Hà Nội kiến nghị tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư

Thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội sớm xem xét đề án tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để làm cơ sở triển khai thực hiện. Về Luật đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), Thành phố đề nghị, nghiên cứu xem xét bổ sung, cập nhật thống nhất quy định về tiểu dự án trong dự án PPP.

Chiều 12/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” đã làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội chủ trì buổi giám sát. Tham gia Đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng Đoàn giám sát. Về phía Hà Nội có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ

Thay mặt UBND Thành phố báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết, năm 2022, đã có 12.186 doanh nghiệp, được gia hạn thuế VAT là 6.966 tỷ đồng, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp là 5.702 tỷ đồng; 167 số hộ kinh doanh và người nộp thuế thu nhập cá nhân được gia hạn là 15 tỷ đồng; 1.162 đối tượng được gia hạn tiền thuê đất là 872 tỷ đồng. Năm 2023, có 17.002 doanh nghiệp, được gia hạn thuế VAT là 9.168 tỷ đồng, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp là 5.082 tỷ đồng; 213 số hộ kinh doanh và cá nhân được gia hạn là 25 tỷ đồng; 2.060 người nộp thuế được gia hạn tiền thuê đất là 1.396 tỷ đồng.

Hà Nội kiến nghị tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì buổi giám sát.

Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, trong 2 năm triển khai, đã có hơn 7.345 lượt khách hàng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó, hỗ trợ 6.812 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 7.000 lao động; hỗ trợ 202 lượt khách hàng vay vốn để mua nhà ở xã hội, xây mới, sửa chữa nhà để ở…

Về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Thành phố đã tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ và tổ chức hỗ trợ tiền thuê nhà cho 429.454 lượt lao động của 13.908 đơn vị (bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) với số tiền 224,916 tỷ đồng.

Về thực hiện dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau gần 1 năm khởi công, Hà Nội đã giải phóng mặt bằng trên 98%. Đối với 13 khu tái định cư của thành phố Hà Nội, cũng đã hoàn thành xong 6 khu, còn 7 khu đang ở các mức độ, khối lượng khác nhau, từ 70% đến 90%…

Hà Nội kiến nghị tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát.

Tuy nhiên việc triển khai, xây dựng dự án cũng có một số khó khăn. Thành phố kiến nghị Quốc hội sớm xem xét đề án tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để làm cơ sở triển khai thực hiện. Về Luật PPP, Thành phố đề nghị, nghiên cứu xem xét bổ sung, cập nhật thống nhất quy định về tiểu dự án trong dự án PPP.

Điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 56/2022/QH15 “cho phép tiếp tục giao cho các nhà thầu thi công khác trong cùng dự án được khai thác phần khối lượng còn lại phục vụ dự án mà không phải thực hiện thủ tục đăng ký khai thác theo cơ chế đặc thù về khai thác mỏ vật liệu”.

Để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn triển khai dự án đầu tư, Thành phố đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép trong quá trình phê duyệt điều chỉnh dự án được phép điều chỉnh tăng/giảm tổng mức đầu tư các dự án thành phần (so với tổng mức đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư) nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư toàn bộ dự án và không làm tăng mức vốn đầu tư từ ngân sách trung ương.

Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và cho ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV để thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội. Thành phố cũng đề nghị xem xét tiếp tục triển khai đồng bộ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Đánh giá sâu thêm tác động của các chính sách hỗ trợ

Thảo luận tại buổi giám sát, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Hà Nội đánh giá, đề xuất cụ thể về Nghị quyết số 43/2022/QH15 để Quốc hội có cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết vào kỳ họp thứ bảy sắp tới. Đoàn cũng đề nghị Thành phố làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại…

Về dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, các thành viên đoàn giám sát đề nghị Thành phố cần chú trọng đến công tác lựa chọn nhà thầu dự án PPP trong thời gian tới; quan tâm đến giá đền bù, đến sinh kế của người dân bị thu hồi đất thực hiện dự án; khai thác hiệu quả sử dụng đất xung quanh đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô…

Hà Nội kiến nghị tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư
Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và bảo đảm tiến độ dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô của thành phố Hà Nội. Ghi nhận kiến nghị của thành phố, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ báo cáo Quốc hội, Chính phủ giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền.

Đối với thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thành phố đánh giá sâu thêm tác động của các chính sách hỗ trợ lãi suất, chính sách miễn, giảm thuế đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tại Thành phố; bổ sung, làm rõ hiệu quả và đánh giá tác động của các chính sách an sinh, xã hội, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong Nghị quyết đến những đối tượng thụ hưởng trực tiếp…

Về thực hiện Nghị quyết số 56/2022/QH15, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ của công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án thành phần; thu hồi đất chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.

Tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đối với thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thiện báo cáo, trong đó, sẽ đánh giá sâu sắc, toàn diện về việc triển khai Nghị quyết trên địa bàn thành phố, trên tinh thần đánh giá tác động tổng thể của các cơ chế, chính sách được triển khai thực hiện trong thời gian qua.

“Một số chính sách được Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định rất tốt, tạo sự hỗ trợ hữu hiệu cho người dân trong quá trình đại dịch diễn ra, nhưng thành phố Hà Nội có một số cơ chế đặc thù, đã triển khai hỗ trợ cho các đối tượng này, nên không thể triển khai trong hai năm thực hiện Nghị quyết”, Chủ tịch UBND Thành phố nói.

Đối với dự án thành phần 3 (dự án PPP) dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, có sự thay đổi về giá trị đầu tư từng dự án thành phần nhưng chưa ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư dự án; do nhiều nguyên nhân nên việc kêu gọi nhà đầu tư trong nước còn gặp nhiều khó khăn, do đó, cần kêu gọi sự tham gia liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài để bảo đảm tiến độ dự án.

Ngân Phương