Không để nông sản ế
Gần đây, chúng ta được biết đến nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính phủ cũng có nhiều gói hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp để chống đỡ và phục hồi sản xuất kinh doanh. Thế nhưng lại không thấy có cuộc hội thảo, tọa đàm nào nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trên đồng ruộng – lực lượng tiếp viện “quân nhu” chủ lực trong cuộc chiến chống dịch này.
Vào tuần trước, khi phỏng vấn chị Trần Bích Hợp (thôn 2, xã Yên Mỹ) về việc tiêu thụ hoa màu trong thời điểm giãn cách, chị Hợp không ngần ngại nói thẳng với tôi rằng: “Ngô của bà con đến mùa thu hoạch, không thu hoạch thì để ngô già, chỉ có… cho lợn ăn thôi”. Cùng với đó là các loại rau củ quả, nếu bà con không tiêu thụ được thì chỉ có cách “vứt trên đồng ruộng”, vì ở những vùng xanh nông nghiệp, nhà nhà trồng rau, người người trồng rau, có chia nhau ăn cũng chẳng ăn được hết, mà cũng không thể mang ra ngoài bán do Chỉ thị giãn cách xã hội không cho phép bà con ra khỏi thôn, xã.
Chiến dịch 3K sẽ thực hiện cho đến khi toàn Thành phố kiểm soát được dịch bệnh, nới lỏng giãn cách |
Chị Hợp cũng chia sẻ rằng, giá trị nông sản của người nông dân không lớn, nhưng đó là máu thịt, là mồ hôi, là kỳ vọng của nông dân trong mỗi vụ mùa. Mất mùa, người nông dân đau xót, nhưng được mùa mà phải vứt nông sản đi thì còn đau xót gấp mười lần. May thay, vùng quê Yên Mỹ nơi chị Hợp sống, chính quyền xã đã có sáng kiến thu mua nông sản, giải quyết vụ mùa cho bà con, đảm bảo nguồn thu nhập tối thiểu, yên tâm thực hiện giãn cách xã hội.
Nhiều người cho rằng, trong dịch, nông dân là người yên tâm nhất bởi họ có đồng ruộng, có hoa màu, tự cung tự cấp, không lo bị “đói”. Thế nhưng đó chỉ là cách nhìn phiến diện. Người nông dân không chỉ ăn một ngày ba bữa cơm, mà họ còn phải đóng tiền điện, tiền nước, tiền học online cho con cái, tiền chữa bệnh cho người già, tiền mua gạo, mua rau (bởi họ không thể vừa trồng lúa, vừa trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm để tự cung cấp)… và nhiều chi phí khác cho cuộc sống. Bởi thế, nếu họ không bán được nông sản – nguồn thu nhập chính của mình, thì người nông dân cũng sẽ rơi vào bế tắc. Sự bế tắc của người làm ra sản phẩm nông nghiệp cũng không thua kém gì bế tắc của các doanh nghiệp lớn trong đại dịch.
Tại Hà Nội, “cái khó ló cái khôn”, ở rất nhiều thôn, xã, chính quyền và người dân đã tìm ra các biện pháp để giúp người dân giải quyết khó khăn trong đại dịch. Cũng như xã Yên Mỹ, để người nông dân yên tâm sản xuất trong mùa dịch, xã Duyên Hà cũng đã thực hiện chương trình tiêu thụ nông sản cho bà con để mang đến ủng hộ các vùng dịch bị cách ly, với mục tiêu 3K: “Không để bất cứ người nông dân nào phải bỏ rau trên đồng ruộng – Không để bà con phải ra khỏi thôn, xã – Không để bị lây lan Covid-19”.
Thực hiện “mục tiêu kép”
Thu hoạch xong những trái mướp vào vụ trên cánh đồng của gia đình tại thôn Đại Lan (xã Duyên Hà), chị Phạm Thị Hồng cùng với nhiều hộ gia đình đã chở nông sản đến Hợp tác xã Đại Lan để kịp thời phân loại, sơ chế để chuyển đến các xã bị cách ly do dịch trên địa bàn Hà Nội và huyện Thanh Trì.
Chị Phạm Thị Hồng cho biết, khi biết có Chỉ thị giãn cách xã hội, chị đã không nén nổi sự lo lắng bồn chồn khi cánh đồng mướp và nhiều rau, củ quả trái vụ đang vào mùa thu hoạch. Nếu không thể mang đi tiêu thụ, nông sản sẽ già, phải bỏ đi, coi như mất trắng một vụ mùa. May mắn thay, từ ngày 1/8 chị nghe trên loa thông báo của xã có chương trình thu mua nông sản cho bà con để chuyển tới vùng dịch. Chị mừng rơi nước mắt.
Nông sản của bà con được thu mua tại Hợp tác xã Đại Lan |
“Từ ngày 1/8 đến nay, tôi đã được Hợp tác xã Đại Lan thu mua gần 1 tạ mướp và nhiều rau màu khác. Được biết đây là chủ trương của xã để giúp đỡ bà con bán nông sản, không phải ra khỏi thôn, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, bà con rất mừng. Ngoài bán rau với giá bình ổn cho Hợp tác xã, tôi cũng tặng thêm để Hợp tác xã mang ủng hộ bà con vùng bị cách ly”, chị Phạm Thị Hồng hạnh phúc chia sẻ.
Cũng như chị Phạm Thị Hồng, nhiều bà con thôn Đại Lan hồ hởi dậy từ 4h sáng để thu hoạch rau, củ mang tới điểm tập kết. Nhiều bà con có điều kiện kinh tế đã không bán mà tặng hoàn toàn cho Hợp tác xã để mang cứu trợ các vùng cách ly.
Tìm hiểu thêm về “phép màu” này, chúng tôi được bà Phạm Thị Thúy – Bí thư Đảng ủy xã Duyên Hà cho hay, xã Duyên Hà là vùng rau an toàn của thành phố Hà Nội. Trước đây, sau khi thu hoạch bà con mang rau ra các chợ lân cận để bán buôn, bán lẻ. Tuy nhiên khi tình hình dịch trở nên phức tạp, các chợ xung quanh địa bàn có những ca F0 bị phong tỏa, cùng với đó là Chỉ thị giãn cách xã hội khiến cho việc tiêu thụ nông sản của bà con rơi vào bế tắc. Để tìm “lối ra” cho bà con, Đảng ủy, chính quyền xã Duyên Hà đã đưa ra giải pháp thu mua rau cho bà con, gửi tới các vùng dịch bị cách ly. Kinh phí thu mua rau của bà con từ nguồn hỗ trợ của thôn, hợp tác xã, kêu gọi ủng hộ của các mạnh thường quân, Phòng Kinh tế huyện và xã Duyên Hà.
“Chúng tôi rất lo lắng cho bà con nhân dân trên địa bàn, nếu như vì muốn bán nông sản mà đi sang các khu vực khác thì sẽ không an toàn, có thể bị lây lan dịch bệnh về địa phương. Xã đã thống nhất không để bà con ra khỏi địa bàn của thôn, xã, để đi bán rau. Chúng tôi đã trao đổi với Hợp tác xã Đại Lan là nơi có vùng rau của đông đảo bà con, thu mua toàn bộ rau của bà con theo giá bình ổn. Cùng với đó, chúng tôi liên hệ với Phòng Kinh tế huyện và các xã lân cận hiện đang nằm trong diện bị cách ly, phong tỏa, để cung ứng, hỗ trợ, ủng hộ cho bà con ở các khu vực này bằng nguồn nông sản của bà con xã Duyên Hà”, bà Phạm Thị Thúy cho biết.
Lúc đầu, bà con trong xã mang rau đến bán, nhưng một số hộ lại thấy ý nghĩa của việc mang nông sản “tiếp viện” khu vực bị cách ly nên nhiều bà con đã chia sẻ tình cảm của mình. Hộ có điều kiện kinh tế thì mang tặng, hộ khó khăn thì vẫn bán với giá bình ổn và thu tiền về, một số hộ thì vừa bán vừa tặng…
Lực lượng tình nguyện viên tham gia đóng túi để chuyển đến các vùng cách ly |
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Duyên Hà, kinh phí thu mua nông sản của bà con được xã kêu gọi từ các mạnh thường quân, một phần kinh phí do xã và Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì hỗ trợ. Hiện nay Quỹ vẫn tiếp tục được duy trì và hoạt động với “mục tiêu kép”: Giải quyết nông sản cho bà con, không để bà con phải đi ra khỏi địa bàn và chia sẻ khó khăn với các cùng bị cách ly.
Theo thống kê của Hợp tác xã Đại Lan, tính từ khi bắt đầu “chiến dịch” từ ngày 1/8 đến nay, trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã thu mua từ 1,5-3 tấn rau, củ, quả cho bà con. Do rau trái vụ nên hiện nay chủng loại chủ yếu là mướp, cà tím, đậu đũa, rau muống… được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Số lượng thu mua ước tính khoảng 7 tấn nông sản các loại, chưa kể số nông sản mà bà con mang tặng để san sẻ khó khăn với vùng dịch bị cách ly.
Không để rau bị vứt bỏ trên đồng ruộng
Những ngày này, tuy không thể đi chợ nhưng bà con nông dân vẫn hồ hởi ra đồng ruộng thu hoạch rau và chuẩn bị canh tác. Theo chia sẻ của người dân, số rau trên đồng ruộng đã được thu hoạch nhiều, có những hộ đã bán hết rau.
Chị Phạm Thị Thu Hương (xóm 3 Đại Lan) hồ hởi cho biết: “Chúng tôi được biết xã sẽ thu mua hết rau cho bà con cho đến thời điểm kiểm soát được dịch bệnh, gỡ bỏ giãn cách, không để ai phải đổ nông sản ra bờ ruộng, chúng tôi rất yên tâm. Rau màu là sinh kế của bà con, cũng là công sức của nông dân chúng tôi chăm bẵm, tưới tiêu, chính vì vậy nếu phải vứt rau đi, chúng tôi rất xót lòng. Chủ trương của xã khiến cho bà con yên tâm “ai ở đâu ở yên đấy” để phòng, chống dịch”.
Lực lượng hỗ trợ đều đã được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 |
Chia sẻ về thông tin này, bà Phạm Thị Thúy cũng khẳng định sẽ thu mua hết rau màu cho bà con đến khi Chỉ thị giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh được kiểm soát. Với tinh thần đảm bảo đời sống kinh tế cho người dân, chống dịch hiệu quả, xã đã huy động lực lượng phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên, cán bộ thôn, xã phối hợp với Hợp tác xã Đại Lan phân loại, đóng túi để vận chuyển đển các vùng cách ly. Sau khi nông sản được đóng gói sẽ được mang đến các đầu chốt của khu vực bị phong tỏa để phục vụ bà con. Cùng với đó, xã cũng liên hệ với các xã có vùng dịch bị cách ly cho xe đến vận chuyển ra đi.
“Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, chúng tôi hạn chế người của địa phương đi ra ngoài, nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Vì thế chúng tôi kết nối để các vùng cách ly đến lấy nông sản tại các chốt, tránh tiếp xúc”, bà Thúy cho biết.
Để đảm bảo an toàn cho “chiến dịch”, xã Duyên Hà đã quán triệt tới các hộ nông dân tham gia cung cấp nông sản phải trang bị khẩu trang, mặt nạ chống giọt bắn, thực hiện 5K. Hợp tác xã Đại Lan là điểm tập kết thu mua rau cũng được tuyển chọn bởi những người đã được tiêm phòng Covid-19. Trong quá trình giao dịch với bà con phải đảm bảo các biện pháp giãn cách, phòng dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Chiến dịch thu gom nông sản gửi tới vùng dịch bị cách ly là cách làm hay của chính quyền và người dân xã Duyên Hà để người dân yên tâm sản xuất, đảm bảo đời sống kinh tế; đồng thời để bà con không phải ra khỏi địa phương để tìm kế sinh nhai, tránh lây lan dịch bệnh. Và hơn nữa, đó là việc làm thiết thực nhằm chia sẻ những yêu thương tới các vùng bị cách ly trong những ngày chống dịch.
Bảo Thoa / laodongthudo.vn