Hà Nội: 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới

Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô, ngày 8/5, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị của Thành phố triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc để đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tốt hơn, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm, tình cảm đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên địa bàn Thủ đô hiện có 13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực I, thuộc 4 huyện (huyện Ba Vì có 7 xã, huyện Thạch Thất có 3 xã, huyện Quốc Oai có 3 xã, huyện Mỹ Đức có 1 xã); có trên 108 nghìn người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn Thành phố.
Hà Nội: 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Kỷ niệm chương cho các cá nhân. (Ảnh: Lương Toàn)

Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội, những năm qua, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của Thành phố đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cụ thể, các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt gần 11%, thu nhập bình quân đầu người hằng năm đến nay đạt 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm; 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các xã vùng dân tộc miền núi của thành phố được duy trì ổn định. Đại bộ phận nhân dân phấn khởi tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội bày tỏ, điều kiện kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách khá xa so với các vùng khác trên địa bàn Thành phố, cần nhu cầu đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện nâng cao đời sống cho đồng bào, góp phần giảm nghèo bền vững, nhằm giảm dần khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội: 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

Ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội. Đồng thời, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố; giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt trên 40%, trong đó, ít nhất 50% là lao động nữ.

Dự và phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao việc thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao, cụ thể, chăm lo phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua.

Hà Nội: 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

Đáng chú ý, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã ban hành 4 Kế hoạch để phát triển toàn diện kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Nhờ vậy, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào từng bước được đầu tư đồng bộ, đến nay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều đạt chuẩn nông thôn mới, đang hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững.

“Với những kết quả đạt được trong 15 năm qua, Hà Nội là địa phương điển hình tiên tiến, dẫn đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở ngày càng được nâng lên”, ông Hầu A Lềnh đánh giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị Hà Nội tiếp tục quan tâm đến quy hoạch, quản lý quy hoạch về đất ở và đất sản xuất và cơ sở hạ tầng, để đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm, làm giàu trên chính quê hương mình

Hà Nội: 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới
Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

Trong quá trình phát triển, cần có giải pháp cụ thể để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc; phát huy nhân cách, hồn cốt, bản sắc của chính dân tộc mình là thật thà, tốt bụng, chịu thương, chịu khó, trọng tình, trọng nghĩa. Cùng với đó, quan tâm phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, cũng như có những hình thức để tôn vinh những doanh nhân, trí thức là người dân tộc thiểu số.

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn xác định việc thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Cùng với việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Trung ương, Thành phố đã ban hành các chủ trương, chính sách riêng để phát triển toàn diện kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 15 năm qua, Thành phố đã dành trên 4.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm… cho 05 huyện, 14 xã vùng dân tộc thiểu số.

Hà Nội: 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Lương Toàn)

Trước thực tế phát triển và những yêu cầu trong tình hình mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị của Thành phố nâng cao trách nhiệm về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc để đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tốt hơn, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm, tình cảm đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị đồng bào các dân tộc thiểu số của Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh bền vững, tiến tới làm giàu chính đáng, gắn với gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc.

Hoàng Phúc