Hà Nội: Chú trọng nâng cao kỹ năng cho cán bộ làm công tác nội chính

Ngày 4/1, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023; triển khai kế hoạch công tác trọng tâm năm 2024.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2023, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội và đối ngoại quan trọng, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế diễn ra trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo, quan tâm kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế – xã hội…
Phối hợp hiệu quả, giữ vững sự bình yên của Thủ đô
Ban Nội chính Thành ủy vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Thành ủy Hà Nội bám sát chỉ đạo của Trung ương đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết đơn thư; các ý kiến chỉ đạo, kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các phiên họp, cuộc họp Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo.

Ban Nội chính Thành ủy, các cơ quan khối nội chính Thành phố đã thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy tham mưu chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện tốt công tác nội chính, cải cách tư pháp; thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành. Công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nghiệp vụ và theo quy định pháp luật. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm, chỉ đạo…

Trong năm qua, liên ngành tư pháp thành phố đã xác định 1.303 vụ án điểm/1.924 bị can để điều tra, truy tố, xét xử (đạt 187,8% chỉ tiêu); điều tra, khám phá 2.824 vụ/6.424 đối tượng về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 90,5%, trong đó, điều tra, khám phá 307 vụ/586 đối tượng gây án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, đạt tỷ lệ 98,3%.

Cấp ủy các cấp đã kiểm tra, giám sát đối với 2.228 lượt tổ chức Đảng và 1.870 đảng viên. Thành phố triển khai 370 cuộc thanh tra, đã kết luận 289 cuộc. Qua thanh tra, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 81.517 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 45 tập thể và 158 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 3 cuộc. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 83.984 triệu đồng…

Phối hợp hiệu quả, giữ vững sự bình yên của Thủ đô
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Phòng Theo dõi các cơ quan Nội chính và Cải cách tư pháp.

Ban Nội chính Thành ủy với vai trò là cơ quan tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp đã chủ động tham mưu, xây dựng chương trình kế hoạch công tác đạt chất lượng và hiệu quả.

Đáng chú ý, Ban Nội chính Thành ủy đã tổ chức lễ ký kết 3 quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tư pháp thành phố và các sở, ban, ngành trong việc cung cấp, trao đổi thông tin chuyên ngành… Trong đó, đã tham mưu xây dựng 255 văn bản thẩm định; báo cáo, đôn đốc kết quả giải quyết 140 vụ án, vụ việc do Thường trực Thành ủy giao; tham mưu đưa 36 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo Thành ủy theo dõi, chỉ đạo; thường xuyên tham mưu, theo dõi, đôn đốc tiến độ, kết quả giải quyết đối với 64 vụ án, vụ việc; tiếp nhận, phân loại, xử lý 6.112 đơn, thư các loại…

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng đã chúc mừng những thành tích, kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đã đạt được trong năm 2023.

Theo đồng chí Võ Văn Dũng, cán bộ làm công tác Nội chính, cải cách tư pháp phải nắm thật vững, hiểu thật đúng các chủ trương chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng; coi công tác phòng ngừa là chính, cấp bách lâu dài. Khi phát hiện sai phạm phải xử lý, không dung túng bao che; đồng thời, phải thực hiện tốt 4 không “không thể, không dám, không muốn, không cần” tham nhũng.

Phối hợp hiệu quả, giữ vững sự bình yên của Thủ đô
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa trong công tác Nội chính, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương mong muốn các cơ quan khối nội chính sẽ phối hợp hài hòa có trách nhiệm, chân tình, không tính toán, “không quyền anh, quyền tôi”; khi xem xét xử lý vụ việc không thiên vị, bao che. Cùng với đó, cần rèn luyện đạo đức cách mạng, liêm chính, trong sáng; xây dựng phương pháp làm việc khoa học chuyên nghiệp; giữ vững kỷ cương, kỷ luật, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của các cơ quan nội chính.

Tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Ban Nội chính Thành ủy, các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đánh giá cao việc các cơ quan khối nội chính thành phố trong việc phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, các vụ án hình sự trọng điểm; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý 6.112 đơn, thư các loại… Qua đó, kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, không để phát sinh “điểm nóng” từ cơ sở, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Phối hợp hiệu quả, giữ vững sự bình yên của Thủ đô
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị, cùng với việc chủ động rà soát, nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Thành ủy về việc triển khai công tác nội chính, cải cách tư pháp; các cơ quan nội chính cần nghiêm túc thực hiện “4 không”: “Không thể, không dám, không muốn, không cần” tham nhũng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị, các cơ quan, đơn vị chú trọng nâng cao kỹ năng cho cán bộ làm công tác nội chính, để có thể “đúng vai, thuộc bài” trong triển khai nhiệm vụ.

Cùng với việc tham mưu đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án; thực hiện các kết luận của Trung ương; tiến hành xét xử kịp thời các vụ án đã đủ điều kiện, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15 và Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Thành ủy giải quyết hiệu quả các vụ khiếu nại đông người, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Phối hợp hiệu quả, giữ vững sự bình yên của Thủ đô
Khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác

Song hành với việc triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ công tác nội chính và cải cách tư pháp năm 2024, cần chú trọng xây dựng “văn hóa” trong khối các cơ quan nội chính; tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, từ nay đến Tết Nguyên đán 2024, các cơ quan khối nội chính cần phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả, nhằm giữ vững sự bình yên của Thủ đô.

Tại hội nghị, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng.

Phòng Theo dõi các cơ quan Nội chính và Cải cách tư pháp vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Nội chính Thành ủy được nhận Bằng khen của Ban Nội chính Trung ương.

Nhiều tập thể và cá nhân cũng vinh dự nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND Thành phố.

Hoàng Phúc