc sống. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu (người dân làng Xuân La) tâm sự: “Nặn tò he cũng là một cách giáo dục trẻ con, hướng chúng đến cái chân, thiện, mỹ. Qua đó, con trẻ còn học được sự cần cù, tinh tế, sắc sảo, biết nâng niu quý trọng những hạt ngọc của đất, biết yêu thương và nâng niu những giá trị cuộc sống”.

Đã có những khoảnh khắc, tò he tưởng chừng bị quên lãng trước sự phát triển của các loại đồ chơi hiện đại và những nghệ nhân tưởng như không thể trụ được bằng nghề truyền thống. Nhưng cuối cùng, tò he vẫn giữ được giá trị đích thực của mình trong tâm hồn Việt.

Một sự kiện đặc biệt, đánh dấu sự hoạt động chuyên nghiệp và có tổ chức là năm 2009, làng nghề Xuân La chính thức thành lập Câu lạc bộ làng nghề truyền thống tò he. Đến nay, câu lạc bộ đã có hơn 100 hội viên chính thức bao gồm các thợ nặn và nghệ nhân xuất sắc tiêu biểu vững vàng.

Những năm gần đây, với sự mở rộng thị trường sang các nước bạn như Mỹ, Nhật, Anh, Lào, Campuchia… thậm chí cả Trung Quốc, các nghệ nhân và các thợ nặn có tay nghề cao còn được mời sang nước ngoài để biểu diễn. Họ được hỗ trợ chi phí đi lại, sinh hoạt trong thời gian đi lưu diễn và có thu nhập rất cao sau mỗi chuyến đi.

Đến nay, những người con của Xuân La vẫn đang tiếp tục tỏa đi khắp các nẻo đường đất nước, vẫn miệt mài bên những khối bột đủ màu sắc.

Để rồi mỗi độ xuân về, tiết trung thu sáng trong, các lễ hội truyền thống hình ảnh những đứa trẻ đang tung tăng với con tò he đầy màu sắc trở thành nét chấm phá độc đáo, dễ thương.

K.Tiến/LĐTĐ