Bà Đặng Thị Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Trần Hoàng). |
Phát biểu tại Hội thảo, bà Đặng Thị Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội cho biết: Việt Nam là một nước thường xuyên bị tác động bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, khiến nền nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những mối lo về việc nước biển dâng cao gây ngập lụt ở các đồng bằng, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên hay các đợt rét đậm ở Bắc Trung Bộ sẽ vẫn luôn là những quan ngại thường trực với bà con nông dân.
Điều này có tác động lớn đến khâu vận chuyển và cung ứng hàng hóa nông sản. Vì vậy, chuyển đổi kỹ thuật số trong chuỗi cung ứng, nếu được tận dụng tốt sẽ giúp tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, đồng thời giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng của mô hình cung ứng truyền thống.
Chuyển đổi số Quốc gia đang là chương trình trọng điểm của Nhà nước với mục tiêu tập trung triển khai năng lực số đến từng doanh nghiệp. Đặc biệt, sở hữu nền tảng kinh tế với 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn lực hạn chế (tài chính, con người, công nghệ), nên việc đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ tới doanh nghiệp trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.
Đặc biệt vào năm 2022, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội tiếp tục tham mưu với Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia Hội thảo. (Ảnh: Trần Hoàng) |
Nói về ý nghĩa của sự kiện, đại diện Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội cho biết: “Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội – Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phẩn Truyền thông và Công nghệ Smart Life tổ chức Hội thảo với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khâu cung ứng hàng hóa nông sản có nhận thức đầy đủ và tổng quan nhất về chuyển đổi số cũng như có lối đi để “chuyển mình” một cách tối ưu, hiệu quả và tiết kiệm nhất. Bằng cách này doanh nghiệp có thể phát triển nhanh chóng và chính xác trước bất kỳ rủi ro làm gián đoạn hoạt động kinh doanh. Từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt hiện nay”.
Chia sẻ về những chính sách hỗ trợ liên quan đến chuyển đổi số nông nghiệp, ông Lê Minh Chiến – đại diện Văn phòng Chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Đối với Cục Phát triển doanh nghiệp thì hiện nay đã có chương trình hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. Với chương trình này, chúng tôi cũng lựa chọn ngành nông nghiệp là ngành được quan tâm. Phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp. Bởi, đây là một trong những lĩnh vực đầu mối của nước ta. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng xây dựng những quy định, sổ tay, tư liệu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước”.
Cũng theo ông Lê Minh Chiến: “Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi có nhiều nhà cung cấp giải pháp, chuyên gia đồng hành để phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, chúng tôi cũng có những ưu tiên về mặt cơ chế, chính sách. Những cơ chế này sẽ không có sự phân biệt, tuy nhiên cũng sẽ có sự ưu tiên dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước”.
Tại Hội thảo, các đại biểu, đại diện doanh nghiệp cũng được lắng nghe, thảo luận về sự cần thiết trong hoạt động thúc đẩy chuyển đối số trong lĩnh vực cung ứng nông sản, thực phẩm. Thông qua Hội thảo, các doanh nghiệp, nhà quản lý và các bên liên quan đã có sự kết nối, xúc tiến thương mại và giải đáp những thắc mắc. Qua đó, giải quyết được một số vấn đề khó khăn, bất cập hiện có, tạo tiền đề cho ngành nông nghiệp tiến tới chuyển đổi số một cách hiệu quả.