Hà Nội còn 224 định mức, đơn giá chưa hoàn thành

Sáng 7/12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XVI, lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, Sở, ngành đã làm rõ cam kết hoàn thành công tác rà soát, xây dựng các định mức đơn giá lĩnh vực rác thải, nước thải, vận tải hành khách công cộng và chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố.

Cơ bản hoàn thành đơn giá trong bốn lĩnh vực

Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Tổ quận Bắc Từ Liêm) nêu câu hỏi tới Giám đốc Sở Tài chính về kết quả thực hiện cam kết hoàn thành công tác rà soát, xây dựng các định mức đơn giá lĩnh vực nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, vận tải hành khách công cộng… trên địa bàn Thành phố.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, sau khi được UBND Thành phố chỉ đạo, giữa năm 2023, Sở đã tập trung rà soát toàn bộ các định mức đơn giá.

Kết quả rà soát đến tháng 11/2023, Thành phố đã ban hành được 58 định mức, 36 đơn giá. Trong 224 định mức chưa được ban hành, có 30 định mức thuộc trách nhiệm của Trung ương, 124 định mức thuộc trách nhiệm của Thành phố; trong 252 đơn giá chưa được ban hành có 30 đơn giá thuộc trách nhiệm của Trung ương và 222 đơn giá thuộc trách nhiệm của địa phương.

Hà Nội còn 224 định mức, đơn giá chưa hoàn thành
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu trả lời chất vấn.

Sau rà soát, Sở Tài chính đã cùng với các sở chuyên ngành tham mưu UBND Thành phố lần đầu tiên ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch xây dựng định mức, đơn giá. Theo đó, lộ trình trong năm 2023 sẽ xây dựng xong 54 định mức, 29 đơn giá; năm 2024 xây dựng xong 133 định mức, 186 đơn giá. 7 định mức và 7 đơn giá còn lại sẽ được xây dựng vào đầu năm 2025.

“Sau khi có định mức thì sở chuyên ngành xây dựng đơn giá, phối hợp Sở Tài chính thẩm định để trình cấp có thẩm quyền ban hành. Sở Tài chính đang tập trung rất cao nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy trình, đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất”, Giám đốc Sở Tài chính khẳng định.

Về định mức các lĩnh vực trọng tâm được đại biểu chất vấn, Giám đốc Sở Tài chính cũng nêu, sau khi được chỉ đạo của Thành phố, Sở Tài chính cùng các sở chuyên ngành tập trung ban hành định mức tạm thời khối giáo dục; đã trình UBND Thành phố và xem xét ký trong năm 2023.

Về đơn giá nước thải, trước đây tính bằng tỷ lệ % với nước sinh hoạt, hiện được xây dựng giá riêng và sau này sẽ thu hồi. Về lĩnh vực vận tải công cộng, hiện Sở Giao thông Vận tải đã thí điểm nội dung liên quan đến vé liên thông.

Hà Nội còn 224 định mức, đơn giá chưa hoàn thành
Đại biểu Vũ Ngọc Anh nêu câu hỏi chất vấn.

Về giá đấu thầu kỳ mới cho việc thu gom, vận chuyển rác thải, UBND Thành phố đã phê duyệt để tạo cơ hội cho các quận, huyện tổ chức đấu thầu giai đoạn 2024-2026.

“Như vậy, trong bốn lĩnh vực này, về cơ bản đã hoàn thành trong năm 2023, còn nội dung vận tải hành khách công cộng thì tiếp tục triển khai sớm”, Giám đốc Sở Tài chính khẳng định.

Về đơn giá nhân công của nhóm vận chuyển rác, Sở Tài chính cùng Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện đã tập trung rà soát, báo cáo UBND Thành phố về việc tồn tại đã lâu, khối lượng nhiều. Ngày 17/11/2023, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố có thông báo thống nhất với đề xuất của hai Sở cho phép thanh toán nội dung này.

Sở Xây dựng và Tài chính sẽ hướng dẫn quy trình tính, trên cơ sở đó UBND các quận, huyện sẽ thực hiện điều chỉnh hợp đồng, quyết toán để bố trí nguồn lực thanh toán cho các nhà thầu giai đoạn đó.

Trong trường hợp các quận, huyện thiếu nguồn lực, Sở Tài chính tham mưu UBND Thành phố hỗ trợ để thanh toán dứt điểm. Giám đốc Sở Tài chính cũng khẳng định trong nửa đầu năm 2024 sẽ xử lý dứt điểm nội dung này.

Triển khai tích cực chuyển đổi số, phân cấp ủy quyền

Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng (Tổ đại biểu quận Đống Đa) về những chỉ tiêu rất khó thực hiện về chuyển đổi số, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, chuyển đổi số là việc mới, việc quan trọng của Thành phố. Thành phố xây dựng kế hoạch mang tính tích hợp từ cải cách hành chính, chuyển đổi số… gồm 27 chỉ tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người có việc, rõ trách nhiệm.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh đây là việc lớn và khó nhưng Thành phố quyết tâm thực hiện. Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, chuyển đổi số nếu thực hiện được sẽ tạo đột phá lớn. Thành phố đã tích hợp các ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban về cải cách hành chính, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 của Chính phủ; tạo thuận tiện, thống nhất cho công tác chỉ đạo. Trong tổ chuyển đổi số có mời Văn phòng Chính phủ tham gia chuyển đổi số và chuyên gia của Thành phố.

Hà Nội còn 224 định mức, đơn giá chưa hoàn thành
Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI.

Thành phố xác định nhận thức về chuyển đổi số là việc thay đổi phương thức làm việc mới để đổi mới tư duy sáng tạo. Ví dụ về việc thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Hà Nội đang triển khai rất tích cực, toàn diện. Đến nay, đã làm được những việc mang tính nền tảng như đã có hệ thống báo cáo số; hạ tầng số…

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Tổ đại biểu thị xã Sơn Tây) chất vấn về phân cấp, ủy quyền cho quận, huyện, thị xã về 31 thủ tục hành chính, tuy nhiên đến nay mới có 1 thủ tục có quy trình.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, sau khi làm việc với Bộ Nội vụ, có một số nội dung không phân cấp được xuống quận, huyện. Vì vậy trong tháng 9/2023, Sở có văn bản báo cáo đề xuất UBND Thành phố đưa 31 thủ tục hành chính này ra khỏi danh sách ủy quyền cho quận, huyện của Thành phố.

Phát biểu kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn sáng 7/12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trên cơ sở nội dung tái chất vấn của HĐND Thành phố và trả lời của UBND Thành phố, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, đề nghị UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách các khối chỉ đạo khẩn trương rà soát các nội dung nghị quyết chất vấn, các cam kết, lời hứa của UBND Thành phố và các cơ quan với HĐND Thành phố. Đánh giá rõ chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện, từ đó tập trung chỉ đạo, có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong tổ chức thực hiện.

Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên đôn đốc tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, kịp thời xem xét, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai, để sớm hoàn thành và có các kết quả, sản phẩm cụ thể.

Ngân Phương