Hà Nội không để ai bị bỏ lại phía sau

 “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đó không chỉ là khẩu hiệu mà còn là hành động thiết thực của các cấp chính quyền trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua. Đặc biệt, trong thời điểm Thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, sự quan tâm, chăm lo đó càng rõ nét hơn. Đối tượng được quan tâm bao gồm tất cả những người gặp khó khăn, ảnh hưởng do dịch Covid-19, những gia đình nghèo, cận nghèo, lao động tự do, lao động ngoại tỉnh làm công việc tự do hiện cư trú tại Hà Nội…

Để người dân yên tâm “ai ở đâu ở yên đó”

Anh Lâm Quốc Nghị (tạm trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình) quê ở Tuyên Quang, làm nghề kéo xe tại chợ đầu mối Long Biên. Dịch Covid-19 ập tới, từ đầu tháng 8, chợ đóng cửa, anh lâm vào cảnh thất nghiệp. Do quy định giãn cách xã hội, anh ở lại xóm trọ. Dịch Covid-19 khiến cuộc sống khó khăn, không có thu nhập nên cuộc sống của anh cũng gặp nhiều khó khăn. Mới đây, anh Nghị đã nhận được quà từ “Chợ 0 đồng” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hỗ trợ và kinh phí xã hội hóa của phường Phúc Xá.

“Trong những lúc khó khăn như thế này, nhận được sự sẻ chia của các cấp chính quyền, những nhà hảo tâm, tôi càng thấm thía hơn câu nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Trong những lúc khó khăn bủa vây, còn gì xúc động hơn với người lao động nghèo chúng tôi khi được quan tâm, không còn lo bị đói. Món quà không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn là món quà tinh thần tiếp thêm động lực, thêm niềm tin để vững tâm ở nhà thực hiện cách ly xã hội”, anh Nghị bày tỏ.

Tương tự, bà Trương Thị Lan hiện trú tại một nhà trọ tại Tổ dân phố 1, phường Phúc Xá xúc động cho biết, bà quê ở Hưng Yên, lên Hà Nội làm việc tại chợ Long Biên nhiều năm qua. Gia đình khó khăn nên không có tiền tích lũy, vì vậy, khi nghỉ việc, bà rơi vào cảnh “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Giữa lúc khó khăn, bà Lan cùng các lao động trong “xóm trọ” đã nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và các nhà hảo tâm để không thiếu lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, mới đây, bà Lan phấn khởi khi được chủ nhà trọ hỗ trợ giảm 50% tiền thuê nhà tháng 8/2021.

Hà Nội không để ai bị bỏ lại phía sau
Người lao động tự do, gặp khó khăn trong dịch Covid-19 đã được hỗ trợ tận tay thực phẩm thiết yếu

Nhằm chăm lo thiết thực cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bà Trần Thị Tố Tâm – Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá thông tin, mới đây, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân (UBND), Ủy ban MTTQ Việt Nam phường cùng cấp ủy chi bộ, hệ thống chính trị 9 địa bàn dân cư và 22 tổ dân phố đã tuyên truyền, kêu gọi các gia đình có nhà trọ đang cho người lao động tự do thuê, hỗ trợ người thuê bằng cách giảm tiền thuê trọ từ 50% đến 100%. Đến nay, đã có nhiều chủ trọ với hàng trăm phòng trọ cam kết sẽ giảm cho người lao động ngoại tỉnh 50% tiền thuê trọ trong thời gian giãn cách. Đặc biệt, gia đình ông Nguyễn Văn Cường, ở số 37, ngõ 44 phố Phúc Xá, đã giảm 100% tiền thuê trọ cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Tương tự, tại phường Dịch Vọng Hậu (quận cầu Giấy), bà Nguyễn Thị Thúy, tổ 14 là một trong những gia đình may mắn được các cấp chính quyền quan tâm. “Tôi làm nghề bán cá ở chợ cóc, do dịch bệnh nên đã phải nghỉ bán hàng hơn 3 tháng nay. Hiện tại, gia đình có 3 mẹ con, đứa lớn làm nghề tự do, dịch này cũng phải nghỉ, còn đứa bé thì đang học. Thời gian này, cả 3 mẹ con chỉ loanh quanh trong nhà, không làm ăn được gì cả. Nhận được tiền hỗ trợ và lương thực từ chính quyền, bản thân tôi cảm thấy rất xúc động vì đã được hỗ trợ kịp thời trong lúc khó khăn. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, mẹ con tôi bớt lo lắng, an tâm ở yên tại chỗ góp phần chung tay cùng địa phương và Thành phố chống dịch”, bà Thúy bày tỏ.

Bên cạnh đó, có rất nhiều trường hợp khác vừa đến Hà Nội, chưa kịp đi làm, số tiền mang theo không đáng kể để có thể chi tiêu cho việc ăn uống, sinh hoạt cũng được hỗ trợ về nhiều mặt. Có thể kể đến là 10 lao động tự do đến từ tỉnh Điện Biên, bị “kẹt lại” tại huyện Chương Mỹ, được huyện bố trí nơi ăn, chốn ở tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Xuân Mai, được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội và nhiều đơn vị khác động viên, hỗ trợ tiền mặt, lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu…

Dồn lực, chăm lo đến từng người dân

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến cuối ngày 16/8, Thành phố đã hỗ trợ cho hơn 14.600 lao động tự do với kinh phí gần 22 tỷ đồng (1,5 triệu đồng/người). Trong đó, có hơn 7.600 người đã nhận tiền hỗ trợ với số tiền đã chi trả là hơn 11,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ cho gần 9.000 trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế với kinh phí hơn 12 tỷ đồng; hỗ trợ cho hơn 2.300 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền hơn 6,5 tỷ đồng, trong đó hơn 1.900 người đã nhận tiền. Với hộ kinh doanh, các cơ quan chức năng đã có quyết định hỗ trợ 196 hộ với số tiền 588 triệu đồng, trong đó 59 hộ đã nhận tiền…

Hà Nội không để ai bị bỏ lại phía sau
Ông Phạm Văn Hà – Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 3, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) trao quà của các cấp chính quyền, đoàn thể đến các gia đình gặp khó khăn do dịch Covid-19

Tại các địa phương trên địa bàn Thành phố, thời gian qua, các cấp chính quyền cũng đã dồn lực, quan tâm, chăm lo đến từng người dân. Ông Trần Trung Tuyển, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, hiện nay phường đang tiếp tục rà soát các hộ gặp khó khăn, ảnh hưởng do dịch Covid-19. Cho đến nay, đã có hơn 600 suất quà gửi đến tận tay người lao động, sinh viên, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục rà soát, nhất là đối tượng sinh viên, người lao động tự do nghỉ việc không thể về quê được hiện đang sinh sống trên địa bàn. Mỗi suất quà gồm 10kg gạo, mì tôm hoặc rau củ quả, thực phẩm thiết yếu… Với nguồn lực từ Thành phố, địa phương và nguồn xã hội hóa, phường Xuân Đỉnh nỗ lực tạo mọi điều kiện đến người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau”, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh nhấn mạnh.

Những ngày qua, ông Phạm Văn Hà, Bí thư chi bộ – Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 3, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) cũng đang cùng các cấp chính quyền, địa phương tích cực tham gia hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ông Hà cho biết, đối với người dân tại khu dân cư số 3, ông cùng các Tổ trưởng tổ dân phố, thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng rà soát, phát thông báo hỗ trợ đến người dân. Theo đó, các thông tin được cập nhật thường xuyên trên zalo, mạng xã hội, những ai gặp khó khăn trên địa bàn có thể dễ dàng liên hệ.

“Tôi cho rằng, hiện nay, Chính phủ, Thành phố, các cấp chính quyền đã và đang nỗ lực để chăm lo cho người dân. Cùng với gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, Hà Nội còn bổ sung các chính sách đặc thù khác, nhằm hỗ trợ cấp bách cho các trường hợp khó khăn với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, các vướng mắc lớn khi thực hiện chi trả cho nhóm lao động tự do cũng đã được hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân”, ông Hà chia sẻ.

Hà Nội không để ai bị bỏ lại phía sau
Lương thực, thực phẩm thiết yếu được hỗ trợ đến người dân trong thời điểm giãn cách

Ông Điện Quang Thắng, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 3, phường Phúc Xá (quận Ba Đình) cũng cho rằng, cùng với sự nỗ lực của thành phố, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… cũng đang hằng ngày, hằng giờ chung tay bảo đảm an sinh cho mỗi người dân sinh sống tại Hà Nội một cách tốt nhất. “Trên mạng xã hội, tôi thấy hiện nay có rất nhiều trang Facebook nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Các nhóm đều đang hỗ trợ nhu yếu phẩm thông qua chính quyền địa phương, không tổ chức các hoạt động từ thiện tự phát để vừa bảo đảm món quà hỗ trợ đến được đúng người cần, vừa giữ an toàn phòng dịch cao nhất”, ông Thắng thông tin.

Mới đây, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cũng đã thành lập trang Facebook “Đoàn kết chống dịch”. Theo đó, thông tin treo ngay đầu trang với nội dung: “Dù bạn là ai, có hộ khẩu hay tạm trú ở Hà Nội, các bạn đều được giúp đỡ. Nếu bạn gặp khó khăn mà chưa được giúp đỡ hãy liên hệ với chúng tôi. Nếu bạn thấy có tiêu cực trong việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn hãy liên hệ với chúng tôi. Chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết để sớm vượt qua đại dịch”. Kèm theo đó là danh sách các đầu mối, các số điện thoại, người liên hệ theo từng địa phương để bạn có thể liên hệ; thông tin về các hoạt động hỗ trợ đang được triển khai mỗi ngày ở từng khu phố…

Đặc biệt, một trong những hoạt động được thực hiện xuyên suốt những ngày qua, trên mọi nẻo đường Thủ đô, đó là những chuyến xe buýt siêu thị 0 đồng của Liên đoàn Lao động Thành phố, Liên đoàn Lao động các quận, huyện cũng đã mang hàng chục nghìn phần quà tới trao tận tay những người lao động gặp khó khăn. Đây được cho là một trong những hoạt động thiết thực, chăm lo đến người lao động trong hoàn cảnh khó khăn…

Nhằm chăm lo cho lao động ngoại tỉnh, mới đây, UBND Thành phố tiếp tục có Văn bản số 2647/UBND-KGVX về việc hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian giãn cách xã hội, trong đó yêu cầu các địa phương rà soát, bố trí nơi ở tạm thời để đưa người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn, không có nơi cư trú đến tạm trú; xây dựng phương án đưa họ về quê khi đủ điều kiện; huy động nguồn lực xã hội hóa và các nguồn vận động hợp pháp khác để hỗ trợ các đối tượng lao động ngoại tỉnh không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo một số chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đang triển khai trên địa bàn Hà Nội.
K.Tiến / laodongthudo.com.vn
Trân trọng mời độc giả tiếp tục theo dõi video clip: