Sản phẩm văn hóa đặc biệt
Ðường về xã Tiến Xuân những ngày này thật thơ mộng. Bên trục đường bê tông được trải nhựa phẳng phiu là những cánh đồng lúa trổ bông thơm ngát, hoa phù dung đón hè khoe sắc. Mải ngắm cảnh nên tôi rẽ ngang, nhầm đường mấy lần. May thay, lần nào cũng vậy, đều có những người dân chất phác nhiệt tình chỉ đường. Đến xã Tiến Xuân, đang không biết phải hỏi về cồng chiêng như thế nào thì một cụ bà áng chừng 60 tuổi khoát tay bảo, cứ đến ngã ba đầu thôn Ðồng Dâu, hỏi thăm đội cồng chiêng là rõ.
Cồng chiêng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Tiến Xuân. (Ảnh: Giang Nam, chụp trước ngày 27/4) |
Nhắc đến đội cồng chiêng nơi đây cũng thực lạ. Phong trào văn hóa văn nghệ nơi dải đất này phát triển đến mức gần như chị em phụ nữ trong vùng đều biết chơi chiêng. Là người trực tiếp dàn dựng và đưa các đội đi biểu diễn nghệ thuật chiêng Mường nhiều năm qua, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn (dân tộc Mường, xã Tiến Xuân) đã có rất nhiều kỷ niệm vui sau mỗi lần trình diễn chiêng phục vụ công chúng Thủ đô cũng như không ít chuyện về gây dựng phong trào văn nghệ địa phương.
Nghe kể, năm 2009, để giữ gìn và phát triển nét văn hóa cồng chiêng đặc sắc, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất đã đầu tư sáu bộ cồng chiêng cho ba xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân để người dân sử dụng với mục đích khôi phục nghệ thuật truyền thống của đồng bào Mường. Không ai khác, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn đã được chọn để truyền dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng. Có nhạc cụ, có con người, nhưng cồng chiêng vẫn… trầm. Bà Thìn lại tụ họp một số nghệ nhân, chị em trong xã bàn cách làm sao để nhiều người biết đến cồng chiêng hơn nữa. Với quyết tâm của những người nhiệt tình, yêu văn hóa, đội cồng chiêng ở các thôn đã quyết định thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát dân ca xã Tiến Xuân, chính thức ra mắt tháng 10/2014 trong niềm vui của người dân toàn xã và một số xã bạn. Bà Thìn được đề bạt làm chủ nhiệm.
Với người dân Tiến Xuân, chiêng không chỉ giản đơn là một loại nhạc cụ dân tộc, mà ẩn chứa sau mỗi chiếc chiêng, bộ chiêng, bài chiêng còn là một câu chuyện văn hóa, tâm linh chan chứa niềm tự hào, tình yêu đối với bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi người con xứ Mường. Cũng như những nốt trầm bổng của một bài chiêng, chiêng Mường đã có những giai đoạn thịnh – suy, có lúc tưởng chừng mai một, biến mất trước khi được trân trọng, bảo tồn, phát triển.
Chị Tạ Thị Tâm (sinh năm 1970) thành viên Ðội cồng chiêng chia sẻ: Chiêng cũng có sự khác biệt giữa các vùng miền. Chẳng hạn, nếu như cồng chiêng ở Tây Nguyên chủ yếu do nam giới đánh bằng khuỷu tay thì chiêng Mường phần lớn là do phụ nữ cầm dùi để gõ. Một bộ chiêng Mường đầy đủ thường có 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi chiếc giữ một vai trò khác nhau trong bộ âm: Bùng, bính, boong. Nghệ thuật biểu diễn chiêng Mường là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tập thể và sự hài hòa trong cách đưa tay của từng cá nhân.
Chị Ðặng Thị Tâm, thành viên Ðội cồng chiêng 1 chia sẻ: Một bộ cồng chiêng Mường đầy đủ thường có 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi chiếc giữ một vai trò khác nhau trong bộ âm: Bùng, bính, boong và mỗi người khi chơi phải ăn khớp một cách nhuần nhuyễn. Ðể có âm thanh hay, người chơi phải gõ đúng chính giữa, lúc cầm dùi phải thả lỏng tay, đưa tay nhẹ nhàng nhưng không phải là múa chiêng, nếu không âm thanh sẽ không vang.
