Thôn Tràng Cát (xã Kim An) nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km, là nơi nổi tiếng với nghề trồng lá dong gói bánh chưng truyền thống. Trước Tết khoảng 1 tháng, từ đầu làng tới ngõ xóm đâu đâu cũng tràn ngập màu xanh mướt của những tấm lá dong mọc hai bên đường hoặc lối vào nhà. Bà Trương Thị Đào (77 tuổi, người dân thôn Tràng Cát) cho biết, nghề trồng lá dong đã gắn bó với người dân gần 600 năm trước và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lá dong Tràng Cát được ưa chuộng bởi giống lá dong nếp, tàu lá dẻo mềm, dùng gói bánh chưng khi luộc lên cho màu xanh rờn, đẹp mắt và hương vị đặc trưng.
Bà Trương Thị Đào cho biết nghề trồng lá dong đã gắn bó với người dân làng Tràng Cát khoảng 600 năm nay. Ảnh: K.Tiến |
Từ tháng 10 đến tháng Chạp, một số lá dong đã được người dân cắt sớm phục vụ các nhà hàng gói bánh ngày 23 tháng Chạp và phục vụ xuất khẩu. Năm nay, lá dong của Tràng Cát lên đều và đẹp. Bà Trương Thị Đào chia sẻ, lá dong bắt đầu được thu hoạch “rộ” từ ngày mồng 10 đến 15 – 17 tháng Chạp. “Sau khi được cắt về, mọi người sẽ “dấn nước”, sắp lá thành từng bó đợi đến 18 tháng Chạp, từng đoàn xe lớn nhỏ sẽ kéo về thôn để nhập lá, mang đi khắp mọi miền Tổ quốc. Thậm chí, lá dong ở đây còn được xuất khẩu ra nước ngoài phục vụ Tết Nguyên đán. Những ngày ấy, cả làng sẽ vui như có hội. Xe ô tô tải lớn, nhỏ đỗ từ dốc đê vào tận giữa làng. Kẻ mua, người bán tấp nập vô cùng”, bà Đào hồ hởi kể.
Bà Đào cũng cho biết, sở dĩ, lá dong Tràng Cát được ưa chuộng từ xưa đến nay là bởi đây là giống lá nếp, bầu lá tròn, mềm, dai, mặt dưới có màu xanh non, cuống lá dài đồng màu với thân lá, chất lượng hơn hẳn lá dong ở những nơi khác. Dùng lá dong Tràng Cát để luộc bánh chưng, khi chín sẽ có màu xanh đẹp mắt và vị thơm đặc trưng hấp dẫn. Thêm nữa, lá dong Tràng Cát có khổ lá vừa vặn để gói bánh chưng, phổ biến có chiều dài 50-60cm, chiều rộng 25-35cm. Chính điều này mà khi người ta mang giống cây lá dong trồng ở một số địa phương lân cận đã không đạt chất lượng như ở Tràng Cát. “Cũng bởi vậy, các cụ cao niên trong làng vẫn kể lại, trước đây lá dong Tràng Cát được chọn để gói bánh chưng tiến vua”, bà Đào tự hào nói.
Những ngày giáp Tết, người dân Tràng Cát lại ăn ngủ bên những vườn dong nhà mình để sẵn sàng có những bó lá dong đẹp, đều tăm tắp, tươi mới, xuất đi khắp nơi. Phải tới ngày 30 Tết, nhiều người dân ở đây mới có thể sắp xếp được công việc để đi sắm Tết. Người dân nơi đây đón những cái Tết sớm nhất và cũng là muộn nhất. Lá dong được cắt và xuất hàng từ 10 tháng Chạp cho đến tận 30 Tết mới hết khách. Lúc đó, dân làng mới lục đục đi sắm Tết cho gia đình mình. Mặc dù vất vả như thế nhưng người dân Tràng Cát không giấu được tự hào vì đã góp phần mang hương vị Tết truyền thống đến cho mọi miền đất nước. |
Cũng là một trong những hộ gia đình có truyền thống trồng lá dong, ông Nguyễn Hữu Tự (Tràng Cát) cho biết, lá dong ở đây đã được trồng từ rất lâu đời, dù ít dù nhiều thì trong khu đất nhà mình nhà ai cũng đều có một vườn lá dong xanh mướt. Trong đó, nhà ít trồng 1-2 sào, nhiều từ 5-6 sào. Vào vụ Tết, trung bình mỗi sào người dân thu lãi được khoảng 15-20 triệu đồng/sào. Do vậy, có những gia đình nhiều đất trồng lá, thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng. “Hằng năm, bắt đầu từ mùng 10 tháng Chạp, gia đình tôi bắt đầu thu hoạch để bán dần cho các nhà hàng, trường học. Mỗi ngày phải thuê thêm nhân công cắt lá mới kịp”, ông Tự cho biết.
