Nhà văn Uông Triều quê ở Quảng Ninh, nhưng đã chuyển công tác về Thủ đô được 10 năm và đã “phải lòng” Hà Nội nhiều thứ. Anh “trò chuyện” với Hà Nội như một người bạn qua những lần “bát phố”, la cà vào những quán xá, từ “sang chảnh” cho đến bình dân nơi vỉa hè, để thưởng thức phong vị đa dạng của ẩm thực đất Hà thành.
Mặc dù được biết đến là phần 2 của Hà Nội quán xá, phố phường, nhưng với tác giả Uông Triều, Hà Nội dấu xưa, phố cũ là một tác phẩm mang nhiều nét riêng đặc biệt.
“Tôi rất ngạc nhiên vì được đề cử lần 2…”
“Ở cuốn trước, tôi khảo sát phố, hàng quán, món ăn Hà Nội. Ẩm thực chiếm một vị trí khá quan trọng. Còn ở cuốn này tôi mở rộng hơn, đa dạng hơn về các đặc trưng Hà Nội” – Uông Triều chia sẻ – “Cứ bảo Hà Nội có những đặc điểm riêng nhưng tôi nghĩ cần gọi chúng ra cụ thể. Ví dụ con phố nào có âm thanh đặc biệt nhất, con phố nào đi cách xa đã ngửi thấy mùi vị, phố nào sặc sỡ nhất. Hà Nội nhìn từ trên cao ra sao, mái ngói của Hà Nội có màu gì, nếu cơn mưa ập đến trong thành phố thì mọi người trú ở đâu. Hà Nội lúc 0h có gì đặc biệt…Tôi cũng đi xa hơn như lên thành cổ Sơn Tây, vào chùa Đậu, thăm đình Mông Phụ… Tôi viết nhiều về đền chùa trong phố cổ”.
Nhiều bạn đọc bảo rằng cuốn Hà Nội dấu xưa, phố cũ “nặng ký” hơn cuốn trước, còn khi đặt cạnh nhau, “bộ đôi” tác phẩm về Hà Nội này sẽ tạo ra một tổng thể chung và hấp dẫn hơn. Phong cách viết của Uông Triều đã có thêm sự sâu lắng và trưởng thành. Anh đi sâu vào cảnh quan và tâm thức Hà Nội, viết trong sự liên kết và hồi tưởng. Tác phẩm như một cuốn “dư địa chí” về Hà Nội vừa lạ vừa quen. Và để tạo nên cái lạ, sâu thêm cái quen, Uông Triều đã dành thời gian tìm kiếm, rong ruổi khắp nẻo Hà thành.
Viết về phố xá Hà Nội thì mất khá nhiều công sức và kiên nhẫn. Việc điều tra tư liệu qua sách vở thì không quá khó vì nguồn tư liệu cũng nhiều. Khó khăn nhất là đi thực tế, khảo sát. Anh đã phải đi bộ rất nhiều trong các con phố của Hà Nội để thâm nhập thực địa, ghi chép, so sánh, đối chiếu.
“Công việc làm vào mùa Hè khá vất vả vì nóng bức. Tôi thường xuyên len vào các ngõ ngách, đình chùa và đôi khi cũng gặp những rắc rối nhất định” – Uông Triều nhớ lại – “Vài lần tôi bị người ta nghi là kẻ gian vì cứ ngó nghiêng tìm kiếm. Đến những nơi công cộng bị chiếm dụng, họ cũng không được chào đón hoặc chia sẻ thông tin. Hình ảnh của tôi khi ấy là đầu đội mũ vải, tay cầm một quyển sổ nhỏ len lỏi, kiếm tìm khắp các con phố”.
Khi biết Hà Nội dấu xưa, phố cũ” được đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm nay, tác giả không giấu nổi sự bất ngờ: “Nói thật, tôi rất ngạc nhiên về lần đề cử thứ 2 này. Tất nhiên không ai viết để nhằm được giải thưởng nhưng nó là một niềm vui đối với tôi”.
Hoài niệm và cảm thức hiện thực
Hà Nội là một đề tài lớn trong văn chương, cách Uông Triều định hình và xây dựng chỗ đứngchính là tạo nên một góc nhìn “không động chạm”. Anhnhận mình là “người tỉnh lẻ”, nhìn Hà Nội như “trong cuộc gặp mặt lần đầu”. Hà Nội dưới ngòi bút của Uông Triều có nhiều hoài niệm, nhưng những hoài niệm ấy không hề buồn! “Tôi là một người trẻ, tôi tiếp cận trực tiếp và cởi mở, không định kiến hoặc sợ hãi. Tôi không chủ trương hoa mỹ khi viết về Hà Nội như nhiều bậc tiền bối. Chủ trương của tôi là giản dị và mộc mạc, tôi muốn một lối riêng của mình” – anh tâm niệm.
Không chỉ viết và hoài niệm, Uông Triều đặt Hà Nội dưới cái nhìn “gai góc” của hiện thực.Trải qua bao biến cố thăng trầm, Hà Nội dần “thay da đổi thịt”, lặng lẽ lưu lại những vết trầm tích và hướng về một thời đại mới.
“Thành phố đang trong giai đoạn rất quan trọng đan xen giữa cũ và mới. Hà Nội bây giờ khác khá nhiều so với trước kia, ồn ào, đông đúc, bụi bặm hơn và cũng có những thứ cao, nhanh và mạnh mẽ hơn.Tôi từng so sánh rằngHà Nội nghìn năm tuổi có lúc như một đứa trẻ mới lớn với cái áo quá chật cần có những thay đổi. Đó là sự thật mà chúng ta cần chấp nhận và thích nghi với nó”.
“Theo thời gian, những dấu vết trên con phố xưa có chỗ còn nguyên vẹn, có chỗ phai nhạt dần và có chỗ đang thành phế tích. Tôi đi dọc con phố và suy tư về những gì từng diễn ra ở nơi này, ngắm những cây long não cổ thụ hơn trăm năm tuổi. Đời cây, đời người, lịch sử với bao biến đổi, thăng trầm, giờ tìm những góc xưa, phố cũ để hoài niệm, thương nhớ một thời dĩ vãng”.(Trích Hà Nội, dấu xưa, phố cũ của Uông Triều).
“Ở phố nhiều rồi, tôi muốn đi sâu vào từng ngõ ngách”
Là một tác giả viết nhiều sách về Hà Nội,nhưng ít ai biết rằng, Uông Triều không phải “người con ruột thịt” của mảnh đất này. Sau 10 năm dạy học tại quê nhà (Quảng Ninh), anh quyết định trở lại Hà Nội để bắt đầu sự nghiệp văn chương.
“Tôi sống ổn và yên bình ở Hà Nội. Và nói thực là ban đầu tôi khá chán vì nó quá ầm ĩ, đông đúc, nhưng dần dần tôi đã thích nghi với nó. Trong quá trình khám phá thành phố, tôi hiểu Hà Nội hơn và tình yêu của tôi cũng lớn dần” – anh tâm sự.
“Con phố tôi thích nhất ở Hà Nội là phố Phan Đình Phùng. Phố rộng rãi, nhiều cây sấu cổ thụ, nhiều biệt thự Pháp cổ điển, khung cảnh rất bình yên. Tôi thường xuyên đi bộ và uống cà phê trên phố này. Nếu Hà Nội có nhiều phố kiểu Phan Đình Phùng thì rất tuyệt”.
“Tôi sẽ viết một cuốn sách nữa về Hà Nội ở một hiện thực sát sạt, thậm chí trần trụi. Tôi muốn mô tả chính xác và cụ thể về Hà Nội ở thời điểm hiện tại dưới góc nhìn văn chương. Tôi đã ở phố nhiều rồi, và bây giờ, tôi muốn đi sâu vào từng ngõ ngách – nơi những người dân nghèo thành thị đang sinh sống.
Ngoài ra, tôi cũng muốn thay đổi cách nhìn của mình sau 2 cuốn sách đã xuất bản. Phố phường, quán xá đủ rồi, con người mới là hiện tại. Đó là một thách thức nhưng tôi sẽ cố gắng hoàn thành nó”.
Có người nhận xét cho rằng: “Uông Triều là người tỉnh lẻ 10 năm đi tìm chất Hà Nội”. Cho đến thời điểm hiện tại, hành trình 10 năm ấy vẫn đangtiếp tục dài thêm, lặng thầm, giản đơn và bền bỉ. Uông Triều không tự tin hiểu hết về Hà Nội, nhưng bằng sự trải nghiệm, “thấu thị”đến tận cùng, tình yêu Hà Nội của anh là sự thật không thể chối bỏ!
Hiền Lương/TTVH