Hà Nội: 557/579 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Qua tổng hợp báo cáo của các quận, huyện, thị xã, đến nay có 30/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành thủ tục công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với 557/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,2%.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, từ đầu năm, Hội đồng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện nhiệm vụ công nhận, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, kết nối tới 100% đơn vị thuộc 3 cấp chính quyền Thành phố: cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã, với trên 12.000 người tham dự.

Qua tổng hợp báo cáo của các quận, huyện, thị xã, đến nay có 30/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành thủ tục công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với 557/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,2%.

Trong đó, nhiều quận, huyện có số phường, xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 100% như: Long Biên, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thường Tín, Quốc Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Phúc Thọ.

Hà Nội: 557/579 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Các luật sư Đoàn Luật sư Hà Nội trợ giúp pháp lý cho người dân thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì

Một số quận, huyện có số xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ thấp như: Chương Mỹ (26/32 xã, thị trấn), Hà Đông (14/17 phường), Thạch Thất (20/23 xã, thị trấn), Sơn Tây (13/15 xã, thị trấn), Thanh Trì (15/16 xã, phường, thị trấn), Ba Đình (13/14 phường), Hoàn Kiếm (17/18 phường), Mê Linh (17/18 xã, thị trấn), Đan Phượng (15/16 xã, thị trấn), Hoài Đức (19/20 xã, thị trấn), Gia Lâm (21/22 xã, thị trấn), Ba Vì (30/31 xã, thị trấn).

Có 22/579 xã, phường, thị trấn không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, với tỷ lệ 3,8%. Các đơn vị không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phần lớn do có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ, hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.

Ngoài ra, còn một số ít do không đạt điểm số theo quy định, hoặc như huyện Thạch Thất có 03 xã không gửi hồ sơ lên UBND huyện đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Việc xét công nhận xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theoe Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chí và điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Theo đó, có 5 tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gồm: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Quyết định quy định xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện sau: Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên; Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên; Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện hằng năm, tính từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 của năm đánh giá.

H.L