Giữ “linh hồn” của Tràng Cát
Lá dong ở Tràng Cát qua bao năm bao tháng mà không hề mất đi, một phần bởi được con người chăm chút nhưng phần lớn là do đất bãi nơi đây có đặc điểm là đất phù sa. Với tỷ lệ hai phần đất cát, một phần đất thịt đã tạo điều kiện thuận lợi cho lá dong sinh trưởng và phát triển. Đã có hàng trăm năm trồng và chăm sóc loại cây này, cho nên người dân Tràng Cát có rất nhiều kinh nghiệm. Theo những người dân nơi đây thì cây lá dong là loại cây dễ trồng và không khó chăm sóc. Đây là loại cây trồng một năm nhưng lại được thu hoạch nhiều năm.
Người ta chỉ cần ươm một lần là những năm sau chỉ việc chăm bón và thu hoạch. Cây dong là loại cây ưa bóng râm nên bà con nơi đây thường tận dụng trồng xen với chuối, hay trồng trong vườn dưới những tán sấu. Cứ hàng tháng bà con ở đây lại đi dọn chân lá một lần, đến tầm tháng 9 là ngưng cắt, chăm thúc cây cho lá to và đẹp để phục vụ mùa Tết. Sau khi thu hoạch, cây được loại bỏ hết phần lá thừa và cuống, bón phân, phủ trấu và tưới nước giữ ẩm.
Được biết, những năm qua, tận dụng lợi thế vùng bãi ven sông Đáy, người dân Tràng Cát phát triển mạnh nhiều loại cây ăn quả như cam, bưởi, rau màu các loại. Tuy nhiên, đối với diện tích vườn nhà, người dân vẫn “ưa” trồng lá dong hơn cả. Anh Nguyễn Hữu Huy, Trưởng thôn Tràng Cát cho biết, đã có thời kỳ, người dân phá vườn dong chuyển sang trồng cam. Nhưng mấy năm trở lại đây, cây cam thoái hóa cho năng suất thấp, sâu bệnh hại nhiều, tốn công chăm sóc, người dân “quay lại” với lá dong và nhận thấy cây dong phù hợp chất đất và cho thu nhập ổn định hơn cả mà không tốn nhiều công chăm bón, có thể thu hoạch quanh năm…
Người dân Tràng Cát hối hả thu hoạch lá dong mỗi khi Tết đến. Ảnh: K.Tiến |
“Hiện, cả thôn Tràng Cát có 70 mẫu trồng lá dong, gia đình nào nhiều trồng 5-6 sào, ít thì trồng 1-2 sào. Lá dong được người dân chăm sóc tốt, năng suất đạt cao, diện tích trồng có xu hướng tăng lên. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, diện tích trồng lá dong trong thôn tăng lên. Bên cạnh cây lúa, hoa màu, cây ăn quả, lá dong là cây “phụ” nhưng đang trở thành “chính” khi bán một sào lá dong có thể thu 15-20 triệu đồng/vụ. Nếu nông dân chuyên canh lá dong thì cũng đủ sống, hoặc có thể vẫn xen kẽ trồng lúa, rau màu”, anh Nguyễn Hữu Huy cho biết.
Có thể thấy rằng, giờ đây dù không phải là nguồn thu nhập chính, nhưng lá dong vẫn là “linh hồn” của Tràng Cát, là phần không thể thiếu làm nên chiếc bánh chưng hoàn hảo của ngày Tết – nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam. Cũng vì ý nghĩa đó, không chỉ người dân thôn Tràng Cát mà người Việt vẫn luôn hy vọng màu xanh của lá dong sẽ không bao giờ mất đi mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.