Nỗ lực giữ gìn
Trong câu chuyện với người dân nơi đây, tôi được biết Tiến Xuân hôm nay đã có những đổi thay tích cực. Ông Đinh Công Lực – Trưởng Thôn 3 kể, chỉ trong vòng ít năm Tiến Xuân được Thành phố và huyện quan tâm đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Tiến Xuân đã huy động được hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công lao động đổ bê tông hóa đường làng, ngõ xóm.
Nhờ huy động được nhiều nguồn lực của huyện và Thành phố, đồng thời khai thác tốt lợi thế, tiềm năng, đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi của xã đã được xây dựng và tu sửa khang trang. Cá nhân ông Đinh Công Lực càng phấn khởi hơn khi chứng kiến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong xã được nâng cao rõ rệt. Minh chứng dễ thấy là việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của nghệ thuật cồng chiêng được Thành phố, chính quyền và nhân dân rất quan tâm gìn giữ.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của nghệ thuật cồng chiêng được Thành phố, chính quyền và nhân dân rất quan tâm gìn giữ. (Ảnh: Giang Nam, chụp trước ngày 27/4) |
Được biết, ngoài Tiến Xuân hiện một số nơi ở huyện Thạch Thất còn tổ chức cho đồng bào đi tham quan, tập huấn nghệ thuật diễn tấu chiêng tại Hòa Bình. Và thực tế, biểu diễn chiêng Mường đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các chương trình văn hóa, nghệ thuật, lễ hội ở Thủ đô… Các đội cồng chiêng của huyện Thạch Thất nói chung và Tiến Xuân nói riêng đã giành được nhiều giải thưởng cao tại các hội thi, hội diễn liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp huyện và Thành phố, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.
Được chú trọng quan tâm, tuy nhiên, điều băn khoăn của chúng tôi khi tiếp xúc, trò chuyện với các nghệ nhân, những người biểu diễn cồng chiêng ở nơi đây thì việc lưu giữ bộ môn nghệ thuật này cũng gặp không ít khó khăn, bởi thành viên là những người chơi thành thạo chủ yếu là lớp cao tuổi, phụ nữ. Hiện nay, do sản xuất ồ ạt và thương mại hóa nên nhiều bộ chiêng âm thanh không được chuẩn như trước. Các câu lạc bộ cồng chiêng ở các thôn hoạt động chủ yếu trên tinh thần đam mê nhiệt huyết là chính, sự hỗ trợ kinh phí hoạt động còn rất hạn chế.
Quanh câu chuyện gìn giữ cồng chiêng, chị Tâm cùng các nghệ nhân, các thành viên Câu lạc bộ đều mong bản thân luôn giữ được nhiệt huyết, có sức khỏe để truyền dạy, giao lưu, phát huy những giá trị văn hóa. “Với cồng chiêng, người đánh phải biết cách sử dụng về thanh âm, bức âm. Nên chúng tôi luôn cùng nhau giữ tinh thần, cùng học và làm cho cồng chiêng cất tiếng. Mỗi thôn đều có một đội cồng chiêng thường xuyên luyện tập, giao lưu với nhau và với các đội cồng chiêng ở những xã, huyện khác”, chị Tâm chia sẻ.
Rời Tiến Xuân, tôi ngẩn ngơ trong âm hưởng trầm hùng của giàn cồng chiêng. Hôm nay, cồng chiêng đã giúp nơi đây trở thành vùng văn hóa và vẫn đang tiếp tục tỏa sáng. Trong sự phát triển của văn hóa, tôi để ý thấy ven đường, trước cổng nhà của nhiều hộ dân có những vạt hoa rực rỡ khoe sắc thắm. Mỗi chiều, người dân đều dành chút thời gian để chăm sóc, tưới hoa, tô đẹp thêm cho vùng quê yên bình.
Đinh Luyện / laodongthudo.vn