Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền trao khen thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2022. |
Trong đó, Sở Công Thương đã tổ chức các hội chợ, 7 phiên chợ Việt, 5 tuần hàng Việt nhằm kích cầu nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quảng bá, tiêu thụ nông sản thực phẩm, trái cây, thủy sản, sản phẩm OCOP và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng; tổ chức chuỗi các hoạt động triển khai Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022.
Liên đoàn Lao động Thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tổ chức có hiệu quả các “Phiên chợ công nhân, phiên chợ nghĩa tình”, “Gian hàng giảm giá”, “Hội chợ hàng Việt”, “Chợ lưu động”, “Siêu thị Công đoàn”… với hàng hóa là thương hiệu Việt ở các khu đông công nhân lao động sinh sống, ưu tiên tổ chức tại các Khu công nghiệp, chế xuất, khu nhà trọ, nhà ở công nhân,…
Cụ thể, trong năm 2022, Liên đoàn Lao động Thành phố đã tổ chức 155 chương trình “Cảm ơn người lao động” với sự tham dự của trên 6.000 công nhân, viên chức, lao động, tặng quà bằng các sản phẩm hàng Việt cho công nhân lao động. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình “phúc lợi đoàn viên”; tìm kiếm đối tác mới để triển khai 152 cuộc với nhiều nội dung hỗ trợ thiết thực, vận động và phối hợp cùng các đối tác cung cấp các sản phẩm hàng hóa chất lượng, tạo điều kiện để gần 140.767 đoàn viên, người lao động được mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ với mức giá ưu đãi, tổng số tiền được ưu đãi lên đến 14,7 tỷ đồng…
Năm 2022, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố đã tổ chức Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, qua đó công nhận 213 sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2022. Trong đó: TOP 1 có 50 sản phẩm, dịch vụ của 33 doanh nghiệp; TOP 2 có 59 sản phẩm, dịch vụ của 35 doanh nghiệp; TOP 3 có 52 sản phẩm, dịch vụ của 41 doanh nghiệp; TOP 4 có 52 sản phẩm, dịch vụ của 41 doanh nghiệp.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Sở Công Thương và LĐLĐ thành phố Hà Nội thăm gian hàng bày bán sản phẩm hàng Việt cho công nhân lao động tại Chợ Tết Công đoàn năm 2023. Ảnh: Mai Quý. |
Đặc biệt, trong năm 2022, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tham mưu cho Thành phố triển khai việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố cho biết, trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã tập trung giao nhiệm vụ cho các sở, ngành để triển khai các hoạt động kích cầu, giúp cho tăng trưởng kinh tế, trong đó vai trò của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các quận, huyện được thể hiện khá rõ nét.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng tập trung kiểm tra, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, để hàng Việt được cạnh tranh lành mạnh trên sân nhà; công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện rõ nét; công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, hiệu quả…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội trong năm 2022.
Nhấn mạnh những khó khăn trong năm 2023, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cũng lưu ý các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao ý thức về việc tiêu dùng hàng Việt thông qua các hoạt động như: đẩy mạnh chuyển đổi số; hoàn thiện hệ thống thương mại trên địa bàn Thành phố…
Tại Hội nghị, 10 tập thể và 10 cá nhân xuất sắc đã vinh dự được nhận Bằng khen của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội.