Hà Nội chú trọng việc phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Đó là một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong Chương trình số 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Quy ước làng Đại Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội – Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Hương ước, quy ước là một trong những di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của nhân dân Việt Nam. Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, hương ước, quy ước vẫn luôn tồn tại và được coi như hệ thống luật tục cần thiết song hành cùng hệ thống pháp luật hiện đại để hoàn thiện hơn trong việc điều hoà các mối quan hệ xã hội, gắn kết cộng đồng dân cư, duy trì nếp sống văn hoá, lối ứng xử văn minh. Việc sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước để phát huy những giá trị tốt đẹp của hương ước, quy ước trong đời sống văn hoá xã hội được Đảng, Nhà nước cũng như nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội luôn quan tâm, chú trọng.

Hương ước là “văn bản pháp lý” đầu tiên của các làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ trong xã hội cộng đồng

Hương ước là thuật ngữ gốc Hán và nó vẫn giữ được nguyên nghĩa khi du nhập vào Việt Nam. Hương ước là những quy ước, điều lệ của một cộng đồng chung sống trong một khu vực dân cư như làng, xã. Hương ước ghi chép các điều lệ (quy tắc xử sự chung) mang tính bắt buộc phải tuân thủ, liên quan đến đời sống cộng đồng dân cư. Các điều lệ này hình thành dần trong lịch sử, được điều chỉnh và bổ sung mỗi khi cần thiết. Và hương ước chính là “văn bản pháp lý” đầu tiên của các làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ trong xã hội cộng đồng.Trong lịch sử Việt Nam, cùng với hệ thống pháp luật, hương ước, quy ước bổ khuyết một số hạn chế của các văn bản quy định pháp luật, nhất là những vấn đề quá cụ thể, chi tiết, hoặc một số vấn đề pháp luật khó can thiệp; góp phần bảo tồn nhiều nét văn hóa truyền thống.

Khoảng cuối thế kỷ XVII, hương ước đã trở nên khá phổ biến trong hệ thống làng, xã Việt Nam. Tùy từng làng xã khác nhau mà hương ước còn được gọi bằng những tên khác nhau như: Hương khoán, hương lệ, khoán ước, khoán lệ, điều ước, tục lệ. Hầu hết các Hương ước đều đề cập nội dung chính như: an ninh trật tự, quan hệ ứng xử, công ích công lợi, thưởng phạt, đến việc cụ thể bổn phận của con cái đối với cha mẹ, ông bà, vợ đối với chồng, anh đối với em…

Hiện nay, cả nước có hơn 100 nghìn bản hương ước, quy ước đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, điều đó cho thấy tầm quan trọng của những văn bản này trong đời sống xã hội. Nó là hệ thống luật tục cần thiết trong xã hội hiện đại, không những không đối lập mà còn là sự bổ sung hữu ích cho hệ thống pháp luật nhằm điều hòa các mối quan hệ xã hội, gắn kết cộng đồng dân cư, loại bỏ hủ tục, duy trì lối sống, nếp sống, lề lối ứng xử văn minh…

Phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hoá truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Theo các nhà nghiên cứu, nhiều địa phương của Hà Nội xưa đều có những hương ước, quy ước riêng và hiện còn được lưu giữ. Ví như hương ước làng Định Công Thượng, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) lập năm 1923 có đầy đủ các điều mục về chính trị – xã hội như: tổ chức hội đồng giáp biểu, cách bầu cử, sưu thuế, sự kiện cáo, sự canh phòng trong làng, canh ngoài đồng, việc cấp cứu, vệ sinh… và các điều mục về phong tục quy định về điền thổ, hôn lễ, tang lễ, tế tự, khao vọng, vị thứ… Hay như hương lệ xã La Nội, Ỷ La (nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông) thì kê ra các điều ước về việc phụng thờ thần cầu phúc, quý tước tôn hiền, vụ nông trọng cốc tục cấm đánh bạc, phòng trộm cướp, giữ gìn an ninh… Hương ước làng Tiên Tiến thuộc tổng Phương Hanh, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) gồm 127 điều, trong đó có một số điều quy định rất cụ thể… Hương ước làng Xa Mạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc xã Xa Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội) quy định về trách nhiệm với sự an toàn của cộng đồng, làng xóm, có điều ghi rõ: “Gặp lúc cần cấp như là cướp bóc hay đê sản, trừ những người 60 tuổi trở lên và những người yếu đuối, còn người làng nghe hiệu, đều phải lập tức đến cứu, nếu ai trễ biếng không đến cứu, Hương hội xét thực, phạt từ 2 đến 5 hào”… Ngoài ra một số làng của Hà Nội xưa như: Làng Bát Tràng (Gia Lâm), làng Đông Ngạc (Bắc Từ Liềm) … hay những người dân làm nghệ chạm bạc, đúc bạc thuộc phố Hàng Bạc… đều có hương ước, quy ước riêng.

Bìa sách Hương ước cổ làng xã đồng bằng Bắc bộ – Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Ngày nay, hầu hết các địa phương trên toàn Thành phố đều xây dựng hương ước, quy ước trên cơ sở những hương ước, quy ước của làng, xã, phường nghề xưa nhưng có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đời sống hiện đại. Nhất là từ khi thành phố Hà Nội triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết cây dựng đời sống băn hóa”, nhiều nội dung của Cuộc vận động được đưa vào quy định trong hương ước của nhiều địa phương và được đánh giá là góp phần tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa như: Quy định về hành vi ứng xử giữa gia đình và xã hội; về việc đổ rác nơi công cộng hay trách nhiệm của công dân đối với cộng đồng; các quy định về thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang; quy định xây dựng quỹ khuyến học; quy định về việc các thành viên trong gia đình tôn trọng lẫn nhau…

Bên cạnh những mặt tích cực thì hương ước, quy ước cũng có một số mặt còn hạn chế, chưa phù hợp. Thời xưa, hương ước, quy ước đề cao tính tự trị của cộng đồng mà bỏ qua một số quy định của pháp luật. Hương ước ngày nay dù đã có nhiều đổi mới nhưng tại một số địa phương vẫn còn đưa vào hương ước, quy ước những quy định không phù hợp với xã hội hiện đại, thậm chí, còn trái quy định của pháp luật. Ví dụ như việc một số hương ước thể hiện sự bất bình đẳng với phụ nữ khi đưa ra quy định phụ nữ không được tham gia một số hoạt động của cộng đồng; Đàn ông không sinh được con trai thì không có được một số quyền lợi, hay một số hương ước còn nặng nề nhiều hủ tục, nhất là trong lễ hội, trong hoạt động tín ngưỡng.

Do đó, để phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống hiện đại thì việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới ở những địa bàn chưa có hương ước, quy ước là cần thiết. Đầu tháng 4/2018, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2175/UBND-NC về triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước trên địa bàn thành phố. Công văn yêu cầu Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã của thành phố tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành hương ước, quy ước phải bảo đảm nội dung phù hợp với các quy định Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nội dung của quy ước, hương ước không được trái các quy định của pháp luật, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Tuy nhiên, việc xây dựng hương ước, quy ước của các địa phương cần phải tuân thủ chặt chẽ quy trình rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hoặc xây dựng mới. Để làm được điều này cần phải có sự tham gia của cộng đồng, ngành tư pháp của các địa phương cùng nhau phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng, rà soát. Những nội dung không phù hợp với tinh thần của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhất là nội dung trái pháp luật cần phải được loại bỏ. Bên cạnh đó cũng cần bổ sung những quy định mới vào hương ước, quy ước.

Mới đây nhất, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” cũng đã đặt ra nhiệm vụ: Phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hoá truyền thống trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trong những năm tới đây, Hà Nội sẽ rà soát quy ước, hương ước trên địa bàn Thành phố, phát huy vai trò tự quản của thôn, tổ dân phố trong bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp. Hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục lạc hậu trên địa bàn Thành phố; xử lý ngăn chặn hiệu quả những hiện tượng, hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống; đẩy lùi tiêu cực và tệ nạn xã hội. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hoá độc hại, các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống trái với thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh con người Hà Nội.

Nhật Linh / nguoihanoi.com.vn