Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội được triển khai đa dạng, phong phú và hiệu quả.

Nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, hiệu quả

Đây là thông tin được ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết tại Hội nghị phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai thực hiện nhiệm vụ công nhận, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống Covid-19 đã thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác, minh bạch tới người dân các vấn đề liên quan dịch bệnh, góp phần tích cực vào thành tích chung trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật có liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, chế tài xử phạt các hành vi, nhóm hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống dịch.

Đồng thời, tuyên truyền về chủ trương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người mắc Covid-19, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của thành phố, phản ánh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19… đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn thành phố.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền về phòng, chống dịch được đẩy mạnh, nhất là qua phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội. Trong đó, một số đơn vị triển khai kịp thời, tích cực các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Hà Nội bắt đầu thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, ông Cương cho hay, còn một số đơn vị, địa phương, cán bộ có tâm lý chủ quan, lơ là. Một bộ phận người dân còn có tư tưởng chủ động lây nhiễm Covid-19, gây khó khăn cho công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh chưa chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khi không yêu cầu khách quét mã QR, khai báo y tế…

Vận động nhân dân tự giác chấp hành

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố – bà Phạm Thị Thanh Hương đề nghị, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cần tiếp tục triển khai quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 23/02/2022 của UBND Thành phố Hà Nội về việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn và văn bản chỉ đạo các cấp về phòng, chống dịch bệnh.

Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Mô hình Cầu thang pháp luật đang được nhân rộng tại các chung cư.

Đẩy mạnh huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Xây dựng văn hóa phòng, chống dịch bệnh nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thực hiện hiệu quả nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”.

Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện “Văn hóa phòng, chống dịch bệnh Covid-19” trong thói quen lối sống, sinh hoạt, làm việc, học tập, nêu cao tinh thần trách nhiệm, mỗi viên chức, người lao động, người dân là một tuyên truyền viên về phòng chống dịch bệnh; gương mẫu thực hiện đầy đủ 5K không chỉ tại cơ quan mà còn tại nhà, tại cộng đồng.

Trong đó, chú trọng tuyên truyền việc khống chế dịch tuyệt đối là rất khó khăn, phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược lâu dài, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Đồng thời, siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đa dạng hóa các hình thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền; phát huy hơn nữa các mô hình tự quản trong cộng đồng về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, nhân rộng mô hình, cách làm hay trong công tác tuyên truyền; biểu dương gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống dịch bệnh, tổ chức, cá nhân có giải pháp sáng kiến, sáng tạo trong tuyên truyền, chấp hành pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh…

Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành văn bản về xây dựng “Văn hóa phòng, chống dịch bệnh Covid-19”; Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu đưa việc “Tuyên truyền, chấp hành pháp luật trong phòng, chống dịch” là một trong những tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Cũng tại hội nghị, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đã trình bày những nội dung cơ bản của Quyết định số 25 ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời, trả lời các câu hỏi, giải đáp các khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn cụ thể thêm về các nội dung của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.

Phương Thảo
https://laodongthudo.vn/ha-noi-day-manh-tuyen-truyen-phap-luat-ve-phong-chong-dich-benh-covid-19-138848.html