Hà Nội: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 243/KH-UBND về tăng cường tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về PCTN

Việc tăng cường tuyên truyền PCTN nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính; xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về PCTN trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân Thủ đô; Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện pháp luật về PCTN.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN vừa mang tính chất chiều rộng, đi vào chiều sâu, thiết thực. Gắn việc tuyên truyền thực hiện PCTN với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” tới từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân Thủ đô.

Thành phố đề nghị các cấp, các ngành, địa phương thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật về PCTN với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, thích hợp với từng loại đối tượng. Căn cứ tình hình thực tế và đối tượng tuyên truyền, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp như: Thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở; báo in, báo hình; biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật.

Hà Nội: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN.

Thực hiện hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường; xây dựng tủ sách pháp luật; tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tăng cường các loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; nâng cao hoạt động hoà giải ở cơ sở; thông qua các loại hình văn hoá, văn nghệ; qua hoạt động thực thi pháp luật việc xây dựng, thực hiện hương ước của thôn, làng, quy chế của cơ quan, điều lệ của các tổ chức đoàn thể xã hội…

Về nội dung, UBND Thành phố yêu cầu tập trung tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân, điều kiện tham nhũng và giải pháp PCTN; ý nghĩa, tầm quan trọng của PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính; tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức liêm chính và PCTN; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Thành phố về PCTN.

Đồng thời, tuyên truyền về Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trọng tâm là hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong PCTN; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc xử lý tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về PCTN….

Tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm PCTN trong lịch sử Việt Nam và Thành phố; các nhiệm vụ, giải pháp PCTN tại các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo, đánh giá, tổng kết… công tác PCTN của Trung ương và Thành phố; Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; hợp tác quốc tế của Việt Nam trong PCTN; kinh nghiệm quốc tế về PCTN.

Bên cạnh đó, giới thiệu các mô hình, kinh nghiệm, gương tiêu biểu về PCTN và đạo đức liêm chính; phê phán những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương…

Tổ chức các cuộc thi, giải thưởng có chủ đề PCTN

UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và UBND các quận, huyện, thị xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện 14 nhiệm vụ cơ bản.

Trong đó tiếp tục tổ chức, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về PCTN; đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn Giáo dục công dân và môn Pháp luật tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng của Thành phố.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ tuyên truyền viên là người có uy tín trong cộng đồng dân cư; tập huấn, bồi dưỡng cập nhật chính sách, pháp luật về PCTN thường xuyên đối với đội ngũ tuyên truyền nòng cốt này.

Đồng thời, xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục; tin, bài, tranh, ảnh cổ động, khẩu hiệu có chủ đề PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính trên các kênh phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí của Hà Nội, Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố, Cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã…

Tuyên truyền qua các hoạt động văn hóa – nhất là văn hóa truyền thống; nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng; tuyên truyền lưu động; tổ chức xét xử lưu động các vụ án tham nhũng; tổ chức các hoạt động tôn vinh, nhân rộng mô hình, gương tiêu biểu trong PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xây dựng đạo đức liêm chính; tổ chức các cuộc thi, giải thưởng có chủ đề PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính…

H.L
https://laodongthudo.vn/ha-noi-da-dang-hoa-cac-hinh-thuc-tuyen-truyen-phap-luat-ve-phong-chong-tham-nhung-146156.html