Hà Nội đạt nhiều chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số

Từ sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đến nay, kết quả chuyển đổi số của Hà Nội đã bước đầu được ghi nhận. Hạ tầng số của Hà Nội đã được triển khai đồng bộ tới cơ quan nhà nước 3 cấp của Thành phố; một số chỉ tiêu kinh tế số, xã hội số giai đoạn 2021 – 2025 đã hoàn thành.

Hà Nội với quy mô Thành phố hơn 10 triệu dân, số lượng đơn vị hành chính lớn (30 Ủy ban nhân dân (UBND) quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn), việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn rộng, dân số lớn sẽ có nhiều khó khăn hơn so với các tỉnh/thành phố khác. Tuy nhiên, với sự quyết liệt chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ Thành ủy, UBND Thành phố và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong công tác chuyển đổi số tại các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô.
Hà Nội đạt nhiều chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa UBND quận Long Biên

Tại Hà Nội, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo, bồi dưỡng được tích cực triển khai trên nhiều phương diện và nhiều hình thức đa dạng (Cổng Thông tin điện tử Hà Nội, Cổng/trang thông tin điện tử các cơ quan nhà nước, mạng xã hội: Zalo, Facebook…).

Các hoạt động, sự kiện được Thành phố tổ chức triển khai được người dân, doanh nghiệp ghi nhận với quy mô, phạm vi rộng: Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – Châu Á 2023; Sự kiện phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố trong các lĩnh vực: an sinh xã hội, y tế, giáo dục, công thương,…

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (Mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến (Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023).

Hạ tầng số của Hà Nội đã được triển khai đồng bộ tới cơ quan nhà nước 3 cấp của Thành phố (UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành, 30 UBND quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn) và tiếp tục duy trì bảo đảm phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của Thành phố và hoạt động công vụ, hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp viễn thông quản lý, duy trì, triển khai hạ ngầm các đường dây cáp viễn thông tại các tuyến phố trên địa bàn Thành phố và thử nghiệm mạng 5G… đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trên địa bàn Thành phố.

Thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi của Thành phố nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thành phố đến 3 cấp trực thuộc Thành phố đảm bảo theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp với các hệ thống của Trung ương (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Thành phố; Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố…).

Thành phố đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp, việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỉ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử.

99,5% tổ chức, doanh nghiệp có hóa đơn điện tử; 100% hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.

Song song với đó, chữ ký số được triển khai đồng bộ trên các hệ thống thông tin phục vụ xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến, với 13.285 chữ ký số chuyên dùng cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố; hơn 41 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử thực hiện.

Các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện phát triển kinh tế số, xã hội số đã được UBND Thành phố chỉ đạo tại kế hoạch số 239/KH-UBND về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đến nay, một số chỉ tiêu giai đoạn 2021 – 2025 đã hoàn thành: 100% xã, phường, thị trấn đã có hạ tầng cáp quang; Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đến hộ gia đình đạt tỷ lệ trên 93%; Số thuê bao di động là băng rộng đạt tỉ lệ 121%; Số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân đạt tỉ lệ 27,3%; Tỉ lệ hộ gia đình có sử dụng ít nhất một điện thoại thông minh đạt 122,7%; Tỉ lệ thuê bao di động sử dụng Smartphone trên tổng số thuê bao điện thoại di động đạt 81,7%.

Từ sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đến nay, kết quả chuyển đổi số của Hà Nội đã bước đầu được ghi nhận, với chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2022 tăng 16 bậc so với năm 2021.

Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông năm 2022 (Báo cáo Vietnam ICT Index) được công bố vào tháng 10/2023, Hà Nội xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam thì Hà Nội tiếp tục đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam.

N.Hoa