Gửi trọn tình yêu cho Hà Nội

Mặc dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng PGS.TS Hà Đình Đức lại yêu mến và gắn bó với mảnh đất này bằng một tình yêu nồng nàn, cống hiến cho Hà Nội bằng những việc làm có ích. Gần 50 năm trải nghiệm, ông đã dung nạp cho mình một “gia sản giàu có” về kiến thức, sự hiểu biết văn hóa Hà Nội, đặc biệt là Hồ Gươm và Rùa Hồ Gươm.

Danh hiệu “Nhà rùa học”

Gần 80 tuổi, PGS.TS Hà Đình Đức vẫn còn khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Mặc dù đã nghỉ hưu nhiều năm, song bầu nhiệt huyết, đam mê được cống hiến cho Thủ đô ở ông chưa khi nào nguôi. Dù bộn bề công việc và cuộc sống, PGS Hà Đình Đức vẫn dành cho tôi cuộc trò chuyện ấm áp trong căn phòng làm việc của mình trên phố Âu Cơ. Mỗi khi nhắc đến Hồ Gươm, Rùa Hồ Gươm hay bất cứ nét văn hóa nào của người Hà Nội, ánh mắt ông vẫn tràn đầy xúc động. Ông có thể dành thời gian cả ngày để nói về Hà Nội mà không biết chán.

Vốn sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, năm 20 tuổi, ông ra Hà Nội học, là lứa sinh viên đầu tiên của Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại khoa cho đến khi nghỉ hưu (2005).

PGS.TS Hà Đình Đức với tình yêu Hà Nội

Trong suốt mấy chục năm công tác, người ta không chỉ biết đến ông trong vai trò là người thầy mà còn là một chuyên gia nghiên cứu, “nhà Rùa học” hay “Giáo sư Rùa” đáng kính. Danh hiệu “Giáo sư Rùa” đến với ông một cách tình cờ. Năm 1991, Công ty Dịch vụ Khai thác và Sử dụng di tích Hà Nội (COEMO) thuộc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội mời ông tham gia dự án “Khai thác Hồ Gươm, bảo vệ đàn rùa quý”. Cũng bắt đầu từ đây, ông đã nghiên cứu và gắn chặt số phận với Rùa Hồ Gươm.

Được biết, trong những năm công tác PGS.TS Hà Đình Đức đã dày công nghiên cứu, chứng minh và thuyết phục các nhà khoa học tin rằng đấy là một loài rùa mới, có con tuổi đã lên đến hàng trăm năm. Vị giáo sư này đã “tranh đấu” để cho Rùa Hồ Gươm có một cái tên khoa học là Rùa Lê Lợi (Rafetus leloi). Và ông trân trọng gọi Rùa Hồ Gươm là “cụ”. Có thể nói, cho đến nay, ít người nào biết rõ về Rùa Hồ Gươm như ông. Gần 30 năm “theo đuổi” Rùa Hồ Gươm, ông có đến mấy nghìn bức ảnh, băng ghi hình “cụ”. Nghiên cứu động vật trong môi trường của nó như thế đã là kỹ lắm, có cảm giác như ông biết rõ từng cơn “nóng lạnh”, hắt hơi sổ mũi của “cụ”. Bấy nhiêu năm, ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ “cụ” rùa nổi là ông Đức có mặt bên bờ hồ. Đến mức dân Hà Nội quá quen mặt ông, gọi ông bằng cái biệt danh đơn giản, dễ nhớ: “Giáo sư Rùa”.

Trong những năm nghiên cứu, vị Tiến sĩ này này đã từng miệt mài gõ cửa các cấp chính quyền, đề xuất các giải pháp để bảo vệ và giữ gìn cho “cụ” một môi trường sống an toàn. “Năm 1992, khi Hà Nội rục rịch triển khai “Dự án nạo vét hồ Hoàn Kiếm bằng cơ giới” với quy mô lớn, đào 100.000m3 bùn đổ ra sông Hồng và bơm nước sông Hồng vào hồ Hoàn Kiếm. Nhận thấy nguy cơ làm xáo trộn môi trường, hệ sinh thái của “cụ”, tôi lập tức gửi tờ trình lên cấp trên, nêu rõ tác hại của vấn đề này và đề xuất phương pháp nạo vét bằng biện pháp thủ công”, ông Đức cho hay.

Xứng với danh hiệu Công dân Thủ đô

Cả đời “đắm đuối” với loài rùa, PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng có lẽ vì tình yêu Hà Nội, vì “cái duyên, cái nợ” nên ông luôn tìm thấy, nhìn ra vấn đề để có những đề xuất bảo vệ Rùa Hồ Gươm. Tháng 1/2016, “cụ” Rùa chết, khi ấy ông mất ăn mất ngủ đến cả tuần trời. Đối với ông thì đó quả thực là sự mất mát lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, ông lại tếp tục dành thời gian đi tìm “hậu duệ” của “cụ Rùa. Từ Hòa Bình cho đến Thanh Hóa, hễ nghe thấy ở đâu có loài rùa lớn, giống “cụ” Rùa là ông lại lập tức lên đường.

Ông chia sẻ: “Mấy chục năm nghiên cứu về Hồ Gươm và “cụ” Rùa để lại trong tôi biết bao kỷ niệm sâu sắc, là tiếng nói từ công luận, truyền thông. Dấu ấn đầu tiên là vào năm 1991 khi ghi hình bài nói về Bảo vệ Rùa Hồ Gươm. Tiếp đến là hàng chục cuộc họp bàn, phê duyệt phương án nạo vét Hồ Gươm, cho đến Hội thảo Quốc tế về Tuần lễ Bảo tồn và Tôn tạo Hà Nội lần thứ nhất. Là 10 công văn từ Văn phòng Chính phủ, 1 công văn từ Văn phòng Chủ tịch nước gửi cho tôi và các cơ quan Nhà nước về Hồ Gươm và Rùa Hồ Gươm”.

Không chỉ tâm huyết với Hồ Gươm và Rùa Hồ Gươm, hàng chục năm qua, ông luôn đau đáu, trăn trở về Hà Nội, trước những hành động có nguy cơ xâm phạm tới văn hóa, lịch sử và kiến trúc của Hà Nội. Đặc biệt, những nghiên cứu thâm sâu về văn hóa, lịch sử đã làm cơ sở để ông đề xuất lấy ngày vua Lê đăng quang tại điện Kính Thiên (15 tháng Tư âm lịch) hằng năm làm ngày lễ hội của Hà Nội và đã được chấp nhận. Năm 2009, ông nêu ý tưởng về xây cột mốc “Hà Nội Km 0” tại hồ Hoàn Kiếm, đồng thời đưa ra đề xuất tôn tạo khu tưởng niệm Vua Lê. Vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông kiến nghị đặt tên Đào Cam Mộc – người có công đầu tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua – cho một đường phố ở Thủ đô, và đến nay Hà Nội đã có một con phố ở huyện Đông Anh mang tên Đào Cam Mộc…

Bên cạnh đó, ông cũng có nhiều bài viết về văn hóa của người Hà Nội, ai là người Hà Nội gốc. Có người sống nhiều đời ở Thủ đô, thân thuộc đến từng chân tơ kẽ tóc, nhưng rồi cũng khó gọi tình yêu đó thành con chữ. Vậy mà, PGS.TS Hà Đình Đức lại “cụ thể hóa” những cảm xúc cá nhân thành hàng chục bài viết sinh động. Để có những chất liệu sống động ấy, ông đã phải chăm chú học tập, tìm hiểu, ghi chép về Hà Nội bằng một tình yêu lớn. Ông bảo, là một thầy giáo, một nhà nghiên cứu sống và làm việc lâu năm ở Hà Nội, ông trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội, yêu Hà Nội từ con người trung thực, hào hoa đến thiên nhiên tươi đẹp.

Ông cho rằng dù cuộc sống xoay vần, đời sống tinh thần chịu nhiều tác động của mặt trái kinh tế thị trường song những giá trị tinh thần cao quý vẫn không thay đổi. Những nếp sống, thói quen mới được hình thành của người Hà Nội, tạo nên đặc trưng riêng trong đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng dân cư và từ đó lan tỏa từ đời này sang đời khác. Ngày nay, nét riêng đó vẫn được người dân gìn giữ như một vốn quý và luôn rèn giũa để nó tỏa sáng. Với lợi thế đó, Hà Nội đang có chiến lược phát triển toàn diện con người, trong đó chú trọng về văn hóa, văn minh và ứng xử.

Với những cống hiến và tình yêu dành cho Hà Nội, năm 2012, PGS.TS Hà Đình Đức được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Với ông đó không phải là đích đến để dừng lại mà điểm xuất phát của một mục tiêu mới. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn luôn làm việc với tất cả say mê và nhiệt huyết của ngọn lửa tình yêu Hà Nội.

Kim Tiến/LĐTĐ