Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo |
Sau khi nghe khái quát báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU, đại diện các quận, huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Mê Linh, Chương Mỹ… đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ này trên địa bàn.
Đáng chú ý, với quan điểm không né tránh, các địa phương đã chủ động rà soát các tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố, xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh, chỉ đạo xử lý tốt các vụ việc “nóng” trên địa bàn. Song song với phát triển kinh tế, các đơn vị quan tâm phát triển cơ sở Đảng, giải quyết các vấn đề nổi cộm; rà soát, đánh giá đúng thực chất các vụ việc, chủ động nắm tình hình, xác định rõ nguyên nhân và giải pháp. Đồng thời, quyết tâm xây dựng các tổ chức Đảng vững mạnh, củng cố ngay các tổ chức có vấn đề, tạo ra sự thống nhất, đoàn kết ngay trong chỉ đạo điều hành…
Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trước khi ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU, trên địa bàn Thành phố xảy ra nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội của Thành phố. Vì thế, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình này để kích động gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, thành công lớn là Thành phố đã đẩy mạnh xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; đồng thời, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố.
“Với sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và cấp ủy chính quyền các cấp nên chúng ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19… với sự đồng thuận của xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân”, đồng chí Nguyễn Văn Phong đánh giá.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 15 – CT/TU |
Tuy vậy, thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc nhận thức của người đứng đầu cấp ủy và một số cấp ủy về Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU còn hạn chế; chưa chủ động giải quyết các vấn đề của cơ sở; tính dự báo còn chưa cao.
Vì thế, trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đơn vị, địa phương cần tăng cường tính dự báo về các vấn đề phức tạp xảy ra trên địa bàn để có cách tiếp cận và giải quyết phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp giữa các đơn vị quận, huyện với các sở, ban, ngành của Thành phố để giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh.
Trong bối cảnh hiện nay, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU cần được bổ sung các yêu cầu mới của Trung ương và Thành phố cho phù hợp với thực tiễn, đặc biệt liên quan đến công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đảng viên… Trong đó, chú trọng nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, các địa phương phải chủ động, không chủ quan khi triển khai thực hiện, tập trung xử lý các vấn đề “nóng” ngay từ cơ sở. Khi có các vụ việc phức tạp xảy ra tại cơ sở, cần chú trọng công tác truyền thông để định hướng dư luận, trong đó, chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo các cấp và các cơ quan báo chí của Thành phố; quan tâm dự báo được các vấn đề lớn của Thành phố tác động đến người dân.
Đặc biệt, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt những nơi có thể phát sinh “điểm nóng” để người dân hiểu và chấp hành; củng cố năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ cơ sở.