Tại phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm), với những thủ tục như: Chứng thực bản sao; thủ tục chứng thực chữ ký; thủ tục đăng ký kết hôn; thủ tục đăng ký khai tử; thủ tục trích lục bản sao đối với giấy khai sinh, khai tử, kết hôn, chỉ mất khoảng 10 phút là người dân sẽ được bộ phận “một cửa” trả kết quả ngay.
Người dân thực hiện một số thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm). |
Không chỉ riêng phường Hàng Bồ, 18/18 phường của quận Hoàn Kiếm đã đồng loạt triển khai chuyên đề, với cách làm mới này, bộ phận “một cửa” các phường đã nhận được sự ủng hộ và phản ánh tích cực từ công dân.
Bày tỏ sự hài lòng khi chứng thực bản sao được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, ông Đinh Quang Huynh chia sẻ: “Thời gian làm thủ tục hành chính tại phường đã nhanh hơn rất nhiều, có kết quả ngay nên người dân không cần đi lại nhiều lần. Đây là cách làm hay tiết kiệm được thời gian và chi phí cho người dân”.
Cùng chung đánh giá như ông Huynh, bà Võ Thị Minh (Tổ dân phố số 5 phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) đến làm thủ tục chứng thực bản sao Căn cước công dân, thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân vào đầu giờ chiều, mặc dù lượng công dân đến làm các thủ tục hành chính khá đông nhưng chưa đầy 20 phút bà Minh đã nhận được kết quả.
“Trước kia muốn làm thủ tục, tôi phải ra phường xin mẫu, viết rồi nộp tờ khai, đợi tới ngày hẹn ra nhận kết quả nhưng với mô hình “Thứ Hai – Ngày không giấy hẹn”, tôi không phải chờ đợi, và được cán bộ và đoàn viên, thanh niên phường nhiệt tình hỗ trợ hướng dẫn mọi trình tự thủ tục liên quan. Việc giải quyết thủ tục diễn ra nhanh chóng, trôi chảy, cán bộ làm việc chuyên nghiệp, tạo sự gần gũi đối với chúng tôi”, bà Minh chia sẻ.
Không chỉ riêng người dân được hưởng lợi, những hoạt động chuyển đổi số mà thành phố Hà Nội đang hướng đến đã và đang tạo ra nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bên liên quan và các sàn thương mại điện tử tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng trên sàn thương mại cho các hộ sản xuất. Theo đó, sản phẩm nông nghiệp được quảng bá, giới thiệu lên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn (thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) và Voso.vn (thuộc Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel).
Là một trong những đơn vị nhận được sự hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, ông Lê Tùng Lâm, Trưởng phòng Hợp tác xã nông nghiệp Sông Hồng cho biết, khi bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường, Hợp tác xã đã nhận được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp Hà Nội và Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đông Anh trong các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá trên nền tảng số.
“Với các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm ống hút từ rau củ quả của Hợp tác xã được công nhận đạt OCOP 5 sao, để sản phẩm tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn, Hợp tác xã đẩy mạnh đa kênh bán hàng, ngoài việc cung cấp cho cửa hàng, một số hệ thống siêu thị, Hợp tác xã bán sản phẩm trên trang Shopee, Lazada… Từ việc giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, diễn đàn, đến nay sản phẩm của Hợp tác xã đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố và một số quốc gia”, ông Lâm cho hay.
Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Đó chỉ là 3 trong số nhiều câu chuyện mà người dân, doanh nghiệp đã và đang từng bước được hưởng lợi nhờ chuyển đổi số đem lại. Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị của Thành phố.
Cán bộ, công chức thuộc Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố tham dự tập huấn sử dụng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thế hệ mới của Thành phố. |
Hà Nội là một trong các tỉnh/thành phố đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh/thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021.
Bên cạnh việc ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ cụ thể, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống lớn, dùng chung toàn thành phố đã hoàn thành gồm: Hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Cùng với đó là các quy định, quy chế kèm theo để đảm bảo vận hành, khai thác các hệ thống thông tin như: Quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước Thành phố đã hoàn thành trong quý I/2023; quy chế hoạt động hệ thống thư điện tử Thành phố…
Trung tâm Dữ liệu chính của Thành phố đang được tập trung triển khai để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV/2023. Cùng với đó là tiếp tục duy trì, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt mạng diện rộng WAN của Thành phố, hệ thống giao ban trực tuyến cả Thành phố (đã được triển khai tới 3 cấp chính quyền).
Hà Nội cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đến nay, trên toàn Thành phố đã cấp khoảng 10 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện dịch vụ công trực tuyến của Thành phố.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được, 6 tháng cuối năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm Make in Việt Nam và hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số…
Đồng thời, tiếp tục triển khai các Kế hoạch của UBND Thành phố về phát triển hạ tầng bưu chính – viễn thông phục vụ chương trình chuyển đổi số Thành phố; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của Thành phố; triển khai thử nghiệm Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn Thành phố.