Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn trình bày Tờ trình tại kỳ họp. |
Cụ thể, hỗ trợ phí cung cấp thông tin LLTP của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sĩ); mức hỗ trợ 100.000 đồng/lần/người. Hỗ trợ phí cung cấp thông tin LLTP của các đối tượng khác; mức hỗ trợ 200.000 đồng/lần/người.
Trường hợp đối tượng quy định của Nghị quyết này có yêu cầu cấp Phiếu lLLTP đề nghị cấp trên 2 Phiếu LLTP trong một lần yêu cầu thì được hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/lần/người (tương đương 10 Phiếu LLTP). Kinh phí thực hiện việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin LLTP quy định tại Nghị quyết này được bố trí từ nguồn ngân sách thành phố giao Sở Tư pháp.
Trước đó, báo cáo tại kỳ họp, ông Ngô Anh Tuấn – Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, trong thời gian vừa qua, thực hiện Quyết định số 773/QĐ-UBND ngày 06/02/2023 của UBND Thành phố về việc ban hành quy trình cấp Phiếu LLTP trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công thành phố Hà Nội, việc cấp phiếu LLTP được triển khai bằng hình thức nộp trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp và nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Việc tiếp nhận, giải quyết cấp Phiếu LLTP tại thành phố Hà Nội được thực hiện qua 4 hình thức: Nộp trực tiếp, nộp qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình, qua ứng dụng VNeID. Khi thực hiện đề nghị cấp phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID, công dân chỉ cần có Căn cước công dân định danh điện tử mức độ 2, không cần phải đến trụ sở cơ quan của Sở Tư pháp đề nghị cấp phiếu LLTP.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp. |
Công dân ở tại nhà hoặc cơ quan, đơn vị, nơi làm việc hoặc chỉ cần ứng dụng VNeID trên điện thoại là có thể thực hiện được quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP của mình.
Qua thời gian ngắn từ 22/4/2024 đến ngày 6/5/2024, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 5.272 hồ sơ; trong đó có 2.097 hồ sơ tiếp nhận qua ứng dụng VNeID đạt 39,78%, có 3.175 hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công Thành phố đạt 60,22%.
Mặc dù đạt kết quả đáng khích lệ bước đầu, nhưng nhìn chung, tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID để yêu cầu cấp phiếu LLTP còn chưa cao. Đây là dịch vụ mới triển khai thí điểm trên VneID nên chưa được nhiều người biết đến,do đó, ngoài việc tiếp tục tăng cường việc thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân của Thủ đô, cần thiết có cơ chế khuyến khích, động viên, hỗ trợ người dân tham gia sử dụngdịch vụ.
Hà Nội với vị trí, vai trò là Thủ đô, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, thu hút số lượng người cư trú làm việc, sinh sống ngày càng tăng, do đó nhu cầu cấp phiếu LLTP của người dân ngày càng tăng.
Toàn cảnh kỳ họp. |
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận hồ sơ, tra cứu xác minh và cấp Phiếu LLTP trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Việc thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) có nhiều ưu điểm, tiện lợi, gắn với việc xác thực định danh công dân sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, do đó, cần được quan tâm, động viên, khuyến khích công dân tham gia thực hiện”, ông Ngô Anh Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Ngô Anh Tuấn, để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu LLTP tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 23/02/2023, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nhằm động viên, thu hút người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội sử dụng ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) đăng ký cấp phiếu LLTP. Việc Thành phố xem xét bố trí ngân sách hỗ trợ phí cung cấp thông tin LLTP qua dịch vụ công trực tuyến đối với công dân thực hiện yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên địa bàn Thành phố là một giải pháp hữu ích nhằm khuyến khích, động viên các cá nhân tham gia, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, khả năng cân đối ngân sách của Thành phố.