Hà Nội hướng đến khẳng định thương hiệu “Thành phố sự kiện”

Với vị thế là Thủ đô, đồng thời là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất của cả nước, trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố Hà Nội đã và đang xây dựng, hướng tới tên gọi “Thành phố sự kiện” với đích đến là nơi thường xuyên tổ chức những sự kiện, lễ hội lớn của khu vực.

Động lực từ “Thành phố sự kiện”

Hà Nội liên tục được các cơ quan báo chí du lịch quốc tế đánh giá cao, đứng trong nhóm những thành phố điểm đến hấp dẫn nhất thế giới như: Đứng thứ 3 trong danh sách Top 20 điểm đến cho người mê ẩm thực của TripAdvisor; Thời báo Newzealand NzHerald bình chọn Hà Nội là điểm đến tuyệt vời dành cho kỳ nghỉ gia đình… Việc Hà Nội vinh dự được World Travel Awards (WTA) bình chọn là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022 – World’s Leading City Break Destination 2022 đã giúp Thành phố dần trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước.

Hà Nội có nhiều thuận lợi với vị thế là Thủ đô, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời, Hà Nội cũng có hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất của cả nước. Chính vì vậy, trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, Thành phố đã và đang xây dựng, hướng tới tên gọi “Thành phố sự kiện” với đích đến là nơi thường xuyên tổ chức những sự kiện, lễ hội lớn của khu vực.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể. Theo đó đề ra nhiệm vụ Thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế, trong đó có nghệ thuật biểu diễn.

Kế hoạch xác định rõ danh mục lễ hội, sự kiện văn hóa thể thao tiêu biểu trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 – 2030, bao gồm nhiều sự kiện quốc tế tổ chức tại Hà Nội và sự kiện Hà Nội tổ chức tại nước ngoài.

Hà Nội hướng đến khẳng định thương hiệu “Thành phố sự kiện”
Sự kiện văn hóa được tổ chức tại Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Riêng trong năm 2023, nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến Hà Nội “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn” tới du khách, từ tháng 3, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2023 – Get on Hà Nội 2023” với chủ đề: “Hà Nội – Đến để yêu”.

Đây là sự kiện mở đầu trong chuỗi trên 50 sự kiện sẽ diễn ra tại Hà Nội trong năm 2023 như: Lễ hội du lịch Hà Nội 2023; Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2023; Festival Thu Hà Nội; Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề; Lễ hội Áo dài Hà Nội 2023… Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, chuỗi sự kiện trên nhằm hướng đến hoàn thành mục tiêu năm 2023, Hà Nội đón và phục vụ trên 22 triệu lượt khách, trong đó có trên 3 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 77.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, thông qua việc tổ chức các sự kiện du lịch, Hà Nội mong muốn thúc đẩy thu hút du khách đến với Thủ đô, từ đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. Khi các sự kiện trở nên nhộn nhịp, thì cả cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đều được hưởng lợi. Các doanh nghiệp có quy mô lớn, có năng lực vươn xa thì có thể trở thành đơn vị tổ chức cho toàn bộ sự kiện; còn hệ thống dịch vụ, các doanh nghiệp địa phương có thể cung cấp dịch vụ từng phần như: Vận chuyển, khách sạn, ăn uống, hội họp, tham quan…

Trước đó, Hà Nội đã tổ chức thành công “Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2022 – Get on Hanoi 2022”. Toàn Thành phố đã triển khai chuỗi 172 hoạt động, sự kiện trong cả năm. Năm 2022, kinh tế Thủ đô đã phục hồi tăng trưởng đạt 8,89%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ từ hoạt động du lịch với việc thu hút 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021.

Hà Nội hướng đến khẳng định thương hiệu “Thành phố sự kiện”
Lễ hội hoa và Festival nông sản, sản phẩm OCOP được tổ chức tại huyện Mê Linh.

Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, du lịch Thủ đô đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,9 nghìn tỷ đồng, tăng 74,4% với cùng kỳ năm trước.

Quy hoạch không gian, thời gian và quản lý sự kiện

Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có thương hiệu, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu…

Trước khi ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, Thành ủy Hà Nội đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bài bản. Đáng chú ý là việc tổ chức nhiều cuộc tọa đàm để lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực văn hóa cả trong nước và quốc tế. Tại đây, có chuyên gia đã đưa ra con số thống kê rất ấn tượng rằng, tính đến nay, Hà Nội có tới 1.175 lễ hội và sự kiện. Nếu cứ đơn thuần nhìn vào con số này đã thấy rõ là Hà Nội có một tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp văn hóa từ mảng lễ hội, sự kiện.

Trong khi đó, chỉ với hơn 200 lễ hội và sự kiện hằng năm (tương đương 1/5 của Hà Nội), thành phố Montréal (Canada) đã trở thành một trong những thủ đô của công nghiệp văn hóa khu vực Bắc Mỹ, thậm chí được cả du khách và người dân địa phương đặt cho biệt danh “Thành phố Festival”. Trong số những lễ hội có quy mô lớn nhất phải kể đến Festival Ánh sáng hay Liên hoan quốc tế nhạc Jazz (FIZ). Điều đó đã giúp Montréal trở thành “điểm hẹn” của du khách khi nghĩ đến Canada.

Hà Nội hướng đến khẳng định thương hiệu “Thành phố sự kiện”
Hà Nội có một tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp văn hóa từ mảng lễ hội, sự kiện.

Quay trở lại với Hà Nội, dưới góc độ của ngành công nghiệp văn hóa, lễ hội, sự kiện là “chất truyền dẫn” trong “hệ thống” của việc tạo ra sản phẩm dịch vụ văn hóa. Hoạt động này mang nhiều mục đích khác nhau, trước tiên là xây dựng thương hiệu. Từ thương hiệu sẽ mang lại giá trị về kinh tế – xã hội.

Tại hội nghị phổ biến những nội dung cốt lõi của Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa đến đội ngũ cán bộ, đảng viên của Thủ đô vừa được tổ chức tháng 8/2022, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Nếu không có sự kiện tầm cỡ thì không thể có công nghiệp văn hoá”. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc Hà Nội đặt mục tiêu tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn là “chìa khóa” mở ra sự phát triển cho các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, để Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành “Thành phố sự kiện”, là điểm đến của khu vực thì cũng cần phải có chiến lược cụ thể, rõ ràng. Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, với một không gian lớn, Hà Nội cần phải quy hoạch không gian và thời gian, vận hành, quản lý các lễ hội, sự kiện hợp lý. Việc cùng một lúc tổ chức nhiều lễ hội cũng là một điều bất lợi. Sự kiện được xem là quan trọng hay không có thể lấy quy mô làm thước đo, cũng có những lễ hội người dân đến đông nhưng mức độ quan trọng chưa xứng tầm. Nên mạnh dạn đưa công nghiệp vào để xoá bỏ những suy nghĩ cũ về văn hoá, đặc biệt là vấn đề thị trường hóa, coi thị trường là nhân tố quyết định.

“Hà Nội hiện có không gian lớn, có cả văn hóa xứ Đoài sáp nhập vào thì khối lượng công việc rất lớn. Do đó càng cần phải quy hoạch tạo ra sự vận hành, quản lý hợp lý. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có người có chuyên môn tham gia vào quy hoạch”, ông Dương Trung Quốc nói.

Cùng chung quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh khi coi lễ hội, sự kiện là một sản phẩm của công nghiệp văn hóa, thì Hà Nội sẽ làm sự kiện gì và làm như thế nào? Nếu làm duy ý chí, chỉ làm cái mình muốn làm, thì chưa chắc phù hợp với thị hiếu. Giống như bất kỳ ngành công nghiệp gì, sản phẩm làm ra phải được thiết kế cho nhu cầu của đông đảo công chúng. Sự kiện tại Hà Nội muốn làm phải tính phục vụ cho ai, ai sẽ là người bỏ tiền ra để đến xem, tham dự sự kiện đó, có hợp với mong ước của họ hay không?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn thẳng thắn nhìn nhận, Hà Nội là trái tim của cả nước, là nơi giữ nhịp đập cho sự phát triển của cả nước trong văn hóa. Chính vì thế mà sự phát triển văn hóa của Hà Nội vừa là nội lực của Hà Nội nhưng cũng cần có sự giúp đỡ của cả nước đặc biệt là của Trung ương trong sự phát triển này.

“Để thu hút các sự kiện quốc tế đến Hà Nội, thì cần sự tham gia của Bộ Ngoại Giao, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, thậm chí cả Chính phủ. Câu chuyện đó không chỉ riêng Hà Nội mà nó còn là câu chuyện đại diện cho cả đất nước”, ông Bùi Hoài Sơn bày tỏ.

Ngân Phương
https://laodongthudo.vn/ha-noi-huong-den-khang-dinh-thuong-hieu-thanh-pho-su-kien-158029.html