Hà Nội: Kiên quyết thay thế, điều chuyển cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, chấp hành quy định giờ giấc làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Từ đó, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu, vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc.

Ngày 15/12, Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến dự và phát biểu chỉ đạo.
Hà Nội: Kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến dự và phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm

Trong phần đề dẫn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội Phùng Khải Lợi cho biết, những năm gần đây, vượt qua nhiều thách thức, cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế, Hà Nội được bạn bè quốc tế biết tới là địa phương có môi trường chính trị ổn định, văn hoá xã hội đạt được nhiều thành tựu, trật tự an toàn được giữ vững, bộ mặt Thành phố ngày càng được cải thiện; con người Thủ đô thân thiện, cởi mở và thanh lịch; vị thế của Hà Nội ngày càng được nâng cao trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng đối mặt thực tế cần khắc phục, đó là: Việc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa nghiêm; vai trò trách nhiệm, năng lực người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn yếu kém, chưa đổi mới sáng tạo trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, còn tình trạng “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” trong thực thi công vụ. Vấn đề này không còn mang tính cá biệt mà đang diễn ra ở nhiều nơi, trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Thực trạng đó đặt ra những câu hỏi cần được giải quyết bằng lập trường tư tưởng kiên định vững vàng, bằng năng lực trí tuệ của mỗi cán bộ, đảng viên, nhằm khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần phát huy năng lực dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo… vì danh dự cá nhân, vì lợi ích chung của tập thể, là biểu hiện của chuẩn mực đạo đức, phẩm chất cao quý, đáp ứng đòi hỏi khách quan, góp phần vào phát triển chung của Thủ đô trong tình hình mới.

“Tọa đàm hôm nay là một trong những hoạt động thiết thực của Đảng ủy Khối nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội”, ông Phùng Khải Lợi nhấn mạnh.

Hà Nội: Kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội Phùng Khải Lợi phát biểu đề dẫn

Tại tọa đàm đã có hơn 20 bài tham luận từ các cơ quan, đơn vị và nhiều ý kiến từ đại diện lãnh đạo một số chi bộ, đảng bộ cơ sở, chia sẻ về một số kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU; phân tích nguyên nhân hạn chế, tồn tại trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng của cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Đáng chú ý, các đại biểu đã chia sẻ những giải pháp mà đơn vị đang thực hiện để phát huy tốt trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ được giao gắn với những biểu hiện về vi phạm kỷ cương kỷ luật, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ và các biểu hiện trong việc thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người dám đấu tranh, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo.

Từ đó, nêu những bài học kinh nghiệm, đề xuất để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Thành phố nói chung, Đảng bộ Khối nói riêng có ý thức kỷ luật, gương mẫu, tâm huyết với công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tri thức, đạo đức, năng lực, chuyên nghiệp, tinh thần cống hiến, hết lòng vì công việc; không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến biểu dương kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố; đồng thời đánh giá cao việc Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố đã sớm ban hành Kế hoạch để triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị này bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp đặc thù từng cơ quan, đơn vị; nhờ đó tạo bước chuyển sâu sắc, rõ nét.

“Đảng bộ Khối các cơ quan Thành phố là một đảng bộ cấp trên cơ sở đặc thù có 64 tổ chức cơ sở Đảng với gần 8.000 đảng viên, đều công tác tại cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội của Thành phố. Trong đó, cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy chiếm trên 50% tổng số cán bộ chủ chốt của Thành phố, nên tính chất, mức độ, phạm vi ảnh hưởng của đội ngũ đảng viên trong Đảng bộ Khối có sức lan tỏa lớn trong cả hệ thống chính trị”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Hà Nội: Kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Quang cảnh tọa đàm

Từ những ý kiến tại Tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận tinh thần học hỏi, đổi mới, sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của các đơn vị thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Thành phố.

Để Chỉ thị 24-CT/TU thực sự phát huy hiệu quả, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố và cấp ủy Đảng các cơ quan, đơn vị cơ sở quán triệt sâu sắc, cụ thể những nội dung đã nêu tại Chỉ thị.

Trong đó, tiếp tục quán triệt, phổ biến sâu rộng các nội dung của Chỉ thị nhằm nâng cao nhận thức của tập thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong Đảng bộ Khối về trách nhiệm chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được phân công; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện phân cấp, ủy quyền, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, chấp hành quy định giờ giấc làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Từ đó, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu, vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc theo tinh thần của Chỉ thị 24-CT/TU.

“Cần đặc biệt coi trọng việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố nhằm khơi dậy tinh thần cống hiến, sáng tạo vì sự phát triển của Thủ đô, mà cụ thể là giải quyết kịp thời, có hiệu quả các thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Song song với đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai có hiệu quả mô hình “một cửa” và “một cửa liên thông”, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trên các mặt hoạt động nhằm cải cách hơn nữa các dịch vụ công phục vụ nhân dân. Các cấp ủy Đảng cũng cần tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân, nhất là những lĩnh vực khó khăn, là “điểm nghẽn” của Thành phố, như xây dựng chung cư cũ, quản lý tài sản công, xây dựng đơn giá định mức để áp dụng tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập…”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Hoàng Phúc