Tạo chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của xã hội về quyền con người
Kế hoạch nhằm tổ chức tuyên truyền, quán triệt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông quyền con người ở Việt Nam tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố, đồng thời tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Từ đó, tạo chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của xã hội về quyền con người, thông tin đầy đủ giúp nhân dân Thủ đô cùng với nhân dân cả nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.
Xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tôn trọng, bảo vệ và thực thi toàn diện quyền con người, lan toả và nâng cao vị thế của Thủ đô, tăng cường tình hữu nghị, sự tin cậy và ủng hộ của bạn bè quốc tế với Việt Nam và Thủ đô Hà Nội.
Kế hoạch đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2028 có 100% cơ quan hành chính nhà nước thuộc Thành phố thực hiện cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định hiện hành, trong đó liên hệ lồng ghép thông tin về kết quả bảo vệ, thực thi quyền con người trên địa bàn Thành phố gắn với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị.
Ảnh minh họa. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN |
100% cán bộ làm công tác quyền con người của Thành phố, 100% cán bộ làm công tác quản lý thông tin, truyền thông của Sở Thông tin và truyền thông, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; 100% nhân sự tham gia công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan báo chí thành phố, 70% cán bộ chủ chốt của các tổ chức chính trị – xã hội cấp Thành phố được cập nhật thông tin tình hình công tác quyền con người ở Việt Nam, tham gia các khoá bồi dưỡng của Trung ương và Thành phô tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người.
Đồng thời, hưởng ứng chuỗi Triển lãm ảnh, tài liệu lưu trữ về quyền con người ở Việt Nam do các cơ quan Trung ương tổ chức, phát động trên địa bàn Thành phố; đa dạng hoá các sản phẩm truyền thông, tăng cường các sản phẩm truyền thông về quyền con người bằng tiếng nước ngoài và sản phẩm truyền thông trên nền tảng số, lan toả thông tin tích cực, nhân văn.
Từ đó, giảm thông tin sai lệch, tin giả, tin xấu, xâm hại quyền con người trên không gian mạng, tăng cường phát hiện, xử lý tin giả, tin xấu độc xâm phạm quyền con người trên không gian mạng….
Về đối ngoại, góp phần cùng các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước hoàn thành việc thực hiện khuyến nghị của quốc tế về tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về quyền con người đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, bao gồm: Khuyến nghị số 63 (Thúc đẩy sự đóng góp của truyền thông công cộng trong việc nâng cao nhận thức về quyền con người cũng như luật về quyền con người), khuyến nghị số 67 (Theo đuổi các nỗ lực tăng cường nhận thức về quyền con người nhằm đảm bảo tốt hơn việc thúc đẩy quyền con người), khuyến nghị số 86 (Tiếp tục thực hiện các chương trình tăng cường nhận thức về quyền con người, nhất là về các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên) theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc chu kỳ III.
Kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái
Kế hoạch cũng nêu rõ, nội dung truyền thông là luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó đặc biệt quan tâm bởi 7 Công ước quốc tế về quyền con người, gồm: Công ước về các quyền dân sự và chính trị; Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá; Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền trẻ em; Công ước về quyền của người khuyết tật; Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo thúc đẩy quyền con người.
Bên cạnh đó, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người, các cam kết quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên hoặc có kế hoạch gia nhập các văn bản của thành phố Hà Nội triển khai công tác về quyền con người.
Tình hình, nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực trong đó có công tác xoá đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống của người dân, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, không ai bị bỏ lại phía sau, những đánh giá, nhận định tích cực của dư luận, truyền thông quốc tế về kết quả công tác bảo đảm và phát triển quyền con người ở Việt Nam và Thành phố.
Đồng thời, kịp thời đấu tranh, phản bác với các quan điểm, luận điểm sai trái về quyền con người, lên án hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, quyền con người dễ bị vi phạm pháp luật, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hình ảnh, uy tín quốc tế của Việt Nam và thành phố Hà Nội.
Các ưu tiên trong đối ngoại về quyền con người của Việt Nam về vị trí, vai trò, sáng kiến và đóng góp của Việt Nam trong các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người ở cấp độ khu vực và quốc tế; khẳng định sự chủ động, tích cực của thành phố Hà Nội trong các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế nhằm thực thi và bảo vệ quyền con người…
H.L
Hà Nội: Đa dạng hình thức truyền thông về quyền con người (laodongthudo.vn)