Về phía đại biểu thành phố Hà Nội tham dự cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ.
Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển
Báo cáo với Thường trực Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2023 của Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, kinh tế tiếp tục phát triển và các cân đối lớn được đảm bảo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. |
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm ước tăng 1,6% (cùng kỳ tăng 6,0%). Các lĩnh vực dịch vụ đều tăng cao hơn cùng kỳ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,2% (cùng kỳ tăng 8,4%); tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 20,4% (cùng kỳ tăng 16,3%). Lũy kế 4 tháng đầu năm, thu hút gần 1,47 triệu lượt khách du lịch (gấp 2,1 lần so với cùng kỳ), trong đó, khách quốc tế (có lưu trú) đạt 1,015 triệu lượt (gấp 10 lần so với cùng kỳ)…
Thu, chi ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 đều tăng. Tổng thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn là 177.989 tỷ đồng (đạt 50,4% dự toán và tăng 21,6% so với cùng kỳ). Chi ngân sách địa phương là 22.582 tỷ đồng (đạt 21,5% dự toán và tăng 16,5% so với cùng kỳ).
Đối với thu hút đầu tư và doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, thu hút 1,7 tỷ USD vốn FDI (bằng cả năm 2022). Có 10.307 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập với số vốn 93,08 nghìn tỷ đồng (tăng 13% về số lượng doanh nghiệp, giảm 24% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022). Lũy kế tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn Thành phố đạt 359,6 nghìn doanh nghiệp.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. Quản lý và phát triển đô thị tiếp tục chuyển biến; công tác phát triển nhà ở được quan tâm đẩy nhanh tiến độ… Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,9% dân số. Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; kỷ cương hành chính được củng cố; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô.
An sinh xã hội được đảm bảo; công tác chăm lo Tết cho nhân dân và đối tượng chính sách được thực hiện tốt; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 của Thành phố, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,095%…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại cuộc làm việc. |
Về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội đã thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2022 đạt 656.102 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao. Tổng chi ngân sách 178.465 tỷ đồng, đạt 82,8% dự toán giao. Tổng mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của Thành phố là 364.678 tỷ đồng; kế hoạch vốn trung hạn đã bố trí năm 2021, 2022, 2023 hơn 143.770 tỷ đồng, đạt 39,7% tổng kế hoạch vốn.
Từ năm 2021 đến hết tháng 3/2023, thu hút đầu tư xã hội đạt 953,96 nghìn tỷ đồng, bằng 30,8% cận dưới chỉ tiêu 5 năm 2021 – 2025 (3.100 nghìn tỷ đồng). Thu hút vốn FDI đạt gần 3.420 tỷ USD (bằng gần 13% của giai đoạn 2016 – 2020). Toàn Thành phố có 60.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập (bằng 48,4% của giai đoạn 2016 – 2020) với số vốn 744 nghìn tỷ đồng.
Tăng trưởng kinh tế của Thành phố được duy trì, bình quân 2 năm 2021 – 2022, GRDP tăng 5,86% – mức khá thấp so với chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2021 – 2025 là từ 7,5-8,0%. Thu nhập tính theo GRDP năm 2022 đạt bình quân 141,8 triệu đồng/người (khoảng 5.950 USD), tăng 18,1 triệu đồng so với năm 2020, bình quân tăng 7,07%/năm. Tổng số vốn đầu tư xã hội 2 năm 2021 – 2022 là 872,2 nghìn tỷ đồng, đạt 28,14% cận dưới chỉ tiêu 5 năm 2021 – 2025 đề ra (3.100 nghìn tỷ đồng).
Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị được tăng cường; phát triển hạ tầng giao thông – một khâu đột phá của nhiệm kỳ được tập trung đẩy mạnh. Trong đó có một số công trình quy mô lớn, quan trọng được triển khai như, đưa vào vận hành đường sắt đô thị Hà Nội số 2A, Cát Linh – Hà Đông; đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành trong năm 2023 tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội; hoàn thiện thủ tục để khởi công trong năm 2023 Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại cuộc làm việc. |
Phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, toàn bộ 382 xã và 15 huyện, thị xã của Thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 14 xã và 2 huyện so với đầu nhiệm kỳ); 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó 2 huyện Đan Phượng và Thanh Trì có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Đề xuất 5 nhóm kiến nghị
Để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục tạo động lực mới trong quá trình phát triển Thủ đô, tại cuộc làm việc, thành phố Hà Nội nêu 5 nhóm kiến nghị. Đó là 3 kiến nghị, đề xuất về dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô; 7 kiến nghị về đường sắt đô thị; 4 kiến nghị về nhà ở; 3 kiến nghị về đất đai và 2 kiến nghị về phân cấp, ủy quyền.
Cụ thể, về dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cho phép tỉnh Hưng Yên phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại Chủ trương đầu tư.
Liên quan đến triển khai dự án thành phần 3 (Dự án PPP), Hà Nội kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND Thành phố là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP và được giao Ban quản lý dự án chuyên ngành Thành phố là chủ đầu tư thực hiện tiểu Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, tổ chức triển khai độc lập và song hành với dự án PPP do Nhà đầu tư thực hiện.
Trong việc áp dụng cơ chế đặc thù của Dự án đường Vành đai 4, thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc cho phép nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP và BOT (Dự án thành phần 3) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc làm việc. |
Riêng đối với các tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 7 kiến nghị cụ thể. Trong đó, sớm xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn – ga Hà Nội (đề xuất trong tháng 5/2023). Đối với Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng Hòa Lạc), để đảm bảo việc cân đối nguồn lực trong việc thực hiện dự án, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ưu tiên cho Thành phố sử dụng nguồn vốn từ nguồn ODA để đầu tư dự án…
Đối với lĩnh vực nhà ở, trong đó về phát triển nhà ở xã hội, Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ cho phép Thành phố được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội đối với quỹ đất ở 20% thuộc các dự án có quy mô ≥ 2ha được nộp bằng tiền, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung. Cùng với đó, cho phép Hà Nội được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội.
Trong phát triển nhà ở tái định cư, lãnh đạo thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng thực hiện Cơ chế đầu tư thí điểm đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn. Đồng thời, cho phép chuyển đổi một số khu nhà tái định cư không dùng đến chuyển sang làm nhà ở xã hội.
Về quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước không phải mục đích để ở, thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất. Trong đó giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý và quy định việc sử dụng số tiền thu được từ khai thác quỹ nhà, đất này. Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị…
Tiếp đó, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã bổ sung, làm rõ thêm các kiến nghị về việc sửa đổi Luật Thủ đô, phân cấp, ủy quyền. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu cụ thể các nội dung kiến nghị liên quan đến việc phát triển công nghiệp văn hoá, ưu tiên đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích văn hoá, lịch sử, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ bàn giao khu vực di sản Hoàng thành Thăng Long, điều chỉnh quy hoạch, đưa vào công trình đền thờ Ngô Quyền tại Khu di tích Cổ Loa… Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn làm rõ thêm các kiến nghị, đề xuất về Